Chiếc “xế hộp” sườn ngang

14/11/2014 - 07:20

PNO - PNO - “Chuyến xe cuộc đời” của tôi bắt đầu lúc tôi lên mười trên chiếc “xế hộp” sườn ngang. Con nít hồi đó không đủ đầy và sung sướng như bây giờ, nghĩa là không thể có được những chiếc xe đạp nhỏ lớn tùy theo độ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Hồi đó, thường nhà nào cũng có một chiếc mái cái thôi. Để dành cho người đàn ông trụ cột đi làm. Còn vợ và con thì đi bộ. Nhà nào sang giàu lắm mới sắm thêm chiếc mái đầm. Vậy nên con nít xóm tôi 12-15 tuổi vẫn không biết chạy xe là chuyện thường.

Nhà tôi có một chiếc xe nhưng mẹ bán bánh canh buổi sáng, ba làm thợ hồ cũng phải đi từ sớm. Bán bánh canh nghĩa là 5 giờ đã phải đi chợ rồi. Không thể lay gọi ba “nhờ” đi chợ vì còn phải để ba ngủ thêm chút nữa hầu lấy sức đi làm. Vậy là mấy mẹ con phải “tự xử”. Đứa em lên 8 ở nhà dọn tô, muỗng lên mâm, đứa chị lên 10 là tôi phải đi chợ để mua hành, ớt, bánh canh... là những thứ không thể mua từ chiều hôm trước. Mẹ ở nhà canh nồi nước lèo và đứa con vừa thôi bú. Từ nhà tôi đến chợ chừng 1km thôi, nhưng đi bộ thì xa lắm, đôi chân trẻ con ngắn tủn vừa ngái ngủ vừa sợ ma thì làm sao đi nhanh cho được? Vậy là tôi năn nỉ ba tập cho tôi chạy xe đạp. “Để khi ba còn ngủ, con lấy xe phóng vèo ra chợ là xong”.

Chiec “xe hop” suon ngang
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Ba tôi sau một ngày lao động mệt nhọc cũng cố gắng lọc ọc mồ hôi chạy theo tôi suốt những quảng đường quê cong queo nhiều hơn đường thẳng. Nào, xe sườn ngang nhé, trước tiên tay phải con ôm ngang sườn xe, tay trái vịn chặt cổ xe, chân phải lòn qua khung xe hình tam giác, chân trái đặt bên giò đạp còn lại. Một, hai, ba… vịn chặt cổ xe, giữ cho chân dừng rớt khỏi bàn đạp và đạp đi, đạp, đạp vòng tròn. Đừng lo xe ngã nhé, có ba vịn paga rồi! Một, hai , ba… ba tôi cứ lọc ọc chạy phía sau, miệng cứ nhắc đi nhắc lại bài giảng “Vịn chặt cổ xe, giữ cho chân dừng rớt khỏi bàn đạp và đạp đi, đạp, đạp vòng tròn. Đừng lo xe ngã…”. Tôi “hăng máu” đến nỗi khi đến những khúc cua cũng không thèm giảm vòng đạp. Kết quả là tung vào hàng rào kẽm gai và bị gai quào tứa máu đỏ cả cánh tay. Ừ thì máu chảy, nhưng có nhằm nhò gì đâu, ba tôi bảo “cây trầy chút vỏ” ấy mà. Hồi đó không quá lo sợ chuyện bị gai quào, kẽm quẹt là phải đi chích ngừa như bây giờ. Máu chảy ấy à, con cứ chạy cho hết vòng xe đi, về lấy chút nước muối rửa rồi xức dầu khuynh diệp là xong!

Sau một buổi tập xe, dáng gầy ba tôi hình như héo hắt thêm một chút bởi mồ hôi đổ quá nhiều. Còn tôi, hai bắp chân mõi nhừ như vừa bị một trận đòn thê thảm. Mẹ bồi dưỡng cho hai cha con bằng món ếch xào lá giang ăn với cơm gạo mới. Chà…nếu ai một lần nghe mùi gạo mới còn thơm nức mùi cám ấy ngấm trên đầu lưỡi với vị ngọt của thịt ếch, vị chua cay của ớt xiêm rừng và lá giang vườn nhà giòn rụm tươi xanh thì bảo đảm sau này sẽ không ăn thứ gì ngon bằng.

Không biết tôi thật sự là đứa trẻ sáng dạ như lời ba khen hay vì mồ hôi ba đổ nhiều quá nên con đường học vấn môn tập xe của tôi trơn tru mà không đầy 10 bữa tập tôi đã chạy xe rất ngon lành. Sau này nhà tôi mua được xe mái đầm. Các em tôi lớn lên tập xe không còn biết được cảm giác thú vị khi lòn chân vào khung xe, tay ôm khung xe như ôm báu vật, môi mím chặt tập trung ánh mắt cao độ vào đoạn đường trước mặt nữa. Rồi những đứa cháu tôi bây giờ mới mười mấy tháng tuổi đã có chiếc xe đạp bé ti tí hợp với sức mình. Chúng đã biết tập xe từ hồi còn bú sữa, lớn lên thì cứ mua xe theo từng độ tuổi là cứ chạy, không cần tập nữa.

Riêng tôi, hình ảnh mím môi, khuỳnh tay, lòn chân vào khung “xế hộp” sườn ngang trên chuyến xe đầu đời với dáng ba gầy còm lọc ọc chạy phía sau sẽ mãi mãi là ký ức tuổi thơ đẹp vĩnh hằng.

THÙY PHƯƠNG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI