Con lụy "đại tỷ”

01/04/2016 - 10:54

PNO - Mỗi khi vào quán, nếu cô bé “đại tỷ” chưa đến là tất cả ngồi chờ, không dám gọi đồ ăn trước, các cháu còn phải góp tiền “bao” đại tỷ...

Con gái tôi 13 tuổi, ngoan ngoãn, không có biểu hiện gì đáng lo ngại. Nhưng vừa rồi, tôi tình cờ nghe cô chủ quán ăn cạnh trường học của cháu (vốn là chỗ quen biết của gia đình) kể lại, con tôi thường xuyên bị bạn bè ức hiếp. Cháu chơi với một nhóm bạn, trong đó có một bạn tự xưng là “đại tỷ”, cả nhóm rất sợ. Mỗi khi vào quán, nếu cô bé “đại tỷ” chưa đến là tất cả ngồi chờ, không dám gọi đồ ăn trước.

Không chỉ vậy, cô bé kia gọi món gì thì cả nhóm cũng phải ăn giống vậy. Các cháu còn phải góp tiền “bao” đại tỷ. Ban đầu, tôi nghĩ có lẽ các cháu chờ bạn ăn uống chung cho vui nên không mấy bận tâm. Về sau, thấy con hay xin tiền mua sắm lặt vặt, nghi ngại nên tôi lân la dò hỏi một vài cháu trong nhóm thì biết được chuyện cô bé “đại tỷ” là có thật.

Các cháu phải chịu sự sai khiến của cô bé này, từ chép bài, nhắc bài đến góp tiền bao ăn uống. Khi tôi hỏi tại sao lại sợ, có cháu đáp vì được bạn bảo vệ không bị các anh chị lớp trên ăn hiếp. Cháu thì giải thích nếu làm trái ý sẽ bị đánh hoặc bêu xấu. Dù vậy khi gặng hỏi, con gái tôi vẫn giấu mẹ và còn tỏ ra khó chịu.

Nguyễn Thu Thủy (Q.Tân Phú, TP.HCM)

Con luy
Ảnh minh họa

Chị Nguyễn Thị Thanh (Q.5, TP.HCM): Tự soi lại mình

Nếu con gái rơi vào trường hợp này, trước tiên tôi phải xem lại bản thân. Phải chăng mình đã không quan tâm, trò chuyện với con dẫn đến cháu không muốn tâm sự với mẹ? Đồng thời coi lại cách giáo dục con của mình đã đúng chưa? Mình có bảo bọc quá không để biến con trở thành một đứa trẻ thụ động, không làm chủ được mình, cũng không dám chia sẻ dẫn đến sợ sệt, lụy vào người khác?

Khi đã biết chuyện của con, mà con vẫn chưa sẵn sàng nói với mẹ thì cũng đừng vội tức giận la mắng, chất vấn con mà nên từ tốn tác động đến bé mỗi ngày một ít. Chẳng hạn mỗi ngày tôi sẽ kể với con một câu chuyện về bạn nào đó rơi vào trường hợp tương tự như con, hoặc cho con xem những thông tin về nhữ ng vấn nạn học đường hiện nay.

Thông qua đó phân tích, hướng dẫn con cách xử lý tình huống hoặc đặt cho con câu hỏi, nếu là mình thì con sẽ giải quyết thế nào? Từ đó cùng con tháo gỡ. Tôi nghĩ, mưa dầm thấm sâu, dần dần con sẽ nhận thức được vấn đề và thay đổi cách ứng xử. Khi đã khai thông được tư tưởng của con rồi thì nên dạy cho bé cách tự bảo vệ mình và quan tâm đến con nhiều hơn.

Anh Nguyễn Minh Tùng (Q. Phú Nhuận, TP. HCM): Đừng hành động khi nóng giận

Tức giận và đánh con là phản ứng đầu tiên của tôi, mà bây giờ nghĩ đến tôi còn cảm thấy hối hận. Thông thường người ta luôn khuyên nên bình tĩnh này nọ, nhưng có là người trong cuộc mới biết, trong khoảnh khắc đó mình chỉ hành động theo bản năng. Tôi tức giận vì tại sao cháu lại để cho bạn bè ức hiếp. Nếu không dám phản kháng thì ít ra cũng phải nói với cha mẹ, thầy cô. Vì vậy, tôi nghĩ lỗi đầu tiên là tại con đã “ngu” nên phải đánh cho “khôn”.

Tôi đến trường yêu cầu nhà trường họp phụ huynh các bé để chúng tôi trực tiếp trao đổi giải quyết, nhưng bị từ chối. Khi đã lấy lại bình tĩnh, tôi cảm ơn vì nhà trường đã từ chối, nếu không tôi thực sự không dám nghĩ lúc tức giận mình sẽ có hành động gì. Sau đó, tôi chủ động xin lỗi con và giữ thái độ ôn hòa, khuyên nhủ cháu. Tôi giải thích cho con hiểu rằng nếu cháu sợ bạn mà giấu hay bao che cho bạn thì không chỉ làm hỏng cuộc đời của con mà còn hỏng cả cuộc đời của bạn. Vì cha mẹ của bạn cũng cần biết chuyện để kịp thời uốn nắn bạn.

Anh Trần Cường (Q.2, TP. HCM): Tôi đã chuyển trường cho con

Con gái tôi từng là nạn nhân của nạn “bảo kê” trong trường học. Cháu vốn nhút nhát nên khi bị bạn bè ức hiếp, bắt nạt, đã cam chịu mà không mách lại với cha mẹ. Lúc biết chuyện, vợ chồng tôi rất sốc, vừa thương con lại vừa giận. Tôi cố giữ bình tĩnh không la mắng con, đến gặp giáo viên chủ nhiệm nhờ can thiệp, nhưng con tôi vẫn sợ bạn và có tâm lý ngại đến trường, học hành sa sút.

Sau đó tìm hiểu, tôi biết được vì bị nhà trường kỷ luật, cô bé kia càng ghét con tôi và có những lời lẽ hăm dọa khiến cháu luôn sợ sệt. Nhà trường tuy hứa hẹn này nọ nhưng không thể nào xóa đi nỗi sợ trong cháu. Vì vậy, tôi quyết định chuyển trường cho con. May mắn là môi trường mới giúp con tôi quên đi ký ức buồn và nỗi sợ không đáng, cháu hòa đồng với bạn bè hơn. Vợ chồng tôi cũng rút ra được bài học cho mình, quan tâm đến con nhiều hơn và thường xuyên trò chuyện để con luôn mở lòng với cha mẹ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI