Gieo tính xấu cho con

02/05/2014 - 19:55

PNO - PN - Vừa thấy bố cầm cây roi, cu Bo năm tuổi đã khóc toáng lên. Mẹ cậu phát hoảng, vội lấy gối đỡ cho con. Được nước Bo càng làm mình làm mẩy hơn. Bố định quất roi vào mông cu cậu, nhưng mẹ đã tìm mọi cách che chắn, ngăn lại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Đó là chuyện xảy ra nhiều lần ở gia đình anh Hai tôi. Mỗi lần cu Bo hỗn hào hay làm sai điều gì, anh Hai xách roi ra định đánh là vợ anh lại lao vào can ngăn. Nhiều lần vì chuyện này mà vợ chồng anh chị cãi nhau ỏm tỏi.

Có lần, đến bữa ăn, vì không có món tôm lăn bột mà Bo thích, Bo không chịu ăn mà lấy muỗng dằm cơm, múc đổ tứ tung khắp nhà. Chị người làm vã mồ hôi, một tay giữ Bo, một tay lau nhà. Thằng nhỏ cắn vào tay chị giúp việc. Đau quá, chị đành phải thả Bo ra. Như chưa hả cơn giận, Bo chạy lại, đá đổ chén cơm. Thấy con quá quắt, anh trai tôi quát lớn: “Bo! Sao con hỗn vậy?”. Thằng nhỏ tiếp tục lấy chén trong mâm ném xuống nhà, vỡ tan tành. Anh tôi giận tím mặt, vội lấy cây chổi lông gà. Chị Hai nhanh miệng: “Thôi, trời đánh tránh bữa ăn. Con nó còn nhỏ mà”. Thấy mẹ lên tiếng, Bo vội sà ngay vào lòng mẹ, khóc tức tưởi, luôn miệng: “Mẹ ơi! Mẹ… cứu con. Ba đánh con”. Chị dâu tôi ôm chặt con, vỗ về, giọng nựng nịu: “Con trai ngoan của mẹ. Nín đi… Nín đi con. Có mẹ đây không ai ăn hiếp được con đâu”. Anh tôi chỉ biết thở dài, bất lực.

Gieo tinh xau cho con

Thành thói quen, mỗi lần Bo muốn cái gì, nếu mọi người trong nhà chưa kịp đáp ứng, cậu bé liền lăn ra nhà, giậm chân liên tục. Tiếp đó, Bo chọi, đập vỡ đồ đạc trong nhà. Có khi là ly nước, tách trà, khi là chén đồ ăn… đến nỗi chị dâu phải mua toàn chén bát, ly tách bằng nhựa thay cho đồ sứ. Biết ý Bo hay đập phá nên mỗi lần thấy cậu trở chứng, người giúp việc vội cất giấu hết đồ đạc dễ vỡ lên cao. Không dùng chiêu đập đồ được, Bo lại nảy ra một “sáng kiến” mới, đó là đập đầu xuống sàn nhà. Xót con, chị dâu không đành, vội lao vào giữ lại. Và những lúc đó, nếu hái sao trên trời được chắc chị cũng lấy cho Bo.

Càng ngày Bo càng vòi vĩnh, quá quắt. Chiều cuối tuần, chị dâu hứa mua cho cậu bé một chiếc xe chạy bằng pin, nhưng do lu bu công việc ở cơ quan, chị về trễ. Vừa thấy mẹ ở cửa, Bo chạy ùa ra hỏi chiếc xe đồ chơi. Nghe mẹ nói quên mua xe, thằng bé khóc thét lên. Không thể chịu đựng nổi thói hư hỗn của con, anh tôi lấy roi quất tới tấp. Như những lần trước, chị dâu một tay đỡ con, một tay xô chồng ra, mắng sa sả: “Anh không sinh nó ra, không biết đau thì đừng có đụng vào nó”. Bo được mẹ bênh lại càng ăn vạ, hét vang nhà. Không kiềm chế được cơn giận, anh Hai xả roi vào cả vợ lẫn con. Cả hai mẹ con ôm nhau khóc. Anh Hai buồn bã, ném cây roi vào góc nhà, bỏ ra ngoài. Không khí trở nên ngột ngạt, nặng nề.

Nhiều lần tôi khuyên chị dâu đừng chiều theo ý con. Nên giảng giải để bé hiểu, không phải đòi hỏi nào của con cũng đáp ứng được. Dù không ai khuyến khích việc dạy trẻ bằng đòn roi nhưng trong nhà nên có một người nghiêm khắc, răn đe để trẻ biết sợ. Nếu người mẹ đã hiền, dễ tính thì người cha phải nghiêm và ngược lại. Khi con làm sai điều gì, ba và mẹ cùng thống nhất cách dạy con, người này răn dạy thì người kia không nên can thiệp, bênh vực. Cái kiểu “người đánh người xoa” không những không dạy được trẻ mà còn làm cho bé lờn mặt, không biết sợ ai. Lâu dần, trẻ trở nên hỗn hào, ngỗ ngược và luôn làm theo ý mình.

 Mỹ Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI