Giúp con chủ động đặt câu hỏi

26/06/2014 - 07:25

PNO - PN - Lúc khoảng bốn tuổi, cu Bin thường ríu rít những câu hỏi tìm hiểu mọi thứ xung quanh. Nào là “tại sao lá cây thì màu xanh, còn nụ hoa thì màu đỏ?” hay “tại sao con lại phải ăn cơm mà con gấu bông thì không phải ăn gì cả?”,...

edf40wrjww2tblPage:Content

Cu cậu không chỉ gặp điều gì cũng hỏi mà còn đưa ra nhiều câu trả lời khá ngộ nghĩnh. Ba mẹ Bin đều nhận thấy lợi ích của việc đặt câu hỏi đối với sự phát triển trí tuệ của con, nhưng dạo này khi bé đã được hơn bảy tuổi, họ lại thấy con trai hay trầm ngâm suy tư và e dè hơn trong việc đặt ra những điều thắc mắc, nghi vấn. Đem băn khoăn đó đến trao đổi với giáo viên chủ nhiệm của Bin, ba mẹ cũng nhận được câu trả lời tương tự. Tại sao càng lớn thằng bé lại càng ngại hỏi như thế?

Trẻ ngại hỏi do đâu?

Nguyên nhân khiến trẻ muốn biết nhiều vấn đề nhưng lại không nêu ra câu hỏi chính là:

- Do thiếu kiến thức cơ bản cũng như thiếu phương pháp trau dồi ngôn ngữ nên trẻ không thể diễn đạt được điều mình muốn trao đổi.

- Do trẻ nhút nhát không dám đưa ra câu hỏi hoặc lười hỏi (không muốn động não suy nghĩ).

- Cũng có thể là do trẻ mắc phải bệnh “sĩ diện hão”, không biết nhưng không dám bộc lộ ý kiến, sợ người khác cười nhạo, chê dốt.

Để trẻ chủ động, tích cực nêu những thắc mắc của mình, cha mẹ cần tìm ra những nguyên nhân khiến trẻ e dè trong việc nêu ra câu hỏi. Dù đó là nguyên nhân nào, thì cũng chính là cơ sở để lựa chọn phương pháp định hướng, tác động giúp đỡ kịp thời.

Giup con chu dong dat cau hoi

Đồng hành cùng trẻ

Trong quá trình chăm sóc và giáo dục trẻ, nếu chúng ta khuyến khích trẻ thường xuyên mạnh dạn đặt câu hỏi và cùng nhau tìm cách giải quyết - có nghĩa là chúng ta đã giúp trẻ động não, luôn ở trong trạng thái đi tìm cách để giải quyết mâu thuẫn giữa những gì trẻ biết và chưa biết.

- Những trẻ nhút nhát không dám đưa ra câu hỏi, lâu dần sẽ nảy sinh thói quen lười hỏi (không muốn động não suy nghĩ). Với trường hợp này, cha mẹ cần trao đổi cùng trẻ để trẻ hiểu được lợi ích của việc nêu câu hỏi. Người lớn có thể mua cho trẻ những quyển truyện về các danh nhân, để qua các câu chuyện đó trẻ hiểu được rằng muốn gặt hái những thành công trong cuộc sống, con người phải biết trăn trở, băn khoăn với những câu hỏi “vì sao?”. Đó chính là động lực kích thích con người tìm tòi, khám phá thế giới. Trải nghiệm sau những lần hứng thú vì tìm được câu trả lời thỏa đáng, trẻ sẽ thấy được rằng chỉ khi nào dám hỏi, dám làm để giải quyết câu hỏi thì mới có thể học tập tốt, mới làm chủ những hiểu biết của mình.

- Đối với trẻ “sĩ diện hão”, không biết nhưng không dám bộc lộ ý kiến, lo sợ người khác cười nhạo, chê kém cỏi thì cha mẹ phải nên gần gũi, thông cảm và tin tưởng, đồng thời nói cho trẻ hiểu rằng “Thiếu hiểu biết không hẳn là xấu”. Hãy giúp đỡ trẻ bắt đầu từ việc bổ sung những kiến thức mà trẻ còn bị hổng, nắm chắc lại những kiến thức cơ bản. Khuyến khích trẻ học tập những bạn mạnh dạn nêu câu hỏi trong quá trình học tập tại lớp, khắc phục tính “giấu dốt”. Luôn động viên trẻ khi nào không biết thì chủ động hỏi, dám thể hiện tinh thần học hỏi của mình. Điều này không khiến chúng bạn chê cười, mà còn là cách thể hiện tính hòa đồng của mình trong tập thể.

- Đối với những trẻ rất muốn biết, muốn làm rõ vấn đề nhưng vì thiếu kiến thức cơ bản khiến trẻ không thể diễn đạt được điều mình muốn trao đổi thì cha mẹ và thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở trẻ nắm vững các kiến thức đã học. Khi đọc tài liệu hay gặp phải những vấn đề còn phân vân thì nên đánh dấu, đọc, suy ngẫm lại nhiều lần và viết những điều không hiểu ra giấy. Khi nghe giảng phải chăm chú, ghi chép đầy đủ, cẩn thận nội dung kết hợp với suy nghĩ. Nếu đã suy nghĩ hết sức, tra cứu nhiều tài liệu liên quan nhưng vẫn chưa hiểu, chưa thể làm rõ được vấn đề thì hãy mạnh dạn trực tiếp hỏi giáo viên hoặc các bạn cùng lớp. Có thể đem vấn đề đó về trao đổi cùng cha mẹ lúc ở nhà. Người lớn cần phải giúp trẻ hình thành thói quen quyết tâm đến cùng để tìm ra chân lý; không được buông xuôi, bỏ dở điều băn khoăn của mình. Cha mẹ, thầy cô phải lưu ý trẻ trước khi nêu câu hỏi phải suy nghĩ và tự tìm tòi thật kỹ, bởi không nghĩ kỹ mà đã hỏi hoặc ngược lại hỏi rồi mà không suy nghĩ tìm cách hiểu rõ thì nảy sinh tính dựa dẫm, phụ thuộc, ngại tư duy, không tốt cho sự phát triển nhân cách của trẻ.

Giảng viên tâm lý học Lê Phạm Phương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI