Đừng để con đứng ngoài cuộc

16/08/2016 - 11:09

PNO - Con cái là thành viên gia đình, cần được cha mẹ tôn trọng khi đưa ra ý kiến và có quyền được biết những sự cố của gia đình.

Đưa con gái đến bệnh viện trong tình trạng mất máu nhiều vì vết thương con bé tự rạch ở cổ tay mà tôi không khỏi bàng hoàng. Tôi còn không tin nổi vào tai mình khi nghe con tâm sự với cô bạn thân khi tỉnh lại trong phòng cấp cứu, rằng vì trong gia đình mình không có ai để chia sẻ, nên con đã tìm cách tự làm đau bản thân để vơi bớt nỗi cô đơn, căng thẳng do gia đình chỉ xem mình là người ngoài cuộc. Tôi thực sự choáng váng vì con gái nói trước đây cháu tự hành hạ mình mấy lần rồi mà gia đình không phát hiện được.

Con gái còn kể với bạn rằng gia đình không ai yêu thương và tin tưởng mình, luôn để mình đứng ngoài cuộc trước những biến cố. Điều đáng buồn hơn là ba mẹ giữ bí mật đối với mình trong khi hàng xóm đều biết cả. “Bạn xem có gì hẫng hụt hơn khi rơi vào tình huống “trong nhà chưa tỏ, ngoài ngõ đã tường” chưa? Hóa ra ba mẹ chỉ coi mình là người dưng”.

Dung de con dung ngoai cuoc
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Đúng là thời gian qua, vợ chồng tôi gặp phải những vấn đề nan giải, nhưng do nghĩ rằng giữ bí mật là cách bảo vệ an toàn cho con, để con khỏi bận tâm mà lo học nên không chia sẻ với con. Giống như nhiều cha mẹ với lý do giữ gìn sự trong sáng của trẻ, hoặc cho rằng trẻ con biết gì mà bàn, gia đình tôi vô tình tước mất quyền tham gia của trẻ. Chúng tôi quên rằng, trẻ là thành viên của gia đình, cần được thông báo những gì đang và sẽ diễn ra để được tham gia ý kiến.

Cách đây hơn hai năm, gia đình tôi đầu tư toàn bộ vốn liếng kinh doanh bất động sản. Do thiếu thận trọng, chúng tôi thất bại. Tôi phải xoay xở một số tiền rất lớn nhưng cũng không thể nào bù đủ số tiền thất thoát. Sợ con biết sẽ ảnh hưởng đến việc học hành nên chúng tôi giấu nhẹm và nghĩ cách ứng phó khi con đòi hỏi mua sắm, đi du lịch như những năm trước đó. Thậm chí, khi con vào lớp 10, tôi còn cố vay mượn để sắm cho con chiếc xe đạp điện và laptop vì đã hứa. Đến khi phải bán căn nhà đang ở để trả nợ, đưa con gái đến ở trọ một căn hộ gần trường, chúng tôi nói dối để trấn an con: “Con sống ở đây cho thuận lợi việc đi lại và học hành. Ba mẹ sẽ thường xuyên qua lại để chăm sóc cho con. Con yên tâm mà học cho tốt, rồi thích gì là ba mẹ đáp ứng”.

Vợ chồng tôi cứ ngỡ con gái mình ngoài học ra không biết gì nên không băn khoăn. Chúng tôi không lường được việc cháu bị sốc nặng khi cùng nhóm bạn đi về thăm nhà nhân dịp nghỉ giữa học kỳ. Cháu không thể tin được rằng ngôi nhà thân yêu gắn với thời thơ ấu đầy ắp kỷ niệm nay đã bị đem bán cho người xa lạ mà cháu không được biết. Cháu im lặng và khóc rất nhiều khi rơi vào bế tắc, và trong cơn cùng quẫn, cháu chỉ biết tự gây tổn thương cho bản thân để lấy nỗi đau thể xác che lấp phần nào nỗi đau tinh thần. Vợ chồng tôi đâu có hay, khi trẻ bị đứng ngoài những biến cố cuộc sống của gia đình nghĩa là ba mẹ không quan tâm, tin tưởng, nên khi biết được chúng sẽ rất hẫng hụt, thất vọng và mất niềm tin về chính người thân của mình. Nếu điều đó kéo dài, sẽ ám ảnh suốt đời trẻ.

Sau chuyện của con gái mình, tôi tin nếu chúng ta cho phép trẻ được tham gia, được nói, được bày tỏ, trẻ con rất trong sáng, chân thành sẽ có rất nhiều lời khuyên hữu ích cho người lớn. Con cái là thành viên gia đình, cần được cha mẹ tôn trọng khi đưa ra ý kiến và có quyền được biết những sự cố của gia đình. Việc san sẻ với con về hoàn cảnh của mình cũng là cách giúp trẻ trưởng thành và chín chắn hơn.

Nhận ra sai lầm trong cách ứng xử chưa khéo với con, chúng tôi đã trực tiếp nhận lỗi và mong con tha thứ. Tôi muốn nhắn gửi đến các bậc làm cha mẹ rằng khi đã yêu thương, tôn trọng và tin tưởng con, thì đừng nên giấu con điều gì, kể cả đó là điều tồi tệ nhất. Khi đó, cha mẹ sẽ giáo dục được con sống có trách nhiệm với gia đình và tình cảm giữa các thành viên chắc chắn càng gắn bó hơn.

Phương Lan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI