Gia vị yêu thương

18/06/2015 - 10:21

PNO - PN - Khi chú bán bánh canh trước trường chào hàng, Yo Yo lắc đầu nguầy nguậy, nói: “Dạ, thôi, cảm ơn chú, con không mua nữa đâu. Chú làm không ngon bằng mẹ con!”. Chị Thân Thanh Giang (kiểm soát viên - Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam, chi nhánh Bình Tây, Q.6, TP.HCM) bật cười mỗi lần nhắc lại lời từ chối “siêu thật thà” của cậu con bốn tuổi. Nụ cười của chị hiển hiện niềm tự hào được là đầu bếp số một của con. Phải chăng chị đang sở hữu gói gia vị bí mật nào đó?

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong hàng ngàn buổi sáng khác nhau, mỗi ngày Tum Tum và Yo Yo đều bị đánh thức bằng một mùi thơm ngào ngạt nào đó từ bếp của mẹ. Sáng nay là món bánh canh tôm bột xắt. Khi nồi nước lèo với những tai nấm rơm tròn trĩnh, những con tôm đỏ au (được xào trước) ùng ục sôi và dậy hương cũng là lúc hai “ông” trai từ phòng ngủ hối hả “lăn vào bếp”.

Mẹ cán bột, xắt bột, Tum Tum hí hoáy vớt bọt nồi nước lèo, em Yo Yo ngắt hành, ngò rửa sạch. Chỉ 10 phút sau phòng ăn đã đầy những tiếng lao xao nói cười rôm rả: “Mời ngoại, mời ba mẹ, mời con”. Ngày mới được khởi động bằng những tiếng sì sụp, tiếng hít hà như thế.

Để nấu nồi bánh canh sáng cho cả nhà năm người, chị Giang mua sẵn bịch bột gạo 400g, khoảng 300g tôm tươi và 200g nấm rơm từ hôm trước. Đang mùa nắng nóng, những món nước như bánh canh, hủ tiếu, phở… có vẻ dễ ăn và giúp bù nước cho cơ thể. Món này thường chỉ có tôm nhưng nấm rơm là món ghiền của bọn trẻ nên chị đã “cải biên” thêm và cũng để cung cấp đạm thực vật, chất xơ cho con, giúp con tập ăn rau củ quả, dễ tiêu hóa và hạn chế béo phì.

Thông thường, chị mất khoảng 30 phút cho bữa sáng. Với những món cầu kỳ hơn, chị chuẩn bị nguyên liệu, sơ chế hoặc nấu sẵn từ tối. Buổi sáng chỉ cần làm nóng hoặc thêm một vài công đoạn nhỏ nữa là xong. Mỗi ngày một thực đơn, bò kho, ragu, bún cá lóc, bánh cuốn, cơm chiên, pizza… tùy nhu cầu “khách hàng”, tùy mùa nóng - lạnh…

Gia vi yeu thuong

Gia vi yeu thuong

Tô bánh canh đậm đà hương vị của “bếp trưởng” Thân Thanh Giang

Gia vi yeu thuong

Bữa ăn sáng vui vầy của gia đình chị Thân Thanh Giang

“Đi làm đã mệt mỏi, sao không dành thời gian để ngủ thêm, để chăm chút cho bản thân?” có người hỏi. Chị Thanh Giang không ngại, không thấy thiệt thòi cũng chẳng gọi đó là hy sinh. Với chị, dậy sớm nấu cho con bữa ăn là niềm vui, là cách bày tỏ tình yêu - không khác gì những nụ hôn, những lời trìu mến, ngọt ngào. Và tình yêu với bếp, với mẹ, với chồng con phải chăng đã kết tinh nên gia vị bí mật của chị - gia vị yêu thương? “Ngoài yếu tố vệ sinh, tiết kiệm, thì gắn kết tình thâm gia đình thông qua bữa ăn là điều quan trọng khiến tôi không có lý do gì để rời bếp.

Kỷ niệm ngày cưới, sinh nhật các thành viên, tôi đều tổ chức ở nhà, tự nấu, tự đãi. Vui nhất là các bạn của con đến dự sinh nhật đều hăm hở dặn “sinh nhật năm sau cô cũng làm món này nữa nghen cô!”. Từ sự “hâm mộ” này, hai con cũng vui vẻ, hào hứng đem các loại bánh “made in nhà mình” đến trường, trước khoe, sau mời các bạn ăn. Ông xã cũng không thích la cà, hết giờ làm việc về nhà ăn cơm với vợ con và đặc biệt, không bao giờ dám giận vợ lâu vì… sợ đói” - chị Giang tủm tỉm cười, bỏ nhỏ.

Có đêm khi chồng con đã say giấc, chị Thanh Giang lên mạng tự học cách nấu ăn, làm bánh và bắt tay mày mò, làm thử. Thất bại thì đem giấu, thành công thì tủm tỉm đi ngủ. Sáng ra, bọn trẻ reo ầm nhà khi thấy trên bàn có sẵn ổ bánh hoành tráng hoặc món ăn lạ hoắc. Bọn trẻ cứ ngỡ đêm qua cô Tấm đảm đang từ quả thị ghé qua nhà mình.

Có dạo, bé Tum Tum cứ đeo theo hỏi “Mẹ ơi! Chừng nào mới tới Tết Trung thu?”. Chị tưởng con nôn nao đến Trung thu để được chơi trăng, phá cỗ, nhưng hóa ra… không phải. Mùa trung thu năm đó, nhiều người thích bánh trung thu tươi không chất bảo quản, nên đặt chị làm đến mấy ngàn cái. Bận túi bụi, chị có phần xao nhãng bếp, nên cả nhà dắt nhau đi quán thường hơn. Bé Tum Tum, bé Yo Yo trông cho Trung thu qua mau vì thèm lắm những món ăn đậm đà mẹ nấu, nhớ lắm “thiên đường” trong gian bếp nhà mình.

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI