“Con không thể!”

01/03/2016 - 15:27

PNO - Bạn phải làm gì khi con mình đột ngột giãy nảy, than rằng chúng không thể tiếp tục dọn dẹp quần áo dơ?

Bước đầu tiên để bố mẹ đối đầu với kiểu “bất lực giả tạo” này là thay đổi cách nhìn nhận của mình. Thử tưởng tượng tình huống thế này: Sau một thời gian khó nhọc, bạn đã thành công khi dạy cho trẻ làm tốt một công việc hay bài tập. Nhưng bỗng dưng bé không chịu theo nền nếp bạn đã thiết lập bằng câu: “Con không thể làm nổi” hay tệ hơn là “Con không muốn làm”. Hành vi “bất lực giả tạo” này xuất hiện khi trẻ đối phó với một việc chúng không ưa thích, từ một bài tập ở trường cho đến việc vặt đơn giản ở nhà.

“Con khong the!”
Ảnh mang tính minh họa

Do né tránh thất bại

Để hiểu rõ nguyên nhân hành vi “bất lực” của trẻ, bậc cha mẹ nên tìm hiểu liệu trẻ sẽ đạt được gì khi nói “con không thể”. Nhiều học sinh giả vờ bất lực để không phải đối mặt với thất bại, ví dụ có những trẻ không hiểu bài, chúng chọn không làm bài thi còn hơn là thi với số điểm thấp, bị bạn bè chê cười, ba mẹ thất vọng…

Với những trẻ này, việc la rầy về kết quả không tốt chỉ khiến chúng ngày càng mất tự tin. Thay vì vậy, cha mẹ nên hướng trẻ đến những thử thách, khuyến khích bé vượt qua nỗi lo sợ của mình. Hãy khuyến khích, củng cố lòng tự tin của trẻ: “Mẹ tin con có thể làm được”, “Chỉ cần cố gắng thêm một chút nữa”, “Chắc chắn lần sau con sẽ vượt qua”.

Với trẻ tuổi teen, giả vờ “bất lực” cũng là một cách chứng tỏ “quyền lực”, rằng con không còn là trẻ con nữa, con không thích bị điều khiển nữa. Hành vi này có thể diễn ra trong nhiều tình huống. Nhưng khi có mặt bạn bè, hành vi này cho thấy nhu cầu củng cố lòng tự trọng vượt hẳn nhu cầu chứng tỏ khả năng (vốn là nhu cầu có thật của trẻ tuổi teen).

Trong trường hợp này, bố mẹ nên thẳng thắn trao đổi với trẻ, cho trẻ biết mình không đồng tình với sự thoái thác của trẻ. Tuy nhiên tránh la rầy, khiển trách hay quy kết đạo đức của trẻ, bởi đó chỉ là một hành vi nhất thời, và không hẳn trẻ sẽ tiếp tục “vờ vịt” trong những hoàn cảnh khác. Nên nhớ la mắng trẻ lúc này chỉ làm chúng phản ứng lại để bảo vệ cái tôi của mình. Hãy đợi một lúc khác hãy chuyện trò nghiêm túc với trẻ, giải thích cho trẻ hiểu hành xử như thế nào là đúng đắn.

Do không thích mệnh lệnh

Bất kỳ người lớn nào cũng sẽ hoàn thành công việc nếu họ sẵn sàng. Trẻ con, ngược lại, thường bị ra lệnh thực hiện, dù chúng có sẵn sàng hay không, đặc biệt trong môi trường giáo dục. Điều này vô tình làm con trẻ mất đi cảm giác tự chủ, độc lập.

Vì vậy, để trẻ lựa chọn thoải mái sẽ rất có lợi về lâu về dài. Trẻ cũng sẽ vâng lời hơn nếu ta cho trẻ tự chủ nhiều hơn. Một trong các giải pháp là hãy để trẻ tự lập ra thời gian biểu cho sinh hoạt và học tập của mình. Khi yêu cầu trẻ làm một công việc gì đó, thay vì buộc trẻ phải làm ngay, hãy cho trẻ thời hạn kèm theo mục đích rõ ràng. Ví dụ: “Từ giờ đến trưa, con giúp dọn dẹp tủ quần áo để căn phòng mình sạch sẽ hơn nhé”.

Cần lưu ý rằng, có không ít trẻ giả vờ yếu kém để … né việc. Trẻ biết nếu chúng trì hoãn, thoái thác, đến lúc nào đó sẽ có người khác làm thay. Chẳng hạn như khi được ra lệnh làm việc vặt ở nhà như giặt giũ, dọn dẹp, trẻ lờ đi, bố mẹ thấy “ngứa mắt” làm giùm, hoặc quen bản tính bảo bọc con cái, hoặc muốn hoàn thành công việc cho nhanh…

Nên nhớ trong trường hợp này, bố mẹ chính là người có lỗi, vì đã “tiếp tay” cho trẻ sử dụng phương pháp “bất lực giả tạo”. Hãy giúp trẻ bằng cách… không làm gì, để chúng nhận lãnh hậu quả của việc không làm. Như khi trẻ từ chối không chịu đem đồ dơ đi giặt, thì chúng sẽ thiếu đồ để mặc trong ngày tiếp theo.

Dĩ nhiên, vẫn có những trường hợp mà công việc trẻ được giao quá khó, khiến trẻ căng thẳng. Khi đó, ”con không thể” là một cách để trẻ cầu cứu sự can thiệp của cha mẹ, thầy cô. Dù lý do của việc bất lực giả tạo là gì đi nữa, hãy nhớ rằng công việc của chúng ta là củng cố sự tự tin của trẻ, khiến chúng cảm thấy mình có thể thực hiện bất kỳ công việc nào.

Bình Nhi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI