Con chấm mấy điểm cho cha/mẹ?

19/07/2016 - 09:23

PNO - “Con chấm cho cha/mẹ bao nhiêu điểm?” - câu hỏi này dường như khá... thất lễ vì con cái vốn không phải là người có quyền phán xét phụ huynh. Nhưng, tại sao không?

Tại sao chỉ có một chiều - cha mẹ “định giá” con cái? Tại sao cha mẹ lại không cần biết hình ảnh của mình như thế nào trong mắt con trẻ?

May mắn được con... chê?

Người cha người mẹ nào đã đưa con đến thế giới này, đó không phải là điều mà con có thể chọn lựa được. Không thay đổi được cha mẹ, sao cha mẹ chẳng thay đổi từng ngày để được con mến thương, quý trọng hơn? Một suy nghĩ đáng lo ngại là nhiều phụ huynh cho rằng mình độc quyền trong “nghề” làm cha mẹ. Không hề có cạnh tranh nên thể hiện kiểu nào cũng được chấp nhận.

Làm cha mẹ là hành trình luôn có cạnh tranh. Thậm chí vô cùng khốc liệt, nghiệt ngã, nhất là giai đoạn con bước vào tuổi dậy thì. Không được cha mẹ gần gũi, quan tâm, thấu hiểu và nâng đỡ tinh thần, con sẽ ngã dần sang phía bạn hay có thể đặt niềm tin vào một "người hùng" nào đó mà con mới quen trên mạng xã hội. Cha mẹ, ai cũng thương con, muốn những điều tốt đẹp nhất đến với con, nhưng cuối cùng lại “lép vế”, “nhường sân” và đặt con trước nước cờ may rủi.

Có một cuộc cạnh tranh xuyên suốt và âm ỉ nữa giữa cha mẹ và chính cha mẹ trong tưởng tượng, trong mong mỏi của con. Khi còn có khoảng cách “một trời một vực” giữa cha mẹ hiện hữu với mẫu hình lý tưởng thì không tránh khỏi cảm giác buồn chán, chạnh tủi, thất vọng nơi con. Những ẩn số của con, nếu loại bỏ tâm thế áp đặt, độc đoán, cha mẹ sẽ kịp lắng nghe, chia sẻ, đáp ứng mà không nhất thiết phải có thật nhiều tiền bạc hay thời gian.

Anh Kiến Hùng (kỹ sư xây dựng, ngụ Q.9, TP.HCM) chia sẻ một kỷ niệm cười ra nước mắt. Sinh nhật lần thứ tư của con anh được tổ chức tại nhà, cuối tiệc, cô bé bất ngờ tiến đến từng người, trân trọng phát một tờ giấy bìa bị cắt đủ hình thù. “Đây, con phát “vé mời đám cưới” của con. Không có vé là mai mốt không được ăn đám cưới của con đâu nhe! Cô, chú, dì… giữ kỹ nhé !” - bé lảnh lót nói, tủm tỉm cười thiệt dễ thương.

Rồi chợt nhớ điều gì, bé nằng nặc đòi ba trả “vé” lại và lấy chính chiếc “vé” đó đưa sang mẹ, dù mẹ đã cầm một chiếc. Chưa đợi hỏi nguyên nhân, bé chau mày, vẻ mặt cau có, nói: “Hôm qua ba quạu. Quạu như con đang quạu vầy nè! Ba chửi mẹ, hất mẹ vô cầu thang, ba chọi điện thoại bể luôn. Trúng vô mặt con. Con khóc quá trời, mà ba không ẵm con, ba “hịn” xe đi mất. Con ghét ba. Con không cho ba đi đám cưới của con luôn!”. Cả nhà cười ồ và ngơ ngác nhìn nhau.

Con cham may diem cho cha/me?
Ảnh minh họa

Bé nói “hôm qua” nhưng thực sự chuyện xảy ra đã ba tháng trước. Khi đó, vợ anh hiểu lầm, ghen tuông, kiểm soát điện thoại khiến anh bực dọc, điên tiết đã thẳng tay ném điện thoại vào sàn nước, mảnh vỡ vô tình văng trúng bé. Nào ngờ mảnh vỡ ấy cũng khuấy động mặt hồ phẳng lặng của tuổi thơ con.

Anh Hùng chia sẻ: “Tôi phải cảm ơn con bé về sự thẳng thắn, mạnh mẽ của nó. Từ câu chuyện tước “vé”, tôi suy nghĩ rất nhiều, thực sự xấu hổ với những gì đã làm với vợ con. Nhờ con thường “chê”, tôi mới nhận thấy được những khuyết điểm của mình; cả những thiệt hại, ảnh hưởng mình gây ra trên tâm hồn non dại của nó và đối với gia đình. Từ đó, tôi đặt mục tiêu hoàn thiện và được con khen ngợi khi từng bước “tiệm cận” với thần tượng về người cha mà nó đòi hỏi”.

Cha mẹ cầu thị là cha mẹ... "hết ý"

Dù chưa một lần được con phóng khoáng cho “điểm mười”, nhưng qua những lời con thỏ thẻ, chị Vũ Thị Hiền (chủ nhiệm Câu lạc bộ Lá Chắn, P.28, Q.Bình Thạnh, TP.HCM) tạm đo lường được hiệu quả làm mẹ của mình. Một lần đi xem phim với nhóm bạn về, thoáng tư lự, con hỏi: “Mẹ nè, con không hiểu sao trên đời này có nhiều cha mẹ thích con mình nói dối đến vậy?”. Qua lời vòng vo con kể, chị Hiền dần nắm được vấn đề là vì cha mẹ thường ngăn cấm đi chơi, các bạn chung nhóm đã nói dối là đi học và vận nguyên bộ đồng phục để ngụy trang.

Con của chị Hiền là người duy nhất trong nhóm được điệu đà trong bộ váy và đường đường chính chính đi chơi. Con hào hứng khoe: “Mẹ biết không, tụi bạn phong con là người hạnh phúc nhất vì có người mẹ “dám hiểu” con. Nhân tiện, con nổ thêm một câu: Ờ, mẹ tui tâm lý lắm!”. Cái danh hiệu “tâm lý lắm” hay “mẹ của người hạnh phúc nhất” khiến chị sướng rơn. Không thành tích nào so sá nh được. Thử hỏi “con mong muốn gì ở mẹ?”, con chị đáp: “Con chỉ muốn mẹ khỏe và ngày càng xinh đẹp hơn. Ba mất rồi, con chỉ còn có mẹ thôi!”. Cảm động trước tình yêu của con, chị vẫn nhủ thầm rằng mình không hoàn hảo. Hằng ngày, chị vẫn bắt tín hiệu từ con để tu sửa mình.

Rào cản duy nhất để phụ huynh không nhìn thấy hình ảnh bản thân trong mắt con là không cần - không dám nhìn thấy. Có vẻ thoáng, sò ng phẳng, dân chủ, phụ huynh bảo con góp ý nhưng chỉ qua loa, hình thức, thiếu thiện chí, thiếu tinh thần cầu thị hoặc lợi dụng bắt chẹt, phủ đầu con. Hay, sau khi con gọi đúng tên khuyết điểm của cha mẹ, cha mẹ lại đùng đùng nổi giận, cho rằng con đòi hỏi này nọ, trách cứ cha mẹ, nâng quan điểm hay lật thế trận kiểu “nếu mày không cãi bướng thì tao đâu có vậy”. Nếu con chỉ cho mẹ sáu điểm, mọi hậm hực, bực dọc, cay cú liền đổ dồn vào bốn điểm bị trừ đó. Làm bạn với con kiểu nửa vời như thế chỉ gây tổn thương cho cả hai, con sẽ không còn tin cậy vào cha mẹ mà tin một chân lý thảm hại “ổng bả hết thuốc chữa rồi!”.

Bạn muốn nhận được điểm mười trọn vẹn từ con? Không khó ! Nếu bạn ghi điểm bằng tình thương, khả năng và lòng chân thành, kiên nhẫn của mình, không đoạt điểm bằng uy quyền. Ngay sau bữa cơm tối hay một thời điểm thích hợp nào đó, hãy hỏi con chấm cho mình bao nhiêu điểm, bạn nhé!

Hãy chạm vào con, ân cần

Gia đình trong tâm thức con trẻ rất quan trọng. Cha mẹ yêu con, tất cả vì con nhưng liệu với những gì ta biểu hiện: la mắng con, ít dành thời gian chơi với con, hà tiện một lời ngọt ngào, một cái ôm đặt hoàn toàn tâm ý… thì con có cảm nhận được, có đọc hiểu đúng tình cảm ta dành cho chúng không? Hay giao thoa cảm thức của cha mẹ và con cái bị lệch, hẫng, trục trặc?

Con mong đợi gì ở cha mẹ, câu trả lời từ trẻ đôi khi chỉ đơn giản là cha mẹ đừng cãi nhau và hay cười đùa với con. Và nếu trẻ ngập ngừng, ngại nói thì bên cạnh kênh ngôn ngữ, vẫn có nhiều kênh khác để bạn nắm bắt những điều rất thật từ thẳm sâu, như: cảm xúc (thái độ, nét mặt, ánh mắt), hành vi, giao tiếp phi ngôn từ… Hạnh phúc sẽ sinh sôi khi bạn chạm vào con mình một cách ân cần.

Tiến sĩ Phạm Thị Thúy (Giảng viên Học viện Hành chính quốc gia)

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI