“Đi học” cùng con

30/12/2013 - 07:45

PNO - PN - Đừng để con một mình đối diện với cuộc sống đầy bất trắc, nguy hiểm; đừng viện bất kỳ lý do gì để buông tay con. Nhìn nét mặt con, lắng nghe lời con nói, cảm nhận từng ánh mắt, nụ cười của con để biết bé có được...

edf40wrjww2tblPage:Content

* Anh Nguyễn Văn Vinh (300 Lê Văn Sỹ, P.1, Q.Tân Bình, TP.HCM): Trao đổi thường xuyên với cô giáo của con

Bé Quỳnh Anh con tôi mới năm tuổi. Một bữa đi học về, bé có vẻ sợ sệt nhưng tôi hỏi, con nhất quyết không nói. Hôm sau, đưa con đến trường thì bé cứ trì kéo đòi tôi chở về. Đi làm mà tôi cảm thấy rất bất an, lo lắng. Chiều đón về, vừa thấy tôi, con tỏ ra mừng rỡ hơn mọi ngày. Hỏi chuyện một lúc, con nói không muốn đi học nữa. Tôi gặng hỏi, con kể: Cô giáo cho con ăn, con ọe ra. Cô bắt con ăn tiếp, con lại ọe ra. Con vừa ọe vừa ho, sặc cơm nên cô giáo đánh. Cô dữ lắm nên con sợ.

Nghe con kể đến đó, người tôi nóng ran, bức xúc, tức giận. Tôi nghĩ, ở trường cô giáo đã bạo hành con mình nên suốt đêm không sao ngủ được. Hôm sau, tôi tiếp tục đưa con đến trường, muốn gặp cô bảo mẫu đã đánh con để hỏi rõ chuyện, nhưng tìm không thấy cô. Cùng lúc, có một cô giáo khác ra đón con, tôi kể lại sự tình. Cô giáo này cho biết sự thật không phải con tôi bị cô bảo mẫu đánh, mà vì con ăn bị nôn nên cô vỗ nhẹ vào trán để ngăn cơn nôn. Chỉ vỗ nhẹ mà khiến con tôi đòi nghỉ học là điều phải cần xem lại. Tuy nhiên, tôi không muốn làm lớn chuyện, cứ tạm tin như thế. Tôi trao đổi với cô về nỗi sợ của con để cô biết, từ đó thay đổi cách chăm sóc. Với con, tôi cũng cố gắng giải thích việc của cô là vì muốn chặn cơn nôn của con, để con không còn cảm giác sợ đi học. Có sự quan tâm, phối hợp, trao đổi, thông tin, các cô đã thay đổi cách ứng xử, cách chăm sóc của mình cho phù hợp hơn và con tôi cũng dần thích đi học trở lại.

“Di hoc” cung con

Mẹ con chị Hương Giang

* Chị Hương Giang (P.13, Q.Tân Bình): Nắm bắt “nhất cử, nhất động” của con

Nhật Vy được tôi gửi đến Trường mầm non tư thục Ánh Linh từ khi 18 tháng tuổi. Ngày đó, cứ sáng đi học là con quấy khóc, ròng rã hơn 10 tháng trời mới quen với nếp đến trường. Con gái hay ói trong khi ăn nên tôi rất lo lắng. Cháu rất sợ đi học nhưng lại tăng cân khá nhanh. Tôi không biết các cơ sở mầm non tư thục khác thế nào, hay sau lưng phụ huynh các cô bảo mẫu có dùng đòn roi với các con hay không, nhưng thực tế con đi học biết múa hát, tăng cân khiến tôi thêm tin tưởng.

Thỉnh thoảng thấy vết trầy xước hay lằn đỏ trên tay chân con, tôi đều tìm cách hỏi. Nhưng lần nào bé cũng nói không biết hoặc tìm cách lờ đi. Sau nhiều lần động viên, tâm sự, con mới tiết lộ bị cô phạt vì chưa ngoan, có lúc bằng tay, có khi bằng thước kẻ. Năm nay cháu đã lên lớp 1, tuy nhiên khi được hỏi về quãng thời gian học mẫu giáo, con vẫn dành những lời ngọt ngào, yêu thương nhất cho các cô. Chính vì sự tin tưởng ấy nên hiện tôi vẫn tiếp tục gửi bé trai Vũ Kiến Tường - con thứ hai đến trường này nhờ chăm sóc.

Tôi thường đưa con đến sớm, quan sát xem con có ngoan không. Trường có rất đông học sinh nên trong giờ ăn, hai cô giáo liên tục đút cháo cho các bé. Nhìn con, tôi có cảm tưởng cháu sẽ nuốt vội để kịp ăn muỗng thứ hai. Nhiều khi tôi nghe cô quát nạt lớn tiếng, nhưng khi được báo phụ huynh đến, cô liền dịu giọng hơn với các con.

Có lần phát hiện vết trầy trên mặt con, gặng hỏi nhưng con trai vẫn khăng khăng bảo không bị ai đánh. Gặng hỏi thêm thì con bảo bị bạn đập đồ chơi vào mặt. Hôm sau, tôi lên lớp nhẹ nhàng hỏi cô bảo mẫu xem con trai nói đúng không thì cô trả lời do con và bạn đánh nhau. Tôi cũng thường hỏi con có bị cô đánh không nhưng con dứt khoát không trả lời. Tôi lựa lúc con quên để hỏi câu khác, bé lập tức cho biết có bị cô đánh.

Vì không tận mắt chứng kiến nên tôi chỉ để ý, quan sát biểu hiện của con sau tan trường, lúc ở nhà; nếu thấy bất thường, tôi đều báo lại cô giáo biết, như một sự “cảnh báo” ngầm: tuy không có mặt nhưng nhất cử nhất động của con ở trường tôi đều biết; để cô chừng mực hơn mỗi khi muốn xử phạt học trò.

* Chị Nguyễn Thị Hiền (đường Bàn Cờ, P.3, Q.3, TP.HCM): Chủ động báo ban giám hiệu

Con gái tôi học lớp lá, rất lanh lợi nên hễ chuyện gì xảy ra trong lớp hôm đó là bé kể ngay khi mẹ đến rước. Một chiều, bé xanh mặt, tỏ vẻ sợ sệt, nói: “Mẹ ơi! Bạn Nhật Minh bị cô giáo dán băng keo lên miệng. Bạn muốn đi cầu mà không xin cô đi vô nhà vệ sinh được, bạn tiêu tiểu tại lớp luôn. Cô đánh bạn rồi mở băng keo ra. Cô hỏi bạn Minh “sợ chưa?”, bạn Minh nói “dạ sợ rồi!”. Con cũng sợ quá! Bạn Anh Thư, bạn Hồng Nghi… cũng sợ cô quá!”.

Bất ngờ, lo lắng, nhưng tôi vẫn phải hỏi kỹ lại con: “Có phải miệng bạn Nhật Minh bị trầy xước nên cô giáo dán băng để cầm máu giúp bạn không?”. Con lắc đầu, bảo do Nhật Minh làm ồn, mất trật tự nên cô dán cho bạn im lặng.

Tôi nán lại chờ gặp mẹ bạn Minh. Tôi hỏi Minh, cháu cũng kể tương tự như con tôi kể, ánh mắt buồn lắm. Do hiếu động nên Minh là “học trò cá biệt”, bị cô hù dọa. Minh cũng vài lần kể cho mẹ nghe nhưng mẹ không để ý. Minh không thích cô, rất sợ đi học. Buổi chiều, có khi mẹ bận, nhờ cô giáo chở về nhà cô giữ, mẹ xong việc mới đến rước thì Minh vô cùng sợ hãi, khóc lóc. Mẹ Minh cũng cho rằng con mình rất lì, cô phải dùng biện pháp mạnh mới trị được. Nhưng lần này, nếu thực sự cô dùng keo dán miệng thì nguy hại khôn lường.

Tôi và mẹ Nhật Minh tìm nhiều giải pháp, cuối cùng quyết định không cần đối chất với cô giáo mà báo ban giám hiệu. Hai đứa bé biết ý định lên văn phòng méc cô thì mặt tái mét, giữ mẹ lại, không cho đi. “Cô biết sẽ đánh chết, cô đã dặn không được nói với ai”.

Nghe tôi báo, cô hiệu trưởng tỏ vẻ bất ngờ và rất bất bình, cô hỏi tường tận sự việc xảy ra ở lớp nào, cô giáo nào. Tôi bảo: “Chúng tôi chỉ nghe lại chứ không tận mắt chứng kiến, nhờ cô kiểm tra xem sự thật thế nào và có thể nhắc nhở chung cho tất cả giáo viên”.

Cô hiệu trưởng cảm ơn và hứa sẽ cương quyết xử lý nếu xảy ra chuyện bạo hành trẻ.

 Tuyết Dân - Diệu Hiền (ghi)

Từ khóa Đi học cùng con
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI