Có nên 'ngửa bài'?

16/06/2015 - 11:11

PNO - PN - Vợ chồng tôi trục trặc tình cảm do chồng có người mới. Sau mọi nỗ lực níu kéo không thành, tôi quá chán nản, quyết định buông. Làm đơn thuận tình ly hôn, vợ chồng tôi giải quyết ổn thỏa từ chia tài sản đến nuôi dưỡng con.

edf40wrjww2tblPage:Content

Theo đó con gái duy nhất, sáu tuổi, sẽ ở với tôi trong căn nhà cũ. Để tránh những xáo trộn tâm lý và giữ hình ảnh đẹp của cha mẹ trong mắt cháu, chúng tôi cam kết giấu chuyện đã nộp đơn ly hôn. Chúng tôi vẫn ăn cùng mâm, nằm cùng giường như trước, cuối tuần vẫn cùng dắt con đi chơi. Những ngày anh ấy đi với nhân tình, chúng tôi nói dối con rằng “ba đi công tác tỉnh”. Điện thoại với nhân tình, anh ấy phải đi nơi khác, tránh để con nghe thấy.

Có lúc, chúng tôi đang cãi vã, cháu bỗng chạy đến, tôi và anh ấy liền giả lả, đùa vui. Không biết cháu có lờ mờ nhận ra hay không mà hay buồn, ít nói, ít cười, không thích cha mẹ dắt đi chơi như trước đây. Tôi rất đau lòng khi không giữ được cho con mái ấm toàn vẹn nên chẳng đủ can đảm để thẳng thắn bày tỏ với con. Anh ấy lại thấy không cần thiết phải nói, tuổi cháu còn quá nhỏ để gánh chịu cú sốc như thế. Nhưng với biểu hiện khá trầm tư của con, tôi đâm lo lắng. “Úp bài” hay “ngửa bài” với cháu thì tốt hơn, và nếu “ngửa bài” thì thời điểm nào là đỡ tổn thương cho cháu nhất?

Tú Ngọc (Q. Phú Nhuận, TP.HCM)

Co nen 'ngua bai'?

Chị Tú Ngọc mến,

Chị đang trong giai đoạn rất khó khăn của đời sống vợ chồng, lại thêm nỗi khó xử với con gái khi không biết nên nói cho con rõ về tình trạng sắp ly hôn của cha mẹ hay không. Anh chị đều rất yêu và lo cho cháu. Chuyện vợ chồng chị có lẽ cháu đã phần nào cảm nhận được. Thái độ của cháu ít nhiều bộc lộ tâm tư đang kìm nén, che giấu nỗi đau giống như cha mẹ đang làm với cháu. Cả cha, mẹ và con đều đang cố không làm tổn thương nhau nhưng đều đang làm cho nhau buồn đau, khó xử hơn.

Cho dù anh chị cố tình giấu cháu chuyện sắp ly hôn nhưng thái độ, hành vi, cử chỉ của anh chị hàng ngày không thể giấu được cháu. Trẻ có thể không rõ sự việc nhưng thường cảm nhận rất nhạy bén. Chính những cảm nhận lờ mờ về sự bất hòa giữa cha mẹ, về sự chia ly có thể xảy ra sẽ khiến trẻ đau đớn, nhất là khi trẻ không chia sẻ được với người bé yêu thương, gần gũi nhất là cha mẹ. Chị có thể hình dung một bé gái mới sáu tuổi đang khổ tâm như thế nào.

Sự thật dù có giấu diếm, trì hoãn thì vẫn là sự thật, không thay đổi được. Chị nên tâm sự với cháu một phần chuyện của cha mẹ, chuẩn bị cho bé tâm lý đối mặt cuộc chia ly với cha sau ly hôn là rất cần thiết. Anh chị có thể chia sẻ câu chuyện tình yêu của cha mẹ, khởi đầu và kết thúc, như một lẽ tất yếu của cuộc sống, như bao vấn đề khác, để trẻ dễ chấp nhận hơn. Hãy nhấn mạnh cho cháu hiểu mối quan hệ vợ chồng của cha mẹ chấm dứt nhưng mối quan hệ cha-mẹ-con thì không bao giờ thay đổi.

Dù sống chung hay riêng, cha mẹ vẫn luôn là cha mẹ tốt của con, vẫn đến thăm và chia sẻ với con những vui buồn. Tuy nhiên để giữ hình ảnh đẹp về cha mẹ, anh chị chưa cần nói ngay nguyên nhân ly hôn. Cháu chỉ nên biết giữa cha mẹ tình yêu đã hết nên sau ly hôn, cha hay mẹ có quyền yêu và lấy người khác.

Chuẩn bị tâm lý cho con đủ mạnh mẽ để vượt qua cuộc ly hôn giữa cha và mẹ là điều khó khăn, nhưng cần cho các con biết càng sớm càng tốt. Tùy lứa tuổi, khả năng nhận thức, cảm xúc của con mà cha mẹ nói đơn giản hay cụ thể chuyện của mình. Quan trọng nhất là cha mẹ cần cho trẻ biết cuộc sống sau này của con sẽ như thế nào, sống cùng ai, thay đổi gì về chỗ ở, trường học, con sẽ tiếp tục duy trì mối quan hệ với cha hay mẹ không sống cùng như thế nào…

Dù cha mẹ không thể tiếp tục cuộc sống vợ chồng nhưng vẫn có trách nhiệm và yêu thương con cái. Nếu cháu khó chấp nhận cuộc ly hôn của cha mẹ thì anh chị nên nhờ một chuyên viên tâm lý trò chuyện nâng đỡ tinh thần cho cháu. Cháu rất cần được quan tâm chia sẻ. Sự mạnh mẽ của chị khi chấp nhận sự thay đổi và sắp xếp tốt cuộc sống của hai mẹ con rất ý nghĩa với cháu. Chúc chị bình an để cùng cháu tạo dựng cuộc sống mới!

 Chuyên viên tham vấn

PHẠM THỊ THÚY

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI