Cha mẹ hà khắc, con có ngoan không?

04/09/2016 - 06:30

PNO - Sự nghiêm khắc đối với con là cần thiết nhưng nhiều phụ huynh đã đẩy sự nghiêm khắc lên ở mức quá cao, khiến cho mối quan hệ cha con, mẹ con lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí đối đầu.

Sự nghiêm khắc đối với con là cần thiết nhưng nhiều phụ huynh đã đẩy sự nghiêm khắc lên ở mức quá cao, khiến cho mối quan hệ cha con, mẹ con lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí đối đầu. Đứa con vì quá sợ cha mẹ nên đã tìm nhiều cách để đối phó. Sự đối phó hiểu cách nào cũng là tiêu cực.

Hôm trước, tôi thấy trong chồng sách vở mà con tôi lôi từ cặp ra có một cuốn vở lạ, tôi hỏi: “Bạn để quên tập trong lớp rồi con cầm về à?”. Con trai tôi ngập ngừng một lúc rồi nói: “Không mẹ à, của bạn con gửi. Bạn con tên là Q. mẹ bạn ấy nghiêm lắm, cứ thấy bạn bị dưới điểm 8 là lôi bạn ấy ra xỉ vả, mắng nhiếc hàng tiếng đồng hồ. Có hôm còn đánh luôn…. Thế nên hôm nay bị 6 điểm môn văn, bạn ấy không dám đem tập về nhà, gửi con ít hôm”. “Rồi sau đó thì sao?” - tôi hỏi. Con trai tôi lắc đầu: “Con chưa biết. Cũng có thể bạn ấy xóa điểm hay xé tập đi”. Con trai tôi kể tiếp: “Giờ kiểm tra môn lý, bạn ấy không làm được bài nên sợ ăn đòn đành phải copy bài của bạn. Cô bắt gặp và la rầy, rồi mời phụ huynh. Không ngờ bạn ấy không dám đưa giấy mời cho mẹ mà thuê chị bán nước mía gần nhà đi họp phụ huynh”.

Cha me ha khac, con co ngoan khong?
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Một phụ huynh khác là H., bạn thời phổ thông của tôi kể: “Chồng tôi rất nghiêm khắc với con. Anh ấy “canh” từng lỗi nhỏ để phạt nhịn ăn hay đòn roi. Mỗi khi con có lỗi như ngủ dậy trễ, quên làm bài tập hay để quần áo sách vở không đúng nơi quy định thì anh bắt nó nhịn ăn tối, ngồi một mình trong phòng tối. Con trai tôi mới chín tuổi, tính tình thuộc dạng ẩu tả nên bị phạt nhiều lần. Rút kinh nghiệm, mỗi khi có lỗi, con tôi giấu bánh ngọt trong phòng ngủ và ăn lén. Chuyện phạt nhịn ăn thành “lờn      thuốc” và thằng bé giờ lại hay nói dối để giấu tội của mình. Chính tôi cũng không biết giải quyết sao những rắc rối như vậy. Hễ góp ý một chút, chồng tôi lại nói tôi bênh con và “con hư tại mẹ”.

 Một trường hợp khác mà phụ huynh đến xin tôi tư vấn. Chị xưng tên G., là giáo viên toán. Chị kể con gái mình bướng bỉnh, lì lợm, khó dạy, bảo gì cũng muốn làm ngược lại ý của cha mẹ. Hễ ra khỏi nhà, gặp bạn bè thì nó nói như sáo, nhưng về nhà là cháu đóng cửa ở trong phòng một mình, lên máy vi tính chát chít đủ mọi chuyện Đông Tây. Cuối cùng, khi tôi hỏi về cách dạy con, chị G. cho biết, anh chị là giáo viên và cùng nghiêm khắc với con, răn dạy con từng chút, cứ có lỗi là… nhốt trong phòng, cấm đi chơi, mạnh tay hơn nữa là dùng đòn roi. Tôi hỏi chị, có bao giờ chị chơi với con không, có gần gũi hay tâm sự gì với con không. Chị bảo: “Tôi và chồng quá bận việc trường lớp nên cháu phải tự thân vận động. Tôi cũng muốn giữ khoảng cách với con để con biết sợ cha mẹ mà vâng lời...”.

Một thầy hiệu trưởng một trường cấp II tại quận 9, TP.HCM có tâm sự với tôi: “Vừa qua hội đồng kỷ luật đã phải đình chỉ việc học của em T. - học sinh giỏi của trường một tuần vì em này đánh bạn gây thương tích. Vì một mâu thuẫn nhỏ trong sinh hoạt, em đã dùng com-pa đâm vào tay bạn, chảy máu rất nhiều. Tôi tìm hiểu thì biết mẹ em T. rất nghiêm khắc. Cha T. mất sớm, mẹ em vất vả nuôi ba con trai ăn học. Áp lực cơm áo gạo tiền, cộng thêm áp lực vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ của ba đứa con trai đang tuổi nghịch ngợm nên chị thường dạy dỗ con cái bằng roi vọt. Có hôm em đi học với đôi chân bầm tím vì bị mẹ đánh. Cô chủ nhiệm đôi lần gọi điện can thiệp nhưng mẹ T. không thay đổi chút nào. Hậu quả là em T. tuy học giỏi nhưng cộc cằn thô lỗ, lại hay dùng nắm đấm để “nói chuyện phải trái” với bạn bè.

Rõ ràng, nếu cha mẹ quá nghiêm khắc lại không gần gũi con mà chỉ áp dụng kỷ luật thép thì con cái sẽ rơi vào trạng thái hoặc tìm cách nói dối, chống đối ra mặt. Từ hai trạng thái đó dẫn đến hai hậu quả như sau:

Thứ nhất, con không còn trung thực, không thích sống trung thực, dần dần coi nhẹ chữ tín trong cuộc sống sau này. Từ đó con sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong các mối quan hệ xã hội.

Thứ hai, con cũng có thể lì lợm, bất cần, không coi trọng cuộc sống gia đình và sau này có nhiều khả năng khi lập gia đình cũng dễ lặp lại “bi kịch” con đã trải qua.

Thứ ba, đòn roi trong dạy dỗ con thường dẫn tới trường hợp: con sẽ sử dụng bạo lực với bạn bè hay những người xung quanh như lẽ thường tình, “người khác” mạnh hơn, quyền lực hơn đánh mình được thì mình cũng sẽ đánh ai đó yếu hơn mình được.

Thứ tư, cha mẹ quá nghiêm khắc thì con mất dần tự tin, con không là chính con nữa, con không thể tự quyết định được việc gì trong cuộc sống. Con luôn mặc cảm tự ti, con luôn lẩn tránh và không dám đối mặt với khó khăn. Nếu gặp áp lực công việc hay bất kể chướng ngại nào trong cuộc sống, con sẽ trở nên lo lắng thái quá, sẽ không giải quyết được vấn đề và dễ trầm cảm nặng nề.

Nghiêm khắc bao giờ cũng phải kèm theo yêu thương và lẽ phải. Nếu thiếu yêu thương, lẽ phải thì sự nghiêm khắc càng khiến con cái không ngoan và xa cách cha mẹ. Cha mẹ sẽ mất dần con theo thời gian, theo độ tuổi.

 Lê Thụy Bảo Nhi

Chị Thùy Trang (Quận 6. TP.HCM):

Con trai tôi ngoan, nhưng cũng không tránh được những đòi hỏi khiến ba mẹ “đuối”. Cụ thể là vừa rồi cháu đòi mua bộ lego thật to, cháu tự tìm trên mạng bằng điện thoại của mẹ và cương quyết xin mua bộ ấy mới chịu. Tôi đã toan đồng ý, nhưng chồng tôi thì không. Anh ấy nói để anh nói chuyện với con. Chiều Chủ nhật, hai bố con chở nhau đi, mắt cháu sáng rỡ vì tưởng được đi mua lego. Chút xíu con quay về, tôi thấy con ôm chiếc ô tô có điều khiển nhỏ xíu, mặt vẫn rất vui. Chồng tôi nói “anh dùng phương pháp thay thế”. Tôi hiểu, nghiêm khắc quá với con, cũng không phải là điều tốt nhất.

Cha me ha khac, con co ngoan khong?
Chị Trang và con trai

Tôi thường thấy con trẻ chia thành hai trường phái rõ nét: ngoan và bướng bỉnh. Nên nếu ba mẹ quá nghiêm khắc với con, với bé ngoan sẽ luôn tỏ ra sợ sệt, mất tự tin, không dám tự quyết vấn đề gì vì sợ sai. Nếu bé bướng bỉnh sẽ bất hợp tác và chống đối bằng mọi cách, dần dần hình thành nên tính cách không hay ở trẻ.

Với con trai, tôi luôn tìm cách dung hòa. Không dễ dàng chiều chuộng nhưng cũng không quá nghiêm khắc. Làm mẹ, ai cũng muốn con có mọi thứ, nhưng đôi khi có những việc ngoài tầm của mình. Vì vậy, tôi luôn cố gắng hài hòa trong việc dạy con.

Anh Giao Vinh (Quận Bình Tân. TP.HCM):

Con trai tôi có lần đòi mua hộp kẹo trong trung tâm thương mại, vợ tôi nhất định không cho, vì sợ con hư răng. Thằng nhỏ khóc đòi, rồi lăn quay ra giữa sàn vật vã, lăn lộn, khiến chúng tôi rất bực. Sau đó, con đứng lì trước cửa hàng kẹo, không chịu đi. Vợ tôi hết kiên nhẫn nên chuẩn bị đánh con. Tôi lập tức xuống nước, nói nhỏ với cháu: “Ba sẽ mua kẹo cho con ở cửa hàng khác, đi với ba”. Trên đường đi, tôi nói: “Ba sẽ mua một cái kẹo thôi nhé, ăn cho biết”. Cậu bé đồng ý, dù vẫn còn ấm ức.

Cha me ha khac, con co ngoan khong?
Anh Vinh và hai con

Theo tôi, nếu cha mẹ nghiêm khắc quá mức sẽ tạo hố sâu khoảng cách, con mất phương hướng và tự ti. Trẻ nhỏ có khuynh hướng theo người nào hiểu rõ và hay chia sẻ tâm tình với trẻ. Tôi quan sát thấy quanh mình, người có quyền lực và giàu có thường nghiêm khắc với con, nhưng trong gia đình nào cũng vậy, mộ t trong hai ngườ i, mẹ hoặ c bố thườ ng phải là người dung hòa.

 Biết bao câu chuyện xảy ra khi ba mẹ cùng nghiêm khắc với con, vì ai cũng sợ con mình hư. Nhưng tôi nghĩ, cha và mẹ chỉ một người nghiêm khắc thôi. Chẳng hạn như con đòi một món gì đó, mẹ cương quyết không cho, nhưng ba có thể giải tỏa sự căng thẳng này bằng cách “đền bù” một thứ gì đó, kẻo con cả m thấ y thiếu thốn quá, lại sinh ra tật xấu…

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI