Chiếc roi mây

16/04/2014 - 17:17

PNO - PN - 30 tuổi. Trở về nhà sau nhiều năm đi xa, hình ảnh chiếc roi mây treo trong phòng khách luôn gợi cho tôi những hồi ức đầy nước mắt thuở còn trẻ dại.

edf40wrjww2tblPage:Content

Hòa bình, rời quân ngũ, ba tôi về nhà học sửa máy và yên ổn chấp nhận cuộc sống cựu chiến binh. Có lẽ ký ức khốc liệt của thời chiến ám ảnh ông nên nhiều đêm tôi nghe ông gào rú trong giấc ngủ. Những tiếng thét thất thanh của ông giữa khuya luôn làm chị em tôi hoảng sợ. Khi đó mẹ ôm chúng tôi vào lòng, hát cho tôi nghe để át tiếng gầm thét vọng lại từ phòng của ba.

Chiec roi may

Ba gia trưởng, độc đoán và rất thích dùng đòn roi. Một đứa con gái 12 tuổi ôm thằng em út chưa đầy sáu tuổi trong lòng không dám khóc thành tiếng mỗi khi bị ba cho ăn đòn là ký ức đau đớn tôi không thể giũ bỏ. Ba đánh chẳng cần lý do, không vừa ý là mang roi ra vung tới tấp. Nhớ có lần bà nội mua bong bóng cho đứa em họ nhưng thiếu phần, tôi chẳng dám mè nheo, chỉ muốn mượn để xem thử. Ba ở trên gác nghe tiếng, xách roi chạy xuống vút vào mông, vào tay, vào bất cứ chỗ nào có thể đánh. Ba dùng hết sức bình sinh để vung roi. Mỗi trận mưa roi làm thân thể tôi bật máu. Chưa kịp biết mình bị đánh vì lỗi gì, trong đầu tôi hiện lên suy nghĩ “cần phải trốn”. Nhưng chạy đi đâu, chỉ biết co mình lại chui xuống gầm tủ cuộn tròn như một con chó con sợ hãi trước sự hung hãn của kẻ lạ. Mẹ cam chịu trước những trận đòn khủng khiếp đó, chỉ biết ôm chúng tôi, xoa vết thương. Bởi nếu mẹ lấy thân mình che chở, cả chúng tôi và mẹ cũng sẽ phải chịu đựng cơn giận ấy.

18 tuổi, tôi rời khỏi nhà. Nhìn chiếc roi mây bị sạm đen lại vì vết máu của trận đòn ngày cũ, lòng tôi cũng rướm máu. Hôm đó mẹ ôm tôi vào lòng, rơi nước mắt nhưng cuối cùng vẫn bào chữa cho ba. Mẹ bảo ông bị ám ảnh bởi chiến tranh, nỗi buồn mất đồng chí, nỗi sợ hãi trước những làn đạn lạc, sự kinh hoàng khi chứng kiến một người vài giây trước còn đứng ngay trước mặt mình, quay đi đã ngã xuống trong vũng máu… Ông đánh chúng tôi như một cách giải tỏa nỗi sợ hãi và để minh chứng rằng ông vẫn còn sống… Dẫu không chấp nhận được những lý giải của mẹ, nhưng tôi cũng không còn tha thiết để oán hờn ông.

Sau khi tôi đi thì thằng Út cũng đi học xa nhà. Mẹ bảo ở nhà quạnh quẽ hai người già với nhau, cũng không còn đứa nào để ba đánh mỗi ngày, hình như ông mất đi sức sống. Nhiều đêm, mẹ thấy ông ngồi chong đèn nhìn chiếc roi mây rồi quẹt nước mắt. Một buổi sáng, chiếc roi mây được treo lên hai chiếc móc ở phòng khách, như người ta triển lãm một bức tranh cổ...

Tôi đứng tần ngần bên giường bệnh, nhìn bàn tay người đàn ông từng vút roi trên thân thể của mình, nhìn lại những vết tích ngày cũ còn in hằn như một ám ảnh của sự kinh hoàng, tôi thấy cổ họng mình đắng nghét. Những lời cuối cùng ông nói cũng lại là về chiếc roi mây. Ông bảo nỗi sợ hãi chiến tranh đã không thể mạnh bằng nỗi ân hận khi dùng chiếc roi đó trút lên thân thể con cái và đẩy chúng ra khỏi nhà từ sau trận đòn cuối. Chiếc roi mây treo nơi góc nhà sẽ là nỗi đau đến cuối đời của ông… và cũng là của chúng tôi.

 DIỆU HẠNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI