Con hào hiệp, mẹ lo

11/08/2016 - 06:00

PNO - Lời cô giáo khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi không biết làm cách nào điều chỉnh cháu. Chẳng lẽ lại nói với cháu rằng tinh thần nghĩa hiệp, phóng khoáng, vô tư là không tốt?

Nhiều lần tới trường đón Hùng - con trai tôi, thấy cháu đi từ lầu ba xuống với năm-sáu cái cặp sách đeo trên người. Xuống tới sân thì các bạn nữ mới xúm lại chia nhau cặp sách và tung tăng ra về, trong khi con trai tôi mồ hôi nhễ nhại. Hỏi, con cười hồn nhiên bảo “các bạn xách nặng nên nhờ con, đứa này nhờ, đứa kia cũng nhờ, từ chối thì kỳ lắm, thôi, mình là con trai, xách nặng tí không sao mẹ ạ. Các bạn mặc áo dài, xách nặng, vấp tà áo té cũng tội”. Thấy con nói một cách vui vẻ, tôi cũng vui vì nghĩ con biết giúp các bạn nữ là tốt, ra dáng đàn ông.

Thế nhưng hôm rồi, khi tới trường họp phụ huynh, cô chủ nhiệm gặp và những điều cô nói khiến tôi hết sức băn khoăn: “Chị à, em sợ sau này Hùng lớn lên sẽ trở thành người dễ bị lợi dụng. Cháu quá hồn nhiên, tốt bụng, vô tư. Ai nhờ gì cũng giúp, nhưng bạn bè chỉ biết nhờ Hùng khi khó khăn, còn khi chính Hùng gặp chuyện thì các em ấy lại làm lơ, cháu cũng hồn nhiên bỏ qua cho bạn. Em nghĩ chị nên giúp Hùng điều chỉnh, để cháu phân biệt được thế nào là giúp đỡ và thế nào là bị lợi dụng”.

Lời cô giáo khiến tôi vô cùng lo lắng. Tôi không biết làm cách nào điều chỉnh cháu. Chẳng lẽ lại nói với cháu rằng tinh thần nghĩa hiệp, phóng khoáng, vô tư là không tốt?

Thanh Hà (Q.5, TP.HCM)

Con hao hiep, me lo
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Nhân chi sơ, tính bản thiện

Tính thiện luôn có sẵn trong mỗi con người, từ thuở mới sinh ra. Chị nên mừng vì con trai chị có được điều đó trong tâm hồn. Ngày nay, tính cách này là điều hiếm có. Cái xấu, cái ác nhan nhản xung quanh chúng ta đến mức con trẻ học tính ích kỷ ngay từ khi còn rất nhỏ. Thêm vào đó là sự tác động của những nỗi lo lắng, kiểu như chị đang lo lắng hiện giờ, sẽ biến con trẻ thành người luôn nghi ngờ, luôn phòng thủ. Khi được giáo dục theo tinh thần này, tôi nghĩ ngoài điều tốt là họ sẽ không bị lợi dụng, thì họ cũng mất đi cơ hội nhận được lòng tốt từ người khác. Cuộc sống mà như thế thì thật chai cứng, chán chường.

Trong gia đình tôi, vấn đề này cũng luôn gây tranh cãi. Tôi vui khi thấy con gái mình dành tiền cho người nghèo, giúp đỡ bạn bè và nhường nhịn anh em. Nhưng chồng tôi thì ngược lại, luôn dạy con phải đề cao cảnh giác. Khi con cho tiền người nghèo, anh ấy bảo họ giả vờ ăn xin, chứ chút nữa họ đi nhà hàng còn xịn hơn nhà mình. Khi con giúp bạn bè, anh ấy bảo đó không phải là việc của con, đó là việc của ba mẹ bạn ấy và các thầy cô giáo. Con tôi bị rối giữa hai cách suy nghĩ và nhận định về cuộc sống của bố mẹ.

Tôi thấy hình như cái xấu xâm nhiễm dễ dàng hơn cái tốt. Chỉ sau một năm nghe bố nhắc nhở, cháu trở nên khô cứng và đa nghi hơn. Cháu ích kỷ cả với cha mẹ , anh chị em ruột và họ hàng. Khi chúng tôi phân công việc nhà cho cháu, cháu yêu cầu đượ c trả tiền công và nói rằng ba mẹ không thể lợi dụng sức lao động của chúng con. Chồng tôi đã đánh cháu vì câu nói ấy, nhưng tôi nói anh rằng đó là “gậy ông đập lưng ông”. 

Mỹ Nhi (Q.10, TP.HCM)

Hãy để con học từ chính cuộc sống của cha mẹ

Tôi nghĩ cô chủ nhiệm đã nhắc nhở chị với thiện ý dành cho cháu Hùng. Chị nên tìm hiểu thật kỹ để có thể lựa lời trò chuyện với con. Điều gì con làm đúng thì chị khen con, những gì khiến cô giáo nghĩ là con chị bị lợi dụng thì chị cũng nên cùng con phân tích, bàn bạc. Nhất là những tình huống mà cô giáo nói rằng khi con chị gặp khó khăn thì bạn bè làm lơ, chị càng nên biết rõ.

Con cái thường là hình ảnh của chính cha mẹ. Có lẽ chị và cha cháu cũng vô tư trong việc giúp đỡ người khác nên con chị mới sống theo như vậy. Chị có thể kể cho cháu nghe những kinh nghiệm của mình trong cuộc sống, đã gặp những điều tốt và xấu nào khi giúp đỡ mọi người. Kết luận ra sao cứ để cháu tự tìm lấy. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để chị “điều chỉnh” cháu.

Linh Lan (Q.11, TP HCM)

Đừng cố gắng “bóp méo” cháu

Con trai tôi từng là đứa trẻ rất rộng rãi, phóng khoáng. Không chỉ giúp bạn bè, bao nhiêu tiền tôi cho, cháu còn dùng để bao các bạn những bữa ăn vặt trong căng-tin trường. Sau đó, khi cháu hết tiền, các bạn lại ùa sang nịnh một bạ n khác. Cháu bị sốc về việc đó rất lâu và mất lòng tin vào tình bạn.

Khi biết cháu quá tốt với bạn bè, tôi lo một thì đến khi cháu bị sốc và trở nên khép kín, không thể kết bạn với ai, tôi lo gấp mười. Chữa cho cháu thoát khỏi căn bệnh ấy với tôi gần như là điều tuyệt vọng trong một khoảng thời gian rất dài. May mắn là sau đó cháu đã gặp được một người bạn tốt.

Tôi nghĩ chị cứ để cho cháu được sống tự nhiên với bản tính tốt bụng của cháu, chỉ nhắc nhở nhẹ nhàng và khéo léo. Đừng cố gắng “bóp méo” cháu theo ý mình hay ý của người khác.

Như Phương (Q.1, TP.HCM)

Hãy vui vì con trai có trái tim biết đồng cảm

Tôi nghĩ chị nên vui nhiều hơn khi con trai chị có được hạt giống của lòng tốt và tình yêu thương. Dẫu nó có làm cho người lớn phải lo lắng thì từng ngày qua đi, đứa trẻ sống tốt hơn, biết chia sẻ và giúp đỡ nhiều hơn.

Chị lo lắng việc cháu giúp đỡ người khác và dễ bị lợi dụng. Chị hãy an tâm, càng lớn, cháu cà ng nhận thức được hành động nào mình nên làm và không nên làm. Chỉ cần định hướng để cháu biết từ chối trong một vài trường hợp vượt quá sức mì nh.

Về những điều giáo viên chia sẻ, chị có thể điều chỉnh cháu qua tâm sự giữ a hai mẹ con. Điều này giúp cháu từng bước nhận ra giới hạn để không bị lợi dụng. Điều quan trọng là cháu luôn thấy vui vẻ, hạnh phúc khi giúp đỡ người khác.

Trẻ đang lớn, đang hình thành nhân cách, có những niềm tin đặt không đúng chỗ sẽ là bài học giúp bé trưởng thành hơn. Chỉ cần con trai chị biết suy nghĩ, sống rộng lượng thì cháu sẽ luôn nhận về những giá trị yêu thương tương xứng. Chị hãy vui vì con mình có trái tim biết đồng cảm, chỉ cần cung cấp thêm kinh nghiệm sống và kỹ năng sống cho con.

Tiến sĩ tâm lý Huỳnh Văn Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI