Cần sớm điều trị ngắn thắng lưỡi cho trẻ

23/08/2016 - 11:08

PNO - Ngắn thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh ở trẻ, gây ảnh hưởng nhiều đến trẻ khi nuốt và phát âm.

Nếu phát hiện và điều trị sớm ở giai đoạn từ ba đến sáu tháng tuổi, trẻ có thể hồi phục hoàn toàn; ngược lại, nếu chậm điều trị thì dù được phẫu thuật, bệnh nhi vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi luyện tập âm ngữ trị liệu, bởi lúc này, việc nói ngọng đã thành thói quen.

Khó khăn khi nuốt và phát âm

Theo BS Nguyễn Văn Đẩu, Trưởng khoa Răng-Hàm-Mặt, BV Nhi Đồng 1, thắng lưỡi là bộ phận nằm dưới lưỡi, có chức năng định hướng, điều chỉnh sự di động của lưỡi trong quá trình nuốt và phát âm. Ngắn thắng lưỡi là một dị tật bẩm sinh mang yếu tố di truyền khiến trẻ nuốt khó, gặp trắc trở khi phát âm, gây ngọng nghịu.

Không ít trẻ bị dị tật ngắn thắng lưỡi, nhưng không phải cha mẹ nào cũng phát hiện sớm để đưa con đi khám kịp thời. Mỗi ngày, khoa Răng-Hàm-Mặt của Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 (TP.HCM) khám cho khoảng 150 trẻ thì có tới hơn 20 trường hợp bị ngắn thắng lưỡi. Đa số bệnh nhi được phát hiện dị tật trên khi đã biết nói, thậm chí có trẻ tận 12 tuổi mới đi khám.

Can som dieu tri ngan thang luoi cho tre
Ảnh mang tính minh họa: Internet

Ngày 11/8, bé Nguyễn Hải Minh, năm tuổi, ngụ tại Q.Phú Nhuận, TP.HCM được bố đưa đến BV Nhi Đồng 1 khám. Bố bệnh nhi kể: “Năm tuổi rồi mà bé vẫn ngọng líu ngọng lo. Thậm chí, tôi là bố mà nhiều lúc còn chả nghe rõ cháu nói gì. Lúc cháu lên ba, nghĩ trẻ con ngọng là chuyện thường nên gia đình cũng chủ quan. Năm tới, bé vào lớp 1 rồi mà vẫn ngọng quá, nên tôi phải tranh thủ đưa con đi khám”.

Sau khi kiểm tra, bác sĩ (BS) Nguyễn Minh Hằng, Phó khoa Răng-Hàm-Mặt, BV Nhi Đồng 1 kết luận bé Minh bị ngắn thắng lưỡi nặng, đầu lưỡi chẻ ra như hình trái tim. Nếu gia đình đưa bé đi khám từ lúc vài tháng tuổi thì khả năng phục hồi gần như tuyệt đối. Nay bệnh nhi được phẫu thuật nhưng BS xác định đã chậm trễ, chỉ cải thiện bớt tình trạng ngọng bởi lưỡi đã cứng và việc nói ngọng được hình thành lâu ngà y thành thói quen.

Nên điều trị ngay khi ba - sáu tháng tuổi

Bệnh lý ngắn thắng lưỡi được chia ra làm bốn mức độ. Chiều dài trung bình của thắng lưỡi là 15mm. Nếu thắng lưỡi có chiều dài từ 12-14mm là ngắn độ 1, từ 10-12mm là ngắn độ 2, từ 8-10mm là ngắn độ 3 và dưới 8mm là ngắn độ 4. Căn cứ vào từng mức độ của bệnh, BS sẽ có các phác đồ điều trị phù hợp.

Những trẻ bị ngắn thắng lưỡi độ 1-2 được hướng dẫn vận động lưỡi để làm thắng lưỡi dãn ra. Sau một tháng, bệnh nhi tái khám, nếu thắng lưỡi đã đạt độ dài thì không cần phẫu thuật. Với trẻ bị ngắn thắng lưỡi độ 3-4, phải phẫu thuật cắt thắng lưỡi; BS sẽ dùng dao điện cắt một đường ngang ở thắng lưỡi, khi bé cong lưỡi lên để nuốt và phát âm, đường cắt mở ra hình chữ V giúp thắng lưỡi dài thêm ra.

Theo BS Đẩu, phẫu thuật thắng lưỡi cho trẻ không hề đơn giản, cần được thực hiện ở các BV có chuyên khoa, bởi trẻ nhỏ khó hợp tác khi điều trị; hơn nữa, việc phẫu thuật diễn ra trong khoang miệng, không gian thao tác nhỏ hẹp. Đặc biệt, lúc mổ, bệnh nhi được gây tê vùng thắng lưỡi, thuốc tê tạm thời làm mất luôn cảm giác ở đầu lưỡi của bệnh nhi nên sau ca mổ, nhiều bé tự cắn dập đầu lưỡi của mình. Do vậy, thời gian phẫu thuật cắt thắng lưỡi chỉ khoảng 10 phút nhưng việc theo dõi trẻ sau phẫu thuật lại đòi hỏi thời gian và kinh nghiệm cao của BS.

Thời điểm cắt thắng lưỡi cho trẻ tốt nhất ở giai đoạn bé từ ba tháng - sáu tháng tuổi. Ngay khi trẻ sinh ra, phụ huynh có thể nhận ra con bị dị tật ngắn thắng lưỡi qua các dấu hiệu như sau: lúc bé le lưỡi ra, thay vì đầu lưỡi thuôn nhọn thì lại phẳng ngang, hoặc thắt lõm lại như hình trái tim (lưỡi chẻ ). Ngoài ra, đây là bệnh có yếu tố di truyền, nên nếu gia đình có người từng bị ngắn thắng lưỡi thì khi bé sinh ra, cần đưa bé đi khám, tầm soát bệnh.

Trâm Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI