Đạo đức nghề giáo ở đâu?

03/05/2014 - 06:50

PNO - PN - Ở trường con tôi học, ngay từ những ngày đầu chập chững bước vào bậc THCS, các em học sinh lớp 6 đã bị thầy giáo phụ trách bộ môn toán… hớp hồn. Thầy bảo: “Các em là học sinh lớp chọn, được tuyển từ ba trường tiểu...

edf40wrjww2tblPage:Content

Những ngày đầu năm học mới, mọi thứ đều mới mẻ, từ thầy cô, trường lớp, bạn bè. Dù chưa quen thân, nhưng V. cũng nhận lời động viên từ các bạn. Hôm kiểm tra một tiết môn toán, V. được điểm 8. Lúc trả bài kiểm tra, thầy đứng bên miệt thị: “Tự em làm hay là nhìn trộm bài của bạn đây?”. Từ hôm ấy, V. bắt đầu sốc. Cứ mỗi lần bị thầy dạy toán gọi lên bảng, em run cầm cập, có khi không làm được bài, điểm kém. Em không còn tự tin vào bản thân nữa. Rồi một lần, em bị thầy mắng “nhìn mặt em, tôi thấy em ngơ ngơ, khờ khờ, sao lại có thể được chọn vào lớp này cơ chứ!”. Tôi và mẹ V. quen biết nhau vì đứng đợi con ở cổng trường mỗi ngày. Một hôm chị than thở: “Chẳng hiểu sao dạo này V. nhà mình tính tình cộc cằn, ngồi vào bàn học là vò đầu bứt tóc, về nhà còn đánh em”. Về nhà, tôi hỏi thăm con gái về chuyện học hành, về tính cách của V. Con gái tôi kể lại mọi chuyện với vẻ bất bình chưa từng có của một đứa trẻ, rằng V. và vài bạn khác luôn bị thầy sỉ nhục trước tập thể lớp. Nghe vậy, tôi thương V. vô hạn, vì vừa bị áp lực với thầy, vừa sợ mẹ biết mình bị điểm xấu. Người lớn khi bị áp lực chuyện gì, có thể tự giải tỏa bằng nhiều cách. Còn trẻ em, có những chuyện khó chia sẻ, đã phải chịu đựng một mình, ảnh hưởng tâm lý rất nặng nề. Kết quả là V. sợ môn toán, oán ghét thầy, không còn tự tin vào bản thân.

Dao duc nghe giao o dau?

Rất may, mẹ V. khá nhạy cảm, biết là con đang có vấn đề. V. bị mẹ gặng hỏi và đã kể sự thật. Tôi đề nghị mẹ V. đến gặp thầy, chia sẻ với thầy về V., nhưng cô ấy chọn phương án cho con đi học thêm nhà thầy. Được biết, mỗi lần vào lớp, thầy hay đề nghị các em đi học thêm vì các em “dốt như bò”. Ngày nào thầy cũng nói về chuyện học thêm, còn bảo những em nào đang học thêm chỗ khác thì nghỉ đi, đến học với thầy. Ở lớp, những bài không hiểu, các em hỏi thì thầy trả lời “sao ngu thế. Vậy mà không chịu đi học thêm”. Từ ngày đi học thêm, V. về nhà cởi mở, mạnh dạn, linh hoạt như xưa. Mẹ V luôn miệng “suýt chút nữa con tôi bị… tâm thần rồi”.

Họp phụ huynh, chuyện thầy ví học sinh “dốt như bò” cũng được mổ xẻ. Phụ huynh không sợ những lời hù dọa, mỉa mai, miệt thị của thầy, mà sợ con em mình hư hỏng bởi một thầy giáo có cách hành xử thiếu giáo dục. Bức bách về thầy, các em lên trang mạng xã hội kể tội thầy bằng những lời lẽ coi thường, những suy nghĩ không tốt về thầy, để rồi nhiều bạn khác đồng tình, nhấp “like” kịch liệt. Hành động của các em là sai trái, không tốt, bắt nguồn từ sự tự cho mình quyền được miệt thị, sỉ nhục học sinh của một người thầy.

Là phụ huynh, chúng tôi luôn đặt câu hỏi tại sao hơn 10 giáo viên bộ môn, các em chỉ xem thường thầy dạy toán, trong khi không ít thầy cô khác cho điểm rất khắt khe, nhưng các em vẫn hài lòng? Ở bất cứ thời đại nào, đạo đức nhà giáo vẫn đặt vị trí hàng đầu và không bao giờ là xưa cũ. Ngày hôm nay đạo đức nhà giáo càng mang tính thời sự, bởi không ít người vì chạy theo đồng tiền mà đánh mất mình, vi phạm đạo đức nghề nghiệp, làm tổn thương tâm hồn trẻ.

Lê Khanh (huyện Bình Chánh, TP.HCM)

LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI