Để trẻ không ỷ lại

15/03/2014 - 10:14

PNO - PNCN - Tôi năm nay 29 tuổi, đã có gia đình và một con gái đang học lớp 3. Công việc trong gia đình thường có người giúp việc lo nên tôi chủ quan. Sau Tết, việc công ty đầu năm bận rộn hơn và chị giúp việc cũng đột ngột xin nghỉ....

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi rất lo lắng trước thái độ ỷ lại ấy và đang băn khoăn không biết nên dạy con như thế nào để bé biết tự lập hơn?

Ánh Mai (Q.Bình Thạnh)

De tre khong y lai

Chị Mai thân mến!

Làm sao để con trẻ tự lập luôn là điều mà các bậc phụ huynh quan tâm. Vì thế, băn khoăn của chị hoàn toàn xác đáng.

Trong trường hợp của chị, ngoài thói quen tự lập, lao động tự phục vụ chưa được hình thành ở con gái còn là vấn đề thái độ, trách nhiệm của mình đối với gia đình mà bé cần được nhận ra, hiểu và rèn giũa.

Với mô tả của chị - trong nhà không thể thiếu người giúp việc - thì khả năng con trẻ được “bao bọc” sẽ rất lớn nếu chúng ta không kịp thời điều chỉnh. Có người giúp việc là một nhu cầu chính đáng, tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc trẻ em trong gia đình sẽ được phục vụ mọi chuyện. Vấn đề không chỉ đơn giản là lao động mà còn ảnh hưởng đến tính cách, quan điểm sống và cơ hội trưởng thành của bé.

Để thay đổi hành vi của con, chị hãy “lên kế hoạch” ngay từ bây giờ. Trước tiên, chị liệt kê những việc bé có thể làm. Bé học lớp 3 thì đã có khả năng hoàn thành rất nhiều việc, đặc biệt là việc tự phục vụ mình như gấp quần áo, tự dọn phòng, chuẩn bị đồ dùng học tập, tự giác trong việc ăn uống… Bên cạnh đó, chị có thể hướng cho bé phụ những việc khác - thể hiện trách nhiệm của một thành viên trong gia đình: gom quần áo vào máy giặt, nhặt rau, chuẩn bị chén đũa cho bữa cơm gia đình… Với bản liệt kê này, chị hãy dành thời gian trò chuyện cùng con, nhẹ nhàng “phân công” hay cùng làm với con để cháu vui vẻ và tự nguyện làm việc. Có thể, một thời gian dài cháu được người khác lo cho mọi thứ, nên sẽ không dễ dàng “nhận nhiệm vụ”. Nhưng giáo dục gia đình luôn cần sự kiên nhẫn và uy quyền hợp lý. Lúc bắt đầu, chúng ta có thể có một “bảng tự theo dõi” để cháu đánh dấu vào những việc mình đã hoàn thành như một cách cho cháu “báo công” mang tính khuyến khích, động viên.

Một điều nữa mà chúng ta cần lưu ý, đó là thái độ và nhận thức các giá trị trong cuộc sống. Chính việc tự mình bắt tay vào tổ chức cuộc sống của mình, tham gia đóng góp cho gia đình, sẽ từng bước giúp trẻ hiểu: người giúp việc không phải “cỗ máy làm việc được trả công”, có tiền không có nghĩa là được điều khiển người khác. Giá trị sống tốt đẹp này, cần được xây dựng từ những điều rất nhỏ.

Hành vi, thói quen luôn cần một thời gian nhất định để hình thành. Chúc chị kiên nhẫn để đồng hành cùng con trong hành trình giúp con hiểu “tại sao con phải làm” và cùng con chạm tay vào thành công “con đã làm được”, chị Mai nhé!

ThS Tô Nhi A (Giảng viên Trường Cao đẳng Sư phạm TƯ TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI