Con ơi, hãy hỏi “vì sao”!

20/08/2014 - 15:01

PNO - PN - Ai đã làm cha mẹ hẳn đều có lúc vò đầu bứt tai trước những câu hỏi “vì sao?” của con mình. Trong suy nghĩ của trẻ thơ, mọi thứ tồn tại đều có lý do. Vì vậy, có những sự vật, hiện tượng người lớn nghiễm nhiên chấp...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trẻ em ngày nay sống trong thời đại bùng nổ thông tin, nên những câu hỏi của các em cũng ngày càng trở nên hóc búa hơn và lắm khi khiến người lớn phải… bối rối. Tình yêu là gì? Vì sao mẹ hay cáu gắt với bố thế? Tại sao bà hàng xóm lại mắng chú công nhân là “đồ nhà quê”? Để trả lời những câu hỏi đó thỏa đáng mà không mang tính “thuyết giáo”, không khiến niềm tin trong trẻo của các con vào cuộc sống bị sút giảm đi… quả thật là chuyện không dễ.

Bộ sách “Bố ơi, vì sao?” của tác giả Nguyễn Thụy Anh (NXB Mỹ thuật, 2013) sẽ là một “trợ thủ” đắc lực của các bậc phụ huynh để cắt nghĩa cho con trẻ về thế giới xung quanh. Bộ sách gồm nhiều tập sách mỏng với hình ảnh minh họa sinh động. Mỗi cuốn sách là một câu trả lời cho một thắc mắc cụ thể của trẻ nhỏ, từ những đề tài gần gũi nhất như “Vì sao phải uống sữa?”, “Vì sao phải đi vệ sinh đúng lúc?” cho tới những khái niệm trừu tượng như “Tổ quốc”, “Nông thôn và thành thị”, “Tình yêu”. Cách lý giải của tác giả vừa đủ dung dị và gần gũi để con trẻ có thể tiếp thu được, nhưng đồng thời cũng chứa đựng những thông điệp giáo dục sâu sắc và giàu tính nhân văn.

Con oi, hay hoi “vi sao”!

Bộ sách có thể khiến người làm cha mẹ phải suy ngẫm về những lần ta thiếu kiên nhẫn trước những câu hỏi của con: “Sao con cứ hỏi “vì sao?” mãi thế. Nó như thế là vì… nó như thế chứ sao!”. Những lúc ấy, ta vô tình quên mất rằng đó là một nhu cầu rất chính đáng của con trẻ trong quá trình phát triển, tìm hiểu thế giới quanh mình. Một nhà giáo dục đã từng nói rằng: “Trong mỗi đứa trẻ có cả một triết gia và một nhà khoa học”. Thật vậy, nếu không ai bận tâm đến những câu hỏi rất ngây ngô như “Vì sao bầu trời màu xanh?”, “Vì sao mặt trăng chỉ mọc ban đêm?”, hẳn chúng ta đã chẳng có những tri thức hữu ích về thiên văn như ngày nay.

Vì thế, thay vì né tránh hay cố tình khỏa lấp những câu hỏi “vì sao?” bất tận của con, hãy trân trọng và nuôi dưỡng chúng; vì không ai có thể lớn khôn trong sự thờ ơ với cuộc sống xung quanh mình. Ngay cả khi ta chưa trả lời được, hãy cứ mỉm cười với con và nói rằng: “Con ơi, cứ hỏi “vì sao?”!

NGUYỄN THÚY UYÊN PHƯƠNG (Giám đốc đào tạo Trường Ngoại khóa TOMATO)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI