Giúp trẻ ứng phó với nguy hiểm: Người lạ và những bài học chưa cũ

03/04/2015 - 12:50

PNO - PN - Nguy cơ đến từ người lạ luôn xảy ra bất kỳ lúc nào đối với trẻ. Vì chủ quan, nhiều phụ huynh quên trang bị cho trẻ những kỹ năng phòng tránh mối nguy hiểm này. ThS Tô Nhi A (giảng viên Trường CĐ Sư phạm Trung ương TP.HCM) chia sẻ những bài học cần thiết.

edf40wrjww2tblPage:Content

Khi chưa biết người lạ tốt hay xấu, phải luôn đề phòng: Khi có người lạ hỏi han, trò chuyện, chưa xác định đó là người tốt hay xấu, trẻ cần chuẩn bị thế “thủ”. Tất nhiên, phụ huynh không nên dạy trẻ rằng “không được tiếp xúc, trò chuyện với bất kỳ người lạ nào”, bởi giao tiếp với người lạ cũng là một nhu cầu cần thiết để trẻ hoàn thiện tính cách.

Trẻ vẫn có thể trả lời những điều người lạ hỏi. Tuy nhiên, hãy lưu ý với trẻ, trong quá trình giao tiếp, cần quan sát gương mặt của người lạ để nhận biết sự nguy hiểm; giữ khoảng cách an toàn hoặc đứng ở nơi đông người để có thể kêu gọi sự giúp đỡ khi bị tấn công, xâm hại.

Nói “không” với lời hứa hẹn, quà tặng đến từ người lạ: Khi người lạ dẫn dụ, cho cái này, hứa làm điều kia, rủ rê, trẻ cần biết tỏ thái độ dứt khoát, kiên quyết nói “không”. Để đạt được kết quả này, bố mẹ phải kiên trì giúp con hành xử như một thói quen. Trẻ em dễ bị hấp dẫn bởi những món quà - những vật phẩm mà bố mẹ thường không đáp ứng như kẹo, bánh, đồ chơi... Hãy nói với con về lý do bố mẹ không đáp ứng cho con những đòi hỏi đó để con chấp nhận “sự thiếu thốn” một cách thuyết phục. Làm được như vậy, những lời hứa hẹn, dụ dỗ của người lạ cũng sẽ phần nào bớt đi sự hấp dẫn. Cuộc sống ngày nay có không ít chuyện đau lòng về việc trẻ bị dụ dỗ, xâm hại. Bố mẹ hãy nói với con những sự việc này để trẻ hiểu và chủ động phòng tránh.

Giup tre ung pho voi nguy hiem: Nguoi la va nhung bai hoc chua cu

Cảnh giác cao độ trước nguy cơ xâm hại tình dục: Không có sự khác nhau nhiều về nguyên tắc bảo vệ an toàn, xâm hại tình dục cho bé trai và bé gái. Các bé đều có thể bị tấn công như nhau; chỉ khác nhau về biểu hiện tiếp cận các bé của người xấu. Tựu trung vẫn là những cách thức thường thấy:

- Cho trẻ quà bánh, đồ chơi.

- Tự xưng là người quen của gia đình trẻ để dẫn đi làm việc xấu.

- Ngụy trang thành những nhân vật có độ tin cậy rồi tấn công bất ngờ.

- Tấn công chậm: tạo sự tin tưởng cho trẻ bằng một quá trình giao tiếp, sau đó mới tấn công. Phương thức này rất nguy hiểm vì trẻ khó đề phòng.

Phụ huynh cần trang bị cho con khả năng tự bảo vệ trước những cách thức trên. Từ từng “thủ thuật” của người xấu, cha mẹ cần nói chi tiết với con cách ứng phó.

Kiến thức cần được “tiêu hóa” thành kỹ năng: Cung cấp kiến thức chưa phải là tất cả, trẻ cần được thực nghiệm. Trong hoàn cảnh bình thường, trẻ có thể “trả bài” rất chính xác cho phụ huynh, nhưng khi nguy hiểm xảy ra, có sự cộng hưởng của cảm xúc, sự tác động từ người lạ, rất có thể trẻ không biết xử trí như thế nào.

Nếu có thể, hãy giả định tình huống và nhờ người giúp đỡ để biết con thực sự đã chuyển được từ kiến thức thành kỹ năng hay chưa. Ví dụ: nhờ con trông nhà và có người lạ (thực chất là người quen của ba mẹ) đến đưa ra nhiều tình huống; đón con trễ và nhờ người tiếp cận con; tổ chức dã ngoại và tạo tình huống đi lạc cho con…

Để con trưởng thành và thực sự chủ động, biết tự bảo vệ mình là một quá trình dài. Không có phương pháp nào là vạn năng. Quan trọng nhất vẫn là sự tinh tế của cha mẹ khi quan sát sự phát triển của con; kiên nhẫn để từng chút một giúp con thẩm thấu và hình thành bản lĩnh tự bảo vệ; linh hoạt, cùng con nhận diện biến động của cuộc sống để kịp thời phòng tránh.

Giúp trẻ tự bảo vệ - khó vẫn phải làm: Thông thường, phụ huynh can thiệp để bảo vệ trẻ đơn giản hơn nhiều so với việc dạy trẻ kỹ năng tự bảo vệ. Thế nhưng, cha mẹ không thể theo sát trẻ 24/24, việc huấn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho trẻ luôn phát huy hiệu quả cao hơn việc cha mẹ theo sát để bảo vệ con.

Từ kinh nghiệm bản thân, đặc điểm môi trường sống và từ diễn biến thực tế của cuộc sống, hãy trao đổi cùng con những nguy hiểm có thể xảy ra. Đồng thời, hãy giúp con và cùng con đưa ra giải pháp cho từng tình huống: Ai là người con có thể kêu gọi sự giúp đỡ? Số điện thoại cần nhớ và gọi điện thoại ở đâu?... Việc trò chuyện này giúp trẻ có sự cảnh giác nhất định.

 TRẦN TRIỀU (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI