Chị Mực

01/06/2014 - 17:10

PNO - PNCN - Đường vào nhà chị bốn bề tre phủ. bầy chó trong ngõ sâu hễ nghe tiếng chân người là sủa vang trời. Tôi dè dặt bước vào. Căn nhà tình thương lọt thỏm giữa một mảnh đất rộng, cây cối um tùm, gió từ con sông phía sau lùa...

edf40wrjww2tblPage:Content

Chi Muc

Chị Mực đỡ đần việc nhà cho người cô già yếu

 “Tên Thu nghe sang trọng quá!”

Nghe tôi hỏi, chị ngượng ngùng, nhắc: “Cứ kêu mình là Mực, tên Thu nghe sang trọng quá!”. Cả thôn Câu Lâu Tây, xã Duy Phước, Duy Xuyên, Quảng Nam, ít ai biết tên chị. Để chắc chắn chị Thu tôi đang tìm chính là “chị Mực nhà ở mé sông”; người đi tìm, kẻ chỉ dẫn phải điểm lại từng nỗi bất hạnh của người phụ nữ này mới nhận ra đúng người.

47 năm trước, thân hình co quắp và kết luận dị tật bẩm sinh của đứa con gái vừa lọt lòng đã khiến mẹ chị dứt bỏ mái nhà nghèo xác xơ và người chồng vũ phu để ra đi. Tình cha con cũng dần phai lạt khi ba chị đi bước nữa, lần lượt có thêm năm người con. Mực phải sang ở với cô trong ngôi nhà sát bên, mất dần những quan tâm, thăm hỏi của cha. Nhắc lại chuyện bị cha ruồng bỏ, chị nói nhẹ: “Chắc tại quá nghèo thôi!”, rồi lảng sang chuyện khác.

Chưa kịp lấy chồng đã phải ôm đứa cháu tật nguyền, cô chị - bà Huỳnh Thị Dần nay đã 77 tuổi, chua chát: “Mười tuổi nó vẫn chưa biết đi, chỉ lết khắp nhà, vậy mà trời bắt nó tỉnh táo, không ngơ ngẩn như người ta cho đỡ khổ”. Ngày cha bồng sang gửi cho cô Tám, Mực không nói, cứ lặng lẽ, ủ dột. Sợ cháu mất luôn tiếng nói, bà Dần bày đủ cách buộc cháu lên tiếng, nhưng Mực làm ngơ, lết ra cửa ngóng qua nhà cha, nước mắt lưng tròng. Hàng xóm mỗi lần sang chơi lại cám cảnh nhắc chuyện xa cha, lạc mẹ, chuyện tương lai mờ mịt của đứa trẻ tật nguyền. Bà Dần ngồi bên, lòng như lửa đốt vì biết đứa cháu ngơ ngác ngồi kia đang nuốt từng lời đau xót ấy.

Lần thứ hai Mực rơi vào im lặng là khi bác sĩ kết luận chị mắc bệnh sỏi thận, phải mổ. Lúc đó, Mực 20 tuổi, đã biết chống nạng đi lại quanh nhà. Bà Dần chỉ đi làm thuê, cuộc sống của hai cô cháu dựa vào tiền công ít ỏi, thất thường của bà nên quanh năm thiếu hụt. Mặc cho cô Tám chạy vạy khắp nơi tính chuyện phẫu thuật cho mình, Mực cương quyết không chịu nhập viện, lặng lẽ chống nạng làm hết việc nhà như người khỏe mạnh. Một lần cố sức với tay lấy chiếc khăn phơi trên sào, Mực đánh rơi cây nạng, ngã sõng soài. Ôm đứa cháu đang nằm dưới nền đất, nghe cháu khóc tức tưởi thành tiếng, bà Dần mừng run người sau thời gian dài không được nghe tiếng người trong nhà.

Theo chỉ dẫn của người quen, Mực kiên nhẫn uống nước lá cho đến khi cơn đau thận thưa dần. Hai năm sau, chị bất ngờ phải mổ u nang buồng trứng, rồi phát hiện hai căn bệnh mãn tính là rối loạn tiền đình và thấp khớp. Biết phải uống thuốc suốt đời, Mực thấy mình chẳng còn lý do để sống. “Hồi đó, càng thương cô, mình càng muốn cái chết đến thật nhanh để cô đỡ khổ”, Mực tâm sự. Bà Dần nhớ lại, đợt đó là mùa mưa, nhà hai cô cháu ở ngay rốn lũ. Nước lớn, bà xếp chồng mấy cái ghế, bế cháu ngồi lên, mình thì ngâm dưới nước. “Hai ngày hai đêm dưới nước, hễ nghĩ đến cảnh nó dại dột buông xuôi, thả mình xuống nước, tôi lại toát mồ hôi”. Nước rút, bà Dần vội vã trở lại chỗ làm, không quên chỉ cái ngưỡng cửa, dặn: “Chiều tối con phải ra đây ngồi để cô về tới ngõ là nhìn thấy con liền, nghe chưa?”. Mực ngoan ngoãn gật đầu. Câu nói tưởng chỉ để khích lệ tinh thần, mà trăm phần chân thật, bởi đứa cháu là nguồn vui duy nhất của người phụ nữ đã từ bỏ giấc mơ lập gia đình.

Chi Muc

Chị vui với nghề chằm nón

“May mà có cái nghề”

Chị “triết lý”: “Mình không sợ đói, chỉ sợ buồn. Sống mà buồn thì sống làm chi?”. Nỗi buồn cha mẹ bỏ rơi, anh em xa lánh từng “dọa” chị… suýt chết. Nhưng, cô Tám đã cứu chị. Khoảng năm chín mấy, khi những người cùng lứa lần lượt ra ngoài kiếm tiền, rồi lấy chồng, chị giật mình nhìn lại mình, vẫn cứ như một đứa trẻ. Không chấp nhận mình “không có tương lai”, chị nằng nặc đòi đi học nghề chằm nón. Bà Dần nhờ người về kèm cặp, chỉ mong cháu khuây khỏa. Thế nên, khi Mực chằm được cái nón đầu tiên, bà không dám tin vào mắt mình. Thấy cô vui mừng, Mực hăng hái làm đêm làm ngày, cứ một ngày rưỡi thì xong một chiếc nón. Những khách hàng đến với Mực vì tình thương dần trở thành “bạn hàng” của chị vì hài lòng với những chiếc nón vừa đẹp, vừa chắc. Chị Nguyễn Thị Lài, một hàng xóm - cũng là khách hàng của Mực, chia sẻ: “Gặp lúc Mực ốm đau, phải đợi thật lâu mới lấy được nón nhưng tôi vẫn đặt, vì đã quen dùng những chiếc nón được làm khéo léo, kỹ lưỡng của chị.”. Phần vì bận làm việc, phần vì khách mua nón mỗi lần ghé qua đặt hàng đều nán lại một chặp để chuyện trò, Mực không còn thời gian để… buồn nữa.

Cứ hai, ba ngày lại bán được một chiếc nón, hai lần bà Dần mổ mắt, rồi mổ bướu, hai cô cháu cũng không đến nỗi quá túng quẫn. Nhưng với bà Dần, niềm vui lúc cầm trên tay đồng tiền do Mực làm ra chẳng thể sánh bằng niềm hạnh phúc lúc cháu chập chững đi được những bước đầu tiên. Đến tận mười mấy tuổi, dù lết rất nhanh, nhưng mỗi lần đứng dậy là một lần đau đớn nên Mực không chịu tập đi. Một lần, thấy cháu nằm vật ra khóc vì bị bạn trêu tàn phế, bà Dần quyết định dẹp bỏ nỗi tuyệt vọng đã “găm” vào đầu từ khi nghe bác sĩ kết luận “chuyện đi lại được rất hy hữu”. Mỗi tối, bà đỡ cháu đứng dậy, bắt vịn vào vách, đứng một lúc lâu. Mực liên tục bỏ cuộc, nằm toài xuống nền nhà. Bà Dần bẻ cành me, cầm lăm lăm trên tay, hễ Mực định ngồi xuống là bà quất tới tấp vào chân. Mực khóc váng lên nhưng mỗi lần ngã xuống lại sợ roi nên vội vã vịn vách đứng dậy. Lúc Mực đi được ba bước đầu tiên, bà Dần vứt cây roi, ôm chầm lấy cháu, khóc.

Chi Muc

Đằng sau cánh cổng tre, ngôi nhà của chị Mực như một ốc đảo

Trời khéo xếp đặt. Lúc Mực tập quét nhà, rửa chén thì cũng là lúc bà Dần già yếu, đau ốm liên miên. Nay mắt chị Mực cũng đã kém dần, bệnh khớp trở nặng, không ngồi được lâu, cả tuần chị mới làm xong một chiếc nón. Với 20.000đ tiền lá và công sức bà Dần lội bộ năm cây số đi mua nguyên liệu, số tiền 60.000đ mỗi chiếc nón bán ra chẳng thấm vào đâu. Có những hôm, bà Dần gánh năm trái bầu đến chợ cách nhà bốn cây số, bán được 10.000đ. Bà nói, 10.000đ chẳng bõ công, nhưng tiếc năm trái bầu nên ráng đi. Kiếm sống bằng những cách như thế, mỗi bữa chỉ cần nắm gạo và khúc bầu là đã có một mâm cơm, hai cô cháu chị Mực “không sợ đói”. Nỗi buồn cũng không còn làm chị sợ, vì đã bị nỗi lo cô Tám sẽ mất đi, lo mình sẽ liệt toàn thân lấn át. Nỗi lo ấy thúc đẩy chị phải lạc quan, phải quý trọng từng ngày được sống.

Dù biết con đường phía trước chẳng còn dài, nhưng nghe hội người khuyết tật của huyện mở lớp dạy làm tăm tre, làm nhang, chị cũng háo hức muốn tham dự. Chị chỉ vào góc nhà, nơi có chiếc xe lăn mới được một hội từ thiện tặng, nói: “Xe đó chắc đi sướng lắm!”. Nhưng, dù có xe, chị cũng không cách nào vượt qua được đoạn đường đất um tùm cây cỏ trước nhà để ra đường bê tông, lên tới hội khuyết tật.

***

Lại có người hàng xóm sang đặt chị làm nón. Chị nói không sai, có cái nghề, dẫu chưa giúp được chị ấm no nhưng đã cứu chị khỏi bao buồn tủi, cô độc.

Minh Trâm

Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI