Đừng tạo cơ hội cho bạo lực

18/12/2013 - 08:10

PNO - PNO - Tôi sinh ra và lớn lên trong một xóm lao động nghèo. Ở đây hầu hết các hộ gia đình đều làm những việc buôn gánh bán bưng hoặc làm thuê làm mướn. Dẫu từ sáng đến chiều luôn đầu tắt mặt tối nhưng cái nghèo vẫn đeo bám...

edf40wrjww2tblPage:Content

Bởi lớn lên trong môi trường như thế nên tôi cảm thấy…quen khi nghe tiếng la hét ở nhà bên, tiếng đấm đá, tiếng chén bát bị đập vỡ hoặc tiếng la hét thất thanh vào giữa đêm khuya. Thường thì tôi nhanh chóng ngủ lại. Chỉ có bố mẹ tôi và những người lớn trong xóm túa ra khuyên can. Và chỉ một lát sau, sự yên ắng lại được trả về. Sáng sớm mai, những người vừa đòi sống đòi chết tối qua lại bình thường như chưa từng xảy ra chuyện gì.

Hiển nhiên, tôi luôn cho rằng rằng chuyện bạo hành chỉ xảy ra với những người nghèo. Vì họ không đủ thảnh thơi để nghĩ đến những điều lãng mạn, ngọt ngào. Nhưng tôi đã lầm. Chuyện đó đã xảy đến với tôi ngay ở mối tình đầu, tôi và người yêu đều là sinh viên đại học. Tuổi trẻ của tôi là những tháng ngày sôi nổi và cuồng nhiệt. Nói đúng hơn là nông nổi vì tôi thích gì làm đó không cần suy nghĩ nhiều. Trong tình yêu cũng vậy, tôi thường để cảm xúc lấn át lý trí. Chỉ vì những chuyện bé xíu tôi sẳn sàng nổi đóa với anh. Mỗi lần cãi nhau chẳng hiểu sao tôi rất “say máu”. Tôi thường xưng hô “mày tao” và buông những lời nặng nề nhục mạ anh. Lúc đầu, anh tỏ ra rất sốc thậm chí không nói nên lời. Nhưng có lẽ do được tôi “huấn luyện quá tốt” nên dần dần anh trở nên dửng dưng trước những lời nói xúc phạm của tôi.

Dung tao co hoi cho bao luc
 

Tuy nhiên, thái độ đó của anh chỉ khiến tôi tức giận và lồng lộn hơn. Anh khinh bỉ tôi đến mức không thèm đáp trả sao? Thế thì tôi sẽ cho anh biết tay. Nghĩ là làm. Tôi ngắt anh một cái thật đau ngay bắp tay. Anh vẫn không thèm nhúc nhích. Tôi điên tiết cắn thật mạnh vào vai anh. Đến lúc này anh mới xô tôi ra nhưng tôi vẫn nhất quyết bám chặt lấy không chịu nhả. Quá sức chịu đựng, anh thẳng tay giáng cho tôi một cái tát nảy lửa.

Kể từ lần đó, mỗi khi hai đứa, anh lại dùng bạo lực để dập tắt cơn thịnh nộ của tôi. Còn tôi thì như hóa rồ mỗi khi bị anh đánh. Tôi gào thét, chửi bới và chống trả. Anh cũng thế, càng đánh càng hăng. Nhiều lần, tôi tưởng mình không sống nổi dưới tay anh. Lúc thì bị anh bóp cổ đến mờ mắt. Lúc thì bị anh đá vào bụng không thở được. Lúc thì bị anh túm tóc đạp đầu xuống đất. Và nếu những lần đó không có người đi đường can ngăn thì tôi không biết sự việc sẽ tồi tệ đến đâu.

Thật nực cười! Khi nhắc về mối tình đầu ai nấy cũng đều nhớ về những kỷ niệm ngọt ngào lãng mạn. Còn tôi, hồi ức lưu lại chỉ là những trận đòn thừa sống thiếu chết. Và kẻ khởi mào luôn là tôi. Gần chín năm sau tôi vô tình gặp lại anh trong hội chợ đồ gỗ. Anh mời tôi ra quán nước nói chuyện. Trong lúc vui vẻ, tôi buột miệng hỏi: “Anh có đánh vợ anh không?” Anh cười, trả lời thật hiền: “Không hề em à! Vợ anh dễ thương lắm. Cô ấy lúc nào cũng tôn trọng, nhẹ nhàng với anh!”. Bất giác, tôi cảm thấy xấu hổ với anh và chính bản thân mình.

Thì ra, bạo hành không chỉ xảy ra trong những gia đình lao động nghèo như tôi vẫn tưởng. Nó xảy đến với bất kỳ ai, không phân biệt trình độ, giai cấp, giàu nghèo. Chỉ cần một câu thách đố, một lời mỉa mai không đúng thời điểm cũng đủ là mồi lửa để người hiền phải bùng nổ. Cách tốt nhất để phòng tránh là đừng khơi mào cuộc chiến. Hãy làm theo lời ông ba ta đã dạy “cơm sôi nhỏ lửa”, hãy biết điểm dừng trong từng hoàn cảnh. Đừng tự đưa mình vào chốn địa ngục rồi loay hoay tìm cách thoát ra…
 

LÊ NGỌC

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI