Dạy con những từ kỳ diệu

13/01/2016 - 15:40

PNO - Khi con bắt đầu tập nói, ngoài những tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” thông thường, tôi còn chú trọng dạy bé nói như “xin chào”, "tạm biệt"...

Dạy con, luôn là việc không dễ, nhưng cũng không kém phần diệu kỳ. Khi con bắt đầu tập nói, ngoài những tiếng “cám ơn”, “xin lỗi” thông thường, tôi còn chú trọng dạy bé nói như “xin chào”, “tạm biệt”, “vui lòng”, “con yêu ba/mẹ”…

Lời nói và ngôn ngữ phản ánh rõ tư tưởng và tâm thế của mỗi người và điều này cần tập luyện từ nhỏ. Chính những câu nói hàng ngày sẽ tạo nên tính cách của mỗi người. Rõ ràng khi nói những từ kỳ diệu này với nhau, chúng ta trở nên tử tế và hòa nhã hơn.

Xin chào

Ngay những ngày đầu dạy con tập nói, mẹ hay dạy con “xin chào”. Cách hiệu quả nhất là mẹ và những người trong gia đình phải thực hành việ c nà y thường xuyên. Khi dạy con nói “xin chào”, mẹ muốn con khẳng định với những người xung quanh về sự hiện diện của mình một cách lễ độ và khiêm cung, đồng thời thể hiện sự tự tin. Vì thực tế có nhiều người đến và đi như những cái bóng mà không hề chào hay tạm biệt ai. Đây còn là từ dùng để xác nhận sự hiện diện của ai đó quanh mình.

“Xin chào” là từ kỳ diệu đầu tiên mở ra kết nối cho mọi giao tiếp, thể hiện sự cởi mở và sẵn sàng của mình cho một mối quan hệ. Mẹ muốn con luôn nói từ này với những ai mà con gặp. Thường con chỉ nói chào ba mẹ hoặc người thân, còn những người con mới gặp, mặc cho mẹ năn nỉ, thuyết phục con nói “chào cô/chú”, con chỉ nhìn rồi thôi, cùng lắm là vẫy tay chào. Con cần thời gian để gặp gỡ, chơi đùa, tương tác với một người trước khi chuyển sang giai đoạn nói “xin chào” mỗi lần gặp họ.

Thời gian này dài ngắn khác nhau đối với từng người dựa vào trực giác của con với người đó. Mẹ thích sự thận trọng này ở con khi quyết định đặt niềm tin cho một mối quan hệ. Nghe có vẻ nghiêm trọng và to tát, nhưng mẹ biết đây cũng là cách mà sau này con giao tiếp với mọi người.

Day con nhung tu ky dieu
Ảnh minh họa: Internet

Tạm biệt

Con được dạy nói từ “tạm biệt” vào mỗi sáng khi cô giúp việc đưa con đi phơi nắng hoặc khi mẹ đi làm. Từ này tác động khác nhau đến tâm tính của con ở từng giai đoạn. Khi còn chưa nhận thức rõ, con “tạm biệt” rất hồn nhiên, đến khi bắt đầu biết sau từ “tạm biệt” là con và mẹ sẽ xa cách nhau cả một ngày dài thì lần nào con “tạm biệt” cũng kèm theo vẻ mặt đau khổ hoặc nhào tới ôm chân mẹ.

Từ “tạm biệt” khó nói hơn từ “xin chào” gấp nhiều lần con ạ, vì mình quen quyến luyến với người (hay vật) mà mình yêu mến. Để nói “tạm biệt” một cách vô ưu là điều không dễ. Mẹ mong con sẽ là chàng trai mạnh mẽ để không cảm thấy quá bịn rịn mỗi khi chia tay. Vì vậy mà lần đầu nghe con chào tạm biệt mẹ một cách chủ động và hân hoan, mẹ đã khựng lại. Vào khoảnh khắc đó, mẹ chợt nhận ra con trai đã lớn thật rồi. Rồi mẹ rời khỏi con với niềm vui rộn ràng trong lòng.

Làm ơn/vui lòng

Để con quen nói từ "làm ơn/vui lòng", mẹ lặp đi lặp lại với nhiều tình huống khác nhau. Khi con nghịch món đồ nào đó, để yêu cầu con dừng tay và đưa cho mẹ, mẹ chìa tay ra nói “Làm ơn đưa cho mẹ” là con hiểu. Mẹ nhận thấy rõ sức tác động của từ này khi mẹ yêu cầu con mà không có “làm ơn” đi kèm, con cứ bướng bỉnh vì cảm thấy mình bị áp đặt.

Sau vài lần thực hành, mẹ nhận ra rằng nói “làm ơn” là cách nhanh nhất để nhận sự hợp tác của con vì nó thể hiện sự tôn trọng của mẹ đối với con. Khi mẹ nói “làm ơn” và chờ đợi quyết định từ con, rõ ràng mẹ xem con như một người lớn.

Chắc chắn con sẽ khóc thét khi mẹ không nói “làm ơn”, không chờ con đưa mà giật lấy từ tay con chỉ vì mẹ lớn hơn và vì con không được phép. Kể cả khi chơi với bạn, con không thích bị giành đồ chơi và quyết lấ y lại cho bằng được, nhưng nếu bạn chìa tay ra và đứng chờ, con sẽ đưa đồ cho bạn một cách vui vẻ. Làm mọi thứ trong cảm giác “vui lòng” chứ không phải bị ép buộc là một trong những điều tuyệt vời nhất con ạ.

Con yêu ba/mẹ rất nhiều

“Con yêu mẹ rất nhiều” hay “Con yêu mẹ nhất trên đời” là những từ con hay nói hàng ngày từ khi con được khoảng một tuổi rưỡi. Con luôn làm mọi người cảm thấy mắc cười khi những ngày đầu con lặp lại câu này theo người lớn như một cái máy.

Nhưng bây giờ con đã hiểu câu này nghĩa là gì, không chỉ nói mà con còn thể hiện bằng cách vừa nói vừa chạy lại ôm mẹ. Hoặc khi mẹ con mình đứng cách nhau một quãng thì con sẽ gọi to lên: “Mẹ ơi con yêu mẹ rất nhiều”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI