Cuốn nhật ký

22/05/2014 - 16:30

PNO - PN - Năm đó, tôi 14 tuổi, học lớp 7. Dành dụm tiền, tôi mua được một cuốn sổ be bé, dạng sổ tay. Tôi cất kỹ nó trong ngăn tủ, bên dưới nhiều món đồ khác, bởi vì không muốn ai tìm được. Tập tành bắt chước như trong mấy...

edf40wrjww2tblPage:Content

Mọi tâm tư thầm kín của một đứa trẻ ở độ tuổi dở dở ương ương được tôi trút vào từng trang viết. Tôi bày tỏ nỗi hậm hực về thằng em trai hay “ba gai” bắt nạt chị. Tôi ước ao mẹ ít la mắng mấy chị em, có thể tết tóc cho tôi, ôm ấp, nhỏ nhẹ… Tôi cũng viết vào đấy những suy nghĩ non nớt, khờ khạo về cảnh nhà nhiều buồn ít vui của mình. Vốn là một đứa con gái đa cảm, hay quan trọng hóa vấn đề, dễ tủi thân, ít bạn bè, tôi coi cuốn nhật ký như nơi chốn cực kỳ an toàn và tin cậy để chia sẻ. Thời điểm đó, lớp tôi có thầy T. là chủ nhiệm. Thầy chưa lập gia đình, rắn rỏi nhưng nhẹ nhàng so với những người lớn xung quanh mà tôi từng biết. Tôi đã không tiếc những lời ngọt ngào thương nhớ trong tưởng tượng của mình dành cho thầy.

Tai họa đổ xuống đầu tôi vào cuối một buổi chiều, tôi đi học về, cảnh nhà im lìm. Mẹ như chỉ chờ tôi về tới để nổi cơn thịnh nộ. Cuốn nhật ký đã bị mẹ tịch thu, không còn chút tăm tích. Từng câu, từng chữ, từng lời trong đó được mẹ tôi mang ra chì chiết, miệt thị. Đối với tôi, có lẽ không còn ngôn từ nào khủng khiếp hơn. Mẹ không đánh đòn tôi, nhưng tôi sợ hãi và xấu hổ cùng cực. Hóa ra, bấy lâu tôi đã làm những chuyện xấu xa, tội lỗi, đáng nguyền rủa? Tôi là “đứa con gái chẳng ra gì, mới nứt mắt đã hư hỏng bỏ đi”. Nuôi tôi thật uổng phí công sức. Cả buổi tối hôm ấy, tôi hoang mang và càng lúc càng tin rằng, tôi đã sai, sai thật rồi…

Cuon nhat ky

Ký ức tuổi thơ tôi hằn lên cái ngày hôm ấy, khi ba tôi đi làm về, tôi tiếp tục bị “đấu tố”, trong nỗi khốn khổ và tủi hổ vô bờ. Ba chẳng thể làm gì để bênh vực đứa con gái tội nghiệp. Tôi không còn nước mắt để khóc. Có lẽ vì vậy mà mẹ càng không sao chịu nổi “cái đứa con gái lì lợm, mất dạy” là tôi chăng?

Tôi mãi mãi không quên cái đêm dài đằng đẵng, khi mẹ tạm tha cho tôi đi ngủ, sáng mai tính tiếp. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu, nhờ đâu mà tôi vượt qua được những khoảnh khắc như thế trong đời. Mẹ không hề giải thích, hay phân tích lỗi lầm tôi phạm phải, mà chỉ chăm chăm xỉ vả tôi chẳng tiếc lời. Mẹ vốn ít gần gũi con cái, hay la rầy, mỗi lần như vậy thường kéo dài cả buổi. Giá như mẹ phạt tôi nhiều roi, rồi đừng khơi nhớ lại cái câu chuyện ấy. Thế nhưng, mẹ làm như không còn có tôi tồn tại trong nhà. Mẹ nói chuyện “trống không” mỗi khi phải giao tiếp với tôi. Nếu như sau đó, tôi không vì chẻ củi bị đứt tay, máu chảy đầm đìa, và trong vô thức của một đứa trẻ, tôi đã kêu lên hai tiếng “mẹ ơi” đầy đau đớn thì chẳng biết sự việc sẽ tiếp tục như thế nào nữa…

Câu chuyện ấy như một vết nhơ xấu xí hằn lên tuổi thơ vốn đã quá ít niềm vui của tôi. Tôi chẳng biết, vì ít được mẹ vỗ về âu yếm, cũng không dạy bảo mà toàn la mắng, vì cuộc sống quá khắc nghiệt buồn bực, hay đơn giản chỉ vì một lúc nóng giận nhất thời, mẹ đã làm cho tình cảm mẹ con giữa chúng tôi không sao bình thường lại được. Dù mãi đến sau này, tôi vẫn biết ơn sự nghiêm khắc của mẹ, nhờ đó mà tôi chăm chỉ học hành, mong tìm cho mình một lối thoát. Rồi tôi có công việc tốt, chồng con ổn định. Tôi đã có hai đứa trẻ kêu mình bằng mẹ. Tôi hiểu và biết thương mẹ hơn. Nhưng chỉ cần nghe đâu đó vang lên hai chữ “nhật ký”, tôi lại giật mình, nơm nớp lo sợ, tủi hổ từ đâu len lén tràn về, chua xót vô cùng.

BẰNG LĂNG


LTS: Sau khi Báo Phụ Nữ đăng bài Kẻ trộm sách (ngày 16/4), nhiều bạn đọc đã gửi ý kiến bày tỏ nỗi bức xúc trước sự vô cảm của người lớn khi sẵn sàng buộc tội trẻ, bất chấp việc làm ấy gây nên tổn thương tinh thần, dư chấn về tâm lý, ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Với mong muốn góp thêm tiếng nói vào việc xây đắp tình yêu thương, tôn trọng trẻ, để các em được lớn lên trong sự nâng đỡ, Báo Phụ Nữ tổ chức diễn đàn Khi trẻ bị sỉ nhục.

Mời bạn đọc tham gia ý kiến trao đổi gửi về địa chỉ: khitrebisinhuc@baophunu.org.vn.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI