"Em mà đụng đến là con đánh liền..."

23/11/2015 - 06:30

PNO - Khi có em, mỗi ngày, cha mẹ dành thời gian chơi với từng bé, ít nhất 30- 60 phút; sau đó tìm cách để hai bé chơi chung.

Ảnh minh họa

"Con ghét em, vì em mà con bị ra rìa. ước gì không có em. Lúc nào mẹ cũng lấy đồ chơi của con cho em; em mà đụng đến là con đánh liền...", bé gái H.K.D. (bốn tuổi, Q. Bình Tân, TP. HCM) òa khóc tức tưởi khi bác sĩ (BS) bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP. HCM hỏi han. Bé D. là một trong số các trường hợp biểu hiện rõ chững ghen tị em" sau hàng loạt những biểu hiện khác như: Rối loạn lo âu, mất ngủ, cáu gắt, tè dầm....

Đột ngột... không biết nói

Vừa xoa đầu con gái, mẹ của bé D. rướm nước mắt kể: “Bé mới có em gái hai tuổi, nhưng không hiểu sao bé ghét em ra mặt. Thấy em đụng vào đồ chơi hay giành chén đẹp ăn cơm là bé đánh em. Nhiều lúc bé nói với bố mẹ là không muốn có em”. Sau khi khám, BS Phạm Minh Triết - Trưởng khoa Tâm lý, BV Nhi Đồng 1 khẳng định, bé bị chứng ganh tị em. Biểu hiện này bắt đầu xuất hiện khi mẹ bé sắp sinh em và các dì của bé liên tục trêu rằng cha mẹ sẽ thương em hơn.

Cách đây vài ngày, BV Nhi Đồng 1 tiếp nhận bé gái T.T.T.Q. (22 tháng, nhà ở Q.Tân Bình TP.HCM) cũng mắc chứng ganh tị em. Trước đó, Q. được cha đưa đến khám do lo sợ con mắc bệnh tự kỷ, bởi hai tháng nay, bỗng dưng bé ít nói, lầm lì, cha mẹ gọi không quay lại. Gần đây, bé cũng hay ngắt nhéo em. Kết quả khám cho thấy, bệnh nhi có biểu hiện thoái lùi vì trước đây bé đã biết nói và nói nhiều nhưng giờ ai gọi cũng không quay lại, không trả lời.

Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh, BV Nhi Đồng 2 phân tích: “Mỗi năm, BV chỉ tiếp nhận năm-sáu trẻ mắc chứng ganh tị em do ngẫu nhiên phát hiện ra vì người nhà đưa đến khám các bệnh lý khác như: rối loạn lo âu, mất ngủ, kém tập trung… Thực tế, người Việt hay trêu chọc trẻ “bị ra rìa” nên số trẻ mắc chứng ganh tị em sẽ cao hơn nhiều.

Tuy nhiên, chứng “ghét em” ít được phụ huynh quan tâm vì nghĩ đó là chuyện bình thường, thậm chí nhiều người lớn còn thích thú khi đùa trêu trẻ. BV Nhi Đồng 2 cũng từng điều trị cho không ít bé trước đây rất hoạt bát nhưng đột ngột không muốn nói chuyện với ai chỉ vì có em”.

Ngay khi cô y tá gọi “mời bé C.H.Y. bảy tuổi”; một bé trai mặt vô cảm, đứng dậy, lầm lũi theo sau ba mẹ vào phòng khám số 9. Gia đình cho biết, dạo này Y. hay cáu gắt, rối loạn giấc ngủ vào mỗi khuya. Ba Y. kể: “Mỗi tối khi vợ chồng tôi chuẩn bị vào phòng đi ngủ thì bé bám theo đòi ngủ chung, trong khi từ trước đến nay bé quen ngủ một mình. Tự dưng bé cũng hay tè dầm…”.

Trẻ mắc chứng ganh tị em cần được điều trị về tâm lý (một ca tư vấn tâm lý cho trẻ tại Bệnh viện Nhi Đồng 1) - Ảnh: P.Huy

Thấy người lạ, mặt bé Y. tỏ vẻ kênh kiệu. Chuyên viên tâm lý Nguyễn Quí Quỳnh bắt đầu “dò” sở thích của Y: “Con có hay chơi yo-yo không? Con có thích coi phim siêu nhân thần tốc không nè?”.

Sau khi Y. tươi tỉnh, cô Quỳnh bắt đầu dỗ: “Con có muốn nói chuyện với cô không?”; thấy bệnh nhi vẫn im lặng, cô tiếp tục trấn an: “Cô rất thích chơi và nói chuyện với con. Cô hứa sẽ giữ bí mật và chỉ kể với ba mẹ con những gì con đồng ý thôi”. Ngay lập tức, Y. gật đầu.

Cầm một xấp tranh hoạt hình, cô Quỳnh kiểm tra tâm lý của Y. thông qua hình ảnh phóng chiếu. Cô Quỳnh bắt đầu kể chuyện: “Ở một xứ nọ, có gia đình chú heo, gồm có heo mẹ, heo ba và hai heo con. Trong hai con heo con thì một con lớn hơn, có màu đen ở chân, còn con heo nhỏ hơn thì màu trắng toàn bộ. Theo con thì hai con heo này có phải là hai anh em không?” - “Dạ không, hai con heo này chỉ là bạn bè, chứ không phải anh em”. “Con có chắc không?”. Vừa gật gù, Y. vừa dứt khoát: “Dạ chắc”. “Heo cha, heo mẹ này sẽ thương ai nhất?”. “Heo cha, heo mẹ chỉ thương heo trắng, chứ không thương heo có chân đen”. Khi cô Quỳnh hỏi ba em Y. thì mới hay gần đây dì và bà ngoại bé hay trêu “mẹ sắp sinh em bé, không ai thương nữa”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI