Chuyện không tưởng

11/05/2014 - 11:27

PNO - PNCN - Chồng mất sớm để lại chín người con, bà tự nhủ, sẽ cố gắng đến cùng. Hình ảnh các con đói ăn vẫn còn ám ảnh bà, dù bây giờ cuộc sống khá đầy đủ. Bà tên Trần Thị Cẩn (ấp 3, xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh, TP.HCM),...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chuyen khong tuong

Một cuốn giáo án, chín người con

Chồng mất, đồng lương giáo viên thời khốn khó chẳng đủ đắp đổi qua ngày, lại không có ruộng vườn, bà tính chuyện đi gánh nước thuê kiếm thêm tiền nuôi con, nhưng vì biết xưa nay bà chưa từng gánh nước, đâu ai nỡ thuê. Nhìn quanh khắp nhà, bà nghĩ, mình bây giờ chỉ có một cuốn giáo án và một cây bút. Khi đó, đứa con lớn nhất nằm liệt giường vì chứng sốt bại liệt từ hồi chín tháng tuổi, tám người con còn lại, lớn nhất 16 tuổi, nhỏ nhất mới ba tuổi. Không kể học hành, riêng cái ăn của con cũng khiến bà trằn trọc mỗi đêm. Có đêm bà thức trắng vì tủi hờn, vì nhớ tới vẻ mặt buồn xo của đứa lớn và tiếng khóc đòi của đứa nhỏ khi nghe mẹ nói: “Hết cơm rồi con!”.

Bà kể, tới tận bây giờ, nhiều đêm bà vẫn còn nghe văng vẳng tiếng cạo nồi sột soạt, rồi thở phào khi biết những ngày đói khổ ấy đã qua. Hồi đó, các con lớn đến trường, ở nhà chỉ còn con gái đầu bại liệt và con út ba tuổi. Mỗi sáng, bà đóng cửa để hai chị em trong nhà mà tới trường đi dạy, trưa về cho con ăn, rồi chiều lại đến trường.

Bà Cẩn thật thà: “Hồi đó tui sợ đủ điều, nhưng sợ nhất vẫn là sợ chết”. Bà sợ nỗi buồn giết chết bà, để con dại bơ vơ. Chồng bà ngày đó là hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh. Vợ là giáo viên, chồng là hiệu trưởng, đỡ đần nhau. Mất chồng, con cái trở thành lẽ duy nhất níu giữ bà với cuộc sống. Bà nhận ra mình không được lựa chọn, mà buộc phải sống, dù sống trong nước mắt. Bạn bè khuyên không được, chuyển sang dọa khóc hoài sẽ mù mắt. Mỗi chiều, bà nhìn cái bậc cửa khi xưa bà hay ngồi chờ chồng mà lòng dạ xót xa. Mấy cây đinh ngày xưa chồng hay mắc quần áo, thắt lưng, giờ không ai mắc nữa. Mỗi lần nhìn thấy sự trống trải đó, bà không chịu được, bèn nhổ cây đinh, vứt đi. Tới tận bây giờ, cái vết tròn của cây đinh đó vẫn còn sâu hoắm trên vách...

Chuyen khong tuong

Công việc hàng ngày bây giờ của bà Cẩn là chăm sóc cho đứa con tật nguyền và vui thú vườn tược

Tin vào tương lai

Hồi chồng mới mất, hàng xóm, họ hàng nhìn đàn con thơ đều ái ngại cho bà. Mỗi lần về nhà mẹ đẻ ở Cần Giuộc, nghe ông bà ngỏ lời muốn gửi vài đồng cho cháu, bà ngăn, vì “đã có bên nội sắp nhỏ lo”. Xuống Long An thăm quê chồng, mấy anh chị thương em dâu cũng nhiệt tình muốn giúp, bà lại gạt đi, bởi, “đã gửi tụi nhỏ cho ông bà ngoại nuôi hết”. Thật ra, hai bên nội ngoại cũng khó khăn. Mặt khác, bà nghĩ, đã xây dựng gia đình riêng thì phải tự mình chăm lo, bà không cho phép mình cậy nhờ vào ai, dù nhiều khi thấy con ngơ ngác nhìn mẹ lúc cơm hết nửa chừng, bà cũng đứt ruột.

Càng bị dồn đuổi, bà càng nghĩ cách kiếm tiền, rồi tính đường chi tiêu để có thể lo xa, lo gần. Số gạo nhận được mỗi tháng không đủ mười miệng ăn, mỗi ngày trước giờ vào lớp, bà nhận thêm văn phòng phẩm để bán cho học sinh và thầy cô trong trường. Bán xong, bà chia đồng vốn đồng lời ra để riêng, vốn thì để lấy hàng về hôm sau bán tiếp, còn lời thì đem đong gạo nấu cơm cho con. Tháng nào nhận gạo về bà đều chia làm 30 phần cho 30 ngày trong tháng. Vậy nên dù bữa cơm nào cũng hụt trước thiếu sau, nhưng mấy mẹ con không phải chịu cảnh chạy đi mượn gạo cuối tháng. Thấy bà ngày nào cũng đi sớm về muộn để dạy học, làm thêm, ai nấy đều thương cảm. Có động lực làm việc là nhờ bà tin vào tương lai, bà đã mặc sức mơ tưởng, hy vọng vào các con để nương vào những giấc mơ ấy mà vui sống.

Thấy thanh niên trong xóm đạp xe đi bán bong bóng, bà cũng ước con mình sau này có cái nghề như thế. Ước thế, bà lại đâm lo, bởi muốn bán bong bóng thì phải có chiếc xe đạp, mà hồi đó, chiếc xe đạp là cả gia tài, bà chẳng bao giờ mơ tới. Rồi bà đánh liều, mỗi khi để dư ra được chút tiền, bà lại đem đi mua cái sườn xe đạp cũ. Tiếp đó, bà lại mua thêm phụ tùng, để dành đó, định bụng chừng nào con cần dùng tới, bà sẽ nhờ người lắp ráp. Sáu cái sườn xe đạp treo hoài trên mái hiên sau nhà, chứng kiến con bà trở thành thợ cơ khí, giáo viên, kỹ sư, điều dưỡng, rồi anh con trai thứ tư là Võ An Định, làm phó hiệu trưởng Trường tiểu học Bình Chánh từ mồ hôi làm lụng không kể sớm trưa của bà. “Giấc mơ” về những đứa con trưởng thành đi bán bong bóng… bất thành, bà Cẩn vui vẻ hạ sáu cái sườn xe xuống, đem bán sắt vụn.

Nghỉ hưu, bà về nhà nhận nuôi dạy trẻ. Những đứa trẻ là con cháu của học trò bà khi xưa. Học trò ngày một đông. Năm 2002, bà xin được giấy phép, xây ngôi trường mẫu giáo nhỏ trong khuôn viên nhà. Trường có 80 học sinh với bốn cô giáo. Ba năm trước, bà giao trường lại cho con trai út là Võ Lập Chánh quản lý, chính thức lui về “nghỉ hưu”, toàn tâm chăm sóc cho đứa con gái lớn tàn tật và an hưởng tuổi già. Với bà, có được ngày hôm nay là điều không tưởng đối với bà trong suốt những ngày cơ cực ấy.

Giờ, mỗi khi có tiếng xe máy dừng đầu ngõ, bà lại lật đật chạy ra đón con cháu, rồi hồ hởi: “Vô ăn cơm nhen con!”. Đám con cháu trêu bà, “cứ tối ngày ăn cơm”. Có bữa, các con gật đầu… chịu ăn. Lúc ấy, bà Cẩn mới ngớ ra là mình đâu nấu phần con, cái nồi ăn xong đã rửa sạch trơn rồi. Mấy mẹ con lại cười vui vẻ. Bà Cẩn thừa nhận, biết là con không đói, mình lại không sẵn cơm, nhưng cứ thấy con là nhớ lại những ngày đói kém, rồi cứ muốn bù đắp hoài cho chúng, nên cứ… “tối ngày cơm cơm hoài” vậy.

MINH TRÂM

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI