Đòn bẩy tâm lý

31/01/2015 - 06:59

PNO - PN - Em trai tôi tổ chức mừng tân gia. Lần đầu tiên nhà có tiệc lớn nên em dâu bận tối tăm mặt mũi trong bếp. Mọi người cũng tất bật nấu nướng, bày biện, trải khăn dọn bàn chuẩn bị đãi khách. Trong khi đó, hai đứa con gái song...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chỉ mới 12 tuổi, nhưng các cháu cao lớn phổng phao, sắp ra dáng thiếu nữ. Tôi nói với em dâu, sao không tập cho con phụ việc nhà cho quen. Em dâu thản nhiên: “Tại bữa nay nhà có nhiều khách nên tụi nó khớp. Con em là vậy, cứ chỗ nào đông người lớn là chúng trốn biệt. Bình thường hai đứa dọn dẹp trong ngoài đủ hết. Lúc rảnh cũng biết giúp mẹ nấu cơm, làm những món ăn đơn giản”.

Em nói khiến tôi nhớ lần nào ghé thăm, các cháu cũng chỉ ra chào hỏi rồi mất hút. Hỏi tới thì trả lời, không hỏi im thít. Nghe tôi chất vấn em dâu, bà nội góp vào, chê hai đứa cháu gái ít nói, cứ lấm lét, lầm lì, khiến bà đôi khi cảm thấy sự có mặt của mình làm cho cháu con không thoải mái. Mỗi lần ở quê lên chơi, bà nội không ở lại lâu là vì vậy. Bà ngoại nghe thế xen vào: “Ờ, tui cũng thấy hai đứa nhỏ nhà này làm sao đó, cứ như cả thế giới chỉ có cha mẹ chúng”.

Tôi hiểu ra, quanh năm suốt tháng hai cháu chỉ biết đi học và chơi với bạn. Chúng “khớp” do không quen tiếp xúc với người lớn, nhất là người ngoài gia đình, người thỉnh thoảng mới gặp. Hơn ai hết, cha mẹ phải tạo điều kiện dẫn dắt con trò chuyện, làm quen, tạo cảm giác gần gũi với mọi người. Đâu thể cứ thấy nhà có khách là trốn tránh. Ở nhà đã rụt rè như vậy, đến chỗ lạ chắc sẽ càng nhút nhát hơn. Em dâu bảo kệ, hai đứa đang tuổi lớn. Khi nào trưởng thành chúng sẽ tự biết điều chỉnh bản thân.

Tôi thì nghĩ khác. Tại sao phải đợi đến lúc trưởng thành rồi tự điều chỉnh, trong khi người thân, cha mẹ hoàn toàn có thể dẫn dắt, giúp con sớm vượt qua giai đoạn giao tiếp khó khăn này. Phải giúp cho cháu hiểu, hòa đồng hơn với mọi người. Các cháu không chỉ có bạn bè, thầy cô, trường lớp mà còn rất nhiều mối quan hệ khác nữa. Chúng cần giao tiếp với họ hàng, người thân, với cộng đồng. Các cháu đã tự nấu cơm rất giỏi thì không cớ gì lại không thể phụ mẹ một tay trong bữa tiệc đông người.

Don bay tam ly

Thật ra, tôi cảm nhận các cháu rất muốn được chung tay làm việc. Vấn đề là cháu không biết phải làm gì khi bỗng dưng có quá nhiều người xung quanh. Vậy nên lúc tôi đích thân gọi tên, nhờ hai đứa phụ dì lặt rau, bày trái cây ra đĩa, hai cô cháu gái mừng rỡ, vội vàng làm ngay. Các cháu tỏ vẻ hào hứng khi được làm việc. Vừa làm, tôi vừa gợi chuyện, tạo cảm giác vai trò của các cháu trong bữa tiệc này vô cùng quan trọng. Sự rụt rè dần dần được cởi bỏ. Xong việc dưới bếp, theo gợi ý của tôi, hai đứa mạnh dạn ra nhà trước dọn sẵn chén đũa ra bàn, nhắc ba đặt thêm mỗi bàn tiệc một lọ hoa mà mấy mẹ con đã chuẩn bị từ hôm trước. Cô chị còn tranh thủ quét vội mớ rác mà các em nhỏ vừa bày bừa.

Nhìn hai cháu, có lẽ mọi người đã thay đổi cảm nhận ban đầu, rằng chúng không biết làm gì, nhút nhát và lười biếng. Ở trường, hai đứa đều là cán bộ lớp, đóng góp rất sôi nổi, dạn dĩ khi chơi với bạn. Cháu cũng không hề lười biếng. Vậy thì điều chúng cần là sự hỗ trợ tâm lý kịp thời từ người thân. Tôi nói với em dâu, hãy cho con một điểm tựa, không phải chỉ để dựa dẫm. Một điểm tựa cần thiết, đúng lúc để có thể đặt một đòn bẩy để con phát huy khả năng và hòa nhập xã hội. Điểm tựa ấy chính là sự dẫn giải, tiếp sức kịp thời, để con tự tin làm được những điều vốn chỉ trong tầm tay của con.

Tôi không có con gái nên rất yêu quý hai đứa cháu gái của mình. Trong lúc cùng cháu chiên chả giò, tôi thản nhiên bảo hôm nay các con là chủ nhà, phải chủ động và bặt thiệp với khách. Trước người lớn, các con cần kính trọng, nhưng không vì thế mà thu mình lại. Một thời gian nữa các con cũng sẽ là người lớn như họ thôi, đâu có gì phải sợ hãi. Chuyện gì mọi người dạy phải thì nghe, việc không biết cứ lựa lời mà hỏi, như vậy dần dần sẽ trưởng thành.

Được góp tay tổ chức tiệc, hai cô cháu nhỏ của tôi hớn hở ra mặt. Nghĩ, nếu tôi không chủ động khơi gợi, hẳn bây giờ em dâu vẫn để các con thập thò bối rối ở cửa phòng. Tôi hiểu cái cảm giác vô cùng bứt rứt khi muốn được làm việc nhưng không biết nên làm gì của các cháu. Nếu gia đình khéo léo tạo những đòn bẩy tâm lý thích hợp, có thể giúp trẻ thoải mái, tự tin thể hiện khả năng làm việc, giao tiếp, chia sẻ với mọi người.

 VIỆT QUỲNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI