Đóng vai ác dạy con

16/05/2015 - 12:57

PNO - Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận rằng sinh con không khó, nuôi con cũng không khó, mà sao dạy con khó quá.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mà muốn dạy con nên người thì phải nghiêm khắc, phải có biện pháp, nên đôi khi một ngày nào đó người đóng vai dạy con trở thành người... chuyên trị “vai ác” hồi nào không hay!

Khó đến nỗi trong nhiều gia đình, cha hoặc mẹ sẵn sàng xung phong nhận làm trụ cột kinh tế, để một cách... lẳng lặng chuyển vai dạy con cho người còn lại.

Dong vai ac day con

Diện mạo của “vai ác”

“Con sợ ba con lắm. Mẹ con nói hơi nhiều vậy thôi, chứ còn ba đánh ghê lắm. Chỉ cần ba con lườm mắt nhìn về phía cây roi mây là con muốn... ướt quần!”.

“Bộ ba con hay đánh con lắm hả?”, “Dạ không, con chỉ nhớ hồi 4 tuổi có bị ba quất mông mấy roi, không nhớ là do cái gì, nhưng từ đó con rất sợ”. Đây là lời tâm sự hồn nhiên của em Bảo Quyên - học sinh lớp 6 - với cô giáo của mình.

Vì vậy hễ có việc gì không vừa lòng, hay muốn con làm theo ý mình thì câu cửa miệng của chị Hồng - mẹ Bảo Quyên - luôn là “Méc ba đó nhe!”, thế là con gái làm theo răm rắp.

Thông thường gần như trong mỗi gia đình đều có ai đó được giao cho một vai đáng sợ để mọi người lấy ra mà răn đe trẻ. Người đó có thể là ba, người luôn nghiêm khắc, ít nói ít cười, “làm mặt nghiêm trọng”.

Thủ vai này cũng có thể là mẹ, la mắng lớn tiếng, cằn nhằn cử nhử cho con nhức đầu. Đó cũng có thể là ông nội hoặc ông ngoại, người có khoảng cách khá xa với các cháu, người già thường khó chịu, làm các cháu khó hiểu nên sợ...

Đặc thù của vai này là sự nghiêm khắc và cứng rắn đối với trẻ, “vai ác” thường có những nguyên tắc cụ thể trong việc ứng xử và giải quyết những nhu cầu, tâm tư, nguyện vọng của trẻ. “Vai ác” không chiều chuộng trẻ vô điều kiện, thường đặt ra yêu cầu cao và áp đặt trẻ làm theo.

Vai này cũng đòi hỏi trẻ tính độc lập cao, không dựa dẫm ỷ lại và lười biếng được. “Vai ác”, vì lỡ mang tiếng “ác”, nên thường kiên định lập trường và khi trẻ phạm lỗi thường có xu hướng dùng những biện pháp mạnh.

Song, tuy là “vai ác” nhưng về bản chất không “ác” chút nào bởi chỉ muốn điều tốt đẹp cho con cái. Chẳng qua là họ hơi... cứng rắn chút thôi. Thế nhưng dưới mắt của con trẻ, liệu chúng có hiểu được phụ huynh đang muốn điều tốt đẹp cho mình?

Hiệu quả hay hậu quả?

“Từ ngày sinh con tới giờ tự nhiên mình thành bà chằn, bà phù thủy lúc nào không biết luôn” là lời than thở của một người mẹ có con trai học lớp 9 và con gái học lớp 4. Chị nói: “Hai anh em nó như chó với mèo, gây nhau suốt ngày, mà lúc không gây thì phối hợp với nhau quậy banh nhà. Đã vậy ba nó còn bày trò mưu mẹo cho tụi nó khỏi bị phạt, mà hở tí thì ba lại nói “thu dọn chiến trường lẹ lên, mẹ về tới bây giờ!”.

Có chuyện gì không rầy la được tụi nhỏ, ổng lại nói “muốn ba kêu mẹ xử lý không?”, hai đứa xin cái gì mà không được thì lý do luôn là “tại mẹ không cho”. Riết rồi hai đứa con tránh xa mẹ, sợ mẹ như... sợ cọp!”.

Thời gian đầu người mẹ này thấy việc phân vai “mẹ hổ ba mèo” như vậy cũng hay, vì ít ra trong nhà phải có người để con sợ, kẻ đấm người xoa, chứ cả hai người lúc nào cũng ôn tồn nhỏ nhẹ quá cũng khó dạy con.

Thế là sẵn khí chất mạnh mẽ, cộng với công việc là một giáo viên “hét ra lửa” trên lớp nên chị nghiễm nhiên nhận “vai ác” về mình.

Đúng là có hiệu quả thật, nhờ có sự nghiêm khắc và cứng rắn của mẹ, hai con chị hiện giờ khá nề nếp, chơi xong biết tự dọn dẹp nhà cửa, độc lập và tự giác trong học tập. Nhiều lúc chị thấy hài lòng vì “vai ác” của mình đã rèn được ý thức kỷ luật và tính biết tuân thủ của các con.

Nhưng nói thật, nhiều lúc “mẹ hổ” cũng chạnh lòng. Hình như con ngày càng có khoảng cách với mình. Những khi thấy cha con rủ rỉ rù rì trò chuyện với nhau, chị thấy ganh tị ghê luôn. Con vẫn nói chuyện với mẹ, đi thưa về trình, trả lời ngay ngắn chỉn chu từng câu hỏi của mẹ, nhưng hình như thiếu thiếu một chút gì đó sự nồng ấm, sự sẻ chia.

Có chuyện gì bí mật về bạn bè, trường lớp, gần như con đều chia sẻ với ba, mà lại còn dặn ba “đừng có nói với mẹ”, chỉ đơn giản vì “sợ không đúng ý mẹ, mẹ rầy”.

Nhiều bậc cha mẹ thừa nhận việc có một ai đó trong gia đình, mà nhất là cha hoặc mẹ, đóng vai cứng rắn với trẻ là một trong những cách tác động giáo dục trẻ hiệu quả. “Tụi nhỏ phải có một ai đó để sợ chứ!”, để từ đó trẻ tiếp nhận với sự tác động của người lớn một cách đa dạng hơn, học được cách ứng xử linh hoạt với nhiều kiểu tương tác.

Sự nghiêm khắc phù hợp của “vai ác” góp phần hình thành nhiều tính cách tốt cho trẻ. Tuy nhiên người đóng “vai ác” có thể sẽ chịu thiệt thòi. Nào là mang tiếng “không tình cảm”, con cái có khoảng cách với mình do những rào cản tâm lý được tạo ra khi cố đóng cho tròn vai. Nào là sẽ được tặng những nickname “phù thủy”, “bà chằn”, “mẹ hổ”, “mẹ mìn”.

Không chỉ con cái, nhiều khi ông bà nội ngoại hai bên không hiểu cũng không hài lòng. Có những người mẹ phải chịu tiếng oan, bị bà nội mắng: “Cô kia sao mà ác với cháu nội của tui quá vậy?!” mà bà không hiểu rằng mẹ phải cố gắng đành lòng bỏ mặc khi con khóc, trách phạt khi con hư để chỉ tốt hơn cho con, để con trưởng thành hơn.

Một số cha mẹ khi nhận vai này đã quá nhập tâm, “diễn hơi lố”, trong một thời gian dài dẫn đến bản thân tính cách của họ cũng thay đổi theo chiều hướng này, ngày càng trở nên dữ tính, hà khắc, cộc cằn. Hoặc chính sự “diễn lố” mà không biết cách thể hiện tình yêu thương với con cái, vô tình cha mẹ - khi đóng “vai ác” - làm cho con có ác cảm với mình, vô tình làm tổn thương con.

Nhiều người trưởng thành đã đem theo dấu ấn về những cảm xúc tiêu cực với cha mẹ đi theo suốt cuộc đời, cho rằng cha mẹ không thương yêu mình. Đôi khi điều này ảnh hưởng đến cách làm cha mẹ của họ sau này.

Khép lại đề tài này, xin chia sẻ câu chuyện sau: một phụ huynh đến gặp chuyên gia tư vấn và lo lắng con gái 5 tuổi của chị có sở thích rất kỳ cục là chỉ thích đóng... “vai ác”, những vai ác đúng nghĩa như vai cô Cám trong Tấm Cám, vai bà dì ghẻ của Lọ Lem, vai bà hoàng hậu phù thủy trong Công chúa ngủ trong rừng... khi cô giáo tổ chức cho bé diễn kịch hoặc trong các trò chơi ở nhà.

Mẹ bé hỏi vậy bé có bình thường không, có ảnh hưởng gì đến sự phát triển của bé sau này không?

Qua trò chuyện, quan sát, chuyên gia tư vấn nhận ra một vấn đề mà mẹ bé nên quan tâm, đó là bé cho rằng mấy nhân vật đó tuy ác nhưng nhờ vậy có uy quyền với người khác, ai cũng phải nghe lời, phải làm theo, giống như... mẹ ở nhà! Ở nhà ba gọi mẹ là “gấu”, còn bà ngoại nói mẹ là “phù thủy”, bé thấy ai cũng sợ mẹ, cũng nghe lời mẹ hết. Bé cũng sợ mẹ, nhưng vẫn thích... đóng “vai ác”!

Chọn việc dạy con bằng “vai ác”, cần lưu ý:

- “Khẩu xà tâm Phật”: bản chất phải là sự yêu thương con cái và có mục đích dạy dỗ, giáo dục trẻ rõ ràng.
- Ý thức được vai mình đang đóng, tiết chế vừa phải, không “diễn lố”.
- Phối hợp các thành viên khác trong gia đình, các phương pháp linh hoạt mềm dẻo trong việc giáo dục con.
- Thể hiện vai đa dạng, tránh để trẻ “lờn thuốc”.
- Không máy móc theo một “kịch bản” cụ thể nào, “tùy cơ ứng biến” theo hoàn cảnh gia đình, theo độ tuổi và giới tính của con, theo trường hợp cụ thể đang xử lý.
- “Hùm dữ cũng không nỡ ăn thịt con”, dù là “mẹ hổ” hay “ba hổ” cũng đừng làm tổn thương con trẻ chỉ vì lạm dụng “vai ác”.
- Con trẻ luôn có quyền được yêu thương. Hãy đem đến điều đó cho con cái dù chúng ta đóng vai gì trong gia đình.

Theo LINH TRANG
(Tuổi Trẻ)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI