Dạy trẻ đừng nói dối bằng cách nói dối?

14/09/2015 - 14:11

PNO - Trẻ uất ức vì sự thành thật của mình bị phủ nhận là rất nguy hiểm vì nó ảnh hưởng đến tâm lý và tác động đến nhận thức của trẻ.

Sau mùa đầu được đánh giá cao, Bố ơi mình đi đâu thế? trở lại với vài thay đổi về nhân vật cũng như thử thách cho các cặp bố con.

Tuy nhiên, sau những chi tiết hấp dẫn vì cách ứng xử dễ thương của các bé, đến tập 14 (phát sóng vào 12g ngày 12/9) người xem ngơ ngác khi chương trình khiến một đứa bé khóc tức tưởi vì bị ép nói dối.

Trong tập này, bé Tốt Ti (Đỗ Gia Thành, con trai doanh nhân Đỗ Ngọc Minh) khóc tức tưởi mãi không nín, khiến ba bé khác là Suti (Gia An, con gái nhạc sĩ Minh Khang), Chíp (Phương Linh, con gái diễn viên Mạnh Trường) và Bi (Nguyễn Nhật Võ Nguyên, con trai diễn viên Xuân Bắc) hoảng hốt và bật khóc theo.

Day tre dung noi doi bang cach noi doi?
Tốt Ti bật khóc với máy phát hiện nói dối

Điều đáng nói là Tốt Ti khóc không phải vì đã làm sai hay bị bạn bè trêu ghẹo mà ấm ức vì “máy phát hiện nói dối” của chương trình.

Ngay khi được đưa vào phòng nói dối với tình trạng thiếu ánh sáng, Tốt Ti phải đối diện với đạo diễn Nguyễn Quang Dũng, đội lên đầu chiếc mũ phát hiện nói dối cùng dây nhợ chằng chịt gắn vào người.

Nhưng điều đó không làm Tốt Ti tỏ ra run sợ, cho đến khi máy liên tục phát ra âm thanh thể hiện em nói dối dù em trả lời thật lòng các câu hỏi của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

“Vừa vừa” và rồi chuyển sang “đẹp trai” là câu trả lời của Tốt Ti cho câu hỏi “Bác Leng Keng có đẹp trai không?”, và rồi em phải thay đổi đến lần thứ hai là “xấu trai” thì “máy phát hiện nói dối” mới thể hiện sự đồng ý. Tình trạng đó lặp đi lặp lại, khiến Tốt Ti òa khóc ngay trong phòng vì bất lực và ấm ức.

Thực tế, đó không phải là máy phát hiện nói dối mà chỉ đơn giản là một trò đùa của chương trình. Những câu hỏi mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng dành cho các bé khá vô thưởng vô phạt, mang tính trêu đùa là chính như “Con thấy bác Leng Keng có đẹp trai không?”, “Con có hay khóc nhè không?”… Nhưng, những đứa trẻ đến với trò chơi trong tâm thế rất nghiêm túc.

Thế nên để trẻ uất ức vì sự thành thật của mình bị phủ nhận là rất nguy hiểm vì nó không chỉ ảnh hưởng đến tâm lý mà còn tác động đến nhận thức của trẻ.

Dù cố ý hay không, rõ ràng chương trình đã đưa ra một thông điệp phản giáo dục, khiến các bé hiểu rằng câu trả lời cho một sự việc không phải nằm ở sự thật, mà tùy ở việc người đối diện muốn nghe thế nào.

Hình ảnh Tốt Ti bật khóc không ngừng vì oan ức (“Ti đã nói thật mà cái máy cứ kêu”), là hậu quả rất rõ của cách giáo dục phi lý này.

Không phải ngẫu nhiên mà Bố ơi mình đi đâu thế? (format gốc Dad, where are you going?) là chương trình thu hút bậc nhất tại Hàn Quốc và Trung Quốc.

Không chỉ cung cấp góc nhìn khác về người nổi tiếng khi họ chăm con để qua đó khán giả hiểu về thần tượng hơn, mà chương trình còn mang đến sự đáng yêu, ngộ nghĩnh của trẻ thơ thông qua các thử thách có tính giáo dục và những kỹ năng cần thiết gắn với đời sống.

Ở đó, các bé rèn luyện cách đối phó với người xấu, đánh răng, rửa mặt đúng cách, ứng xử lễ phép giữa đám đông… Lồng vào đó là những kiến thức như đời sống của vật nuôi, bò ăn ngủ thế nào…

Ở phiên bản Việt, chương trình không chỉ “rối” về nhân vật tham gia với việc bố con Minh Khang đã tham gia mùa đầu nay lại tiếp tục có mặt, bố con diễn viên Hùng Thuận hay ca sĩ Anh Tuấn rút lui chỉ sau vài tập đầu, thay vào đó là bố con Xuân Bắc và Mạnh Trường, mà còn nhạt nhòa với những thử thách, hay cách xử lý mang tính vui là chính.

Các ông bố còn bị đưa vào một buổi phỏng vấn xin việc “đầy kịch tính” với những phê bình nghiêm túc “anh thiếu tôn trọng chúng tôi” dù người chơi lẫn khán giả đều hiểu đây là kịch bản sắp đặt.

Các bé trong chương trình được giao nhiệm vụ bắt lợn, bắt gà - điều khá xa lạ với trẻ em thành thị - nhưng không hề có chút kiến thức nào lồng vào những thử thách đó.

Thậm chí, những đứa trẻ còn “dạy” lại người lớn bài học về lòng trắc ẩn, khi đề nghị thả chú gà đang chăm ba gà con ra và nhắn nhủ: “Nếu có bắt gà thì bắt con nào không có gia đình ấy”!

Chương trình dành cho trẻ em, có sự tham gia của trẻ em luôn là món khó nhằn với các nhà sản xuất. Vì ở đó, tính giáo dục phải được đặt lên trên tính giải trí, và giáo dục sao cho phù hợp với độ tuổi, đừng khiến trẻ đánh mất sự hồn nhiên của mình.

Dạy trẻ về chuyện nói dối bằng cách nói dối, rõ ràng nhà sản xuất Bố ơi mình đi đâu thế? đã bị chới với, mất kiểm soát.

Nguyên Vĩnh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI