Bữa cơm nhà 'đền cho lãng quên'

29/06/2015 - 06:09

PNO - PN - “Tôi nhận ra điều đó khá muộn, nên đã bỏ mất một giai đoạn, để đền lại bằng những cơn đau”. Đó là cách nhạc sĩ Sa Huỳnh nhắc đến sự muộn màng khiến chị day dứt mãi - nỗi muộn màng trong nhận thức về giá trị của bữa cơm nhà.

edf40wrjww2tblPage:Content

Năm 19 tuổi, khi viết ca khúc Về ăn cơm, Sa Huỳnh vẫn như một cô bé, nhí nhảnh, vô tư. Ba chữ “về ăn cơm” khi đó là tiếng gọi quen thuộc, “ám ảnh”, từ người mẹ, người bà; còn Sa Huỳnh vào vai đứa trẻ, hồn nhiên đánh đu với các thú vui bên ngoài: thả diều, bắt cua đồng, trốn tìm...

Chị kể, năm 21 tuổi, chị lấy chồng - nhạc sĩ Duy Hùng, bữa cơm gia đình vẫn được xếp sau những cuộc vui bên ngoài, những bữa ăn vội vàng cho kịp giờ nghỉ khi chị mải lao đi kiếm sống. Trong tất cả những cuộc gọi thăm hỏi, chuyện trò, câu nói được lặp lại nhiều nhất của ba mẹ hai bên luôn là “Cố gắng nấu cơm nhà mà ăn, con nhé!”. Mỗi lần như thế, chị “dạ, dạ”, rồi lại để cuộc sống bận bịu cuốn đi.

26 tuổi, sinh con được một thời gian, khi vẫn đang trong guồng quay gấp gáp của tuổi trẻ, Sa Huỳnh bất ngờ mắc bệnh viêm da cơ địa. Ba tháng trời nằm ở nhà dưỡng thương với làn da mắc bệnh, “vừa xấu vừa đau”; người phụ nữ trong chị giật mình. “Đã sợ căn bệnh trong người mình, tôi càng sợ hãi hơn khi nghĩ đến anh và con”, Sa Huỳnh nói. Chị sợ, bởi chị tin rằng, độc tố từ những bữa cơm hàng cháo chợ đang hoành hành trong chị, mà chị chưa làm được gì để bảo vệ chồng con. Trong nỗi trông mong chóng hết bệnh thường tình, chị bắt đầu sốt ruột, mong được khỏe mạnh để nấu những bữa cơm.

Bua com nha 'den cho lang quen'

“Trùng hợp là giai đoạn ấy, vợ chồng tôi vừa ra riêng, có một cái bếp riêng, bé Mun thì vừa đủ lớn để có thể ngồi chung với ba mẹ, tự xúc ăn”, chị nói, “và thực sự là nấu một bữa cơm không khó”. Như một sự vỡ lẽ, Sa Huỳnh biến bữa cơm tối thành một cam kết với bản thân, và thành một điểm hẹn vợ chồng.

Nhà chị ở Q.7, mỗi lần đi làm về, ghé Q.5 đón con từ nhà bà ngoại, về đến nhà riêng đã tối, nhưng chỉ 20 phút chuẩn bị, bữa cơm gia đình vẫn được đều đặn duy trì. “Cả anh Hùng và tôi đều thích ăn rau, nên bữa cơm lúc nào cũng có một nồi canh rau thật to, kèm với một món mặn bất kỳ. Vậy là đủ”. Không thuộc tuýp phụ nữ thuần thục nữ công gia chánh, nhiều khi vào bếp, Sa Huỳnh phải vừa nấu vừa ôm... bác Google, nấu được một công đoạn lại... liếc công thức.

Nhiều món ăn phức tạp, chị phải huy động cả chồng vào bếp, phụ lặt rau, gọt củ quả, và... đối chiếu công thức. Cưới nhau đã bảy năm, nhưng cả Sa Huỳnh lẫn Duy Hùng vẫn còn phải “học”, từng chút một, để tổ chức từng bữa ăn chung. Chị kể, giờ giấc có khi lại là yếu tố khiến bữa ăn gia đình trở nên khắt khe, không thỏa hiệp với bất kỳ sự hậu đậu nào.

Gia đình chị thường ăn chung vào khoảng 9g30 tối, nhưng có hôm, mải làm thức ăn, xong xuôi mọi thứ, chị mới phát hiện mình... chưa nấu cơm. Thế là cả nhà lại phải... chờ lại từ đầu. Sau lần đó, Duy Hùng xung phong đảm nhiệm phần nấu cơm, gọt rau củ, “bếp chính” Sa Huỳnh chỉ việc thực hành mấy thao tác cần sự thuần thục, tinh tế. Thường, nấu xong một món mới, trang trí cho thật đẹp, sẽ đến tiết mục... tranh nhau chụp hình, đăng lên facebook.

Trong điện thoại của Sa Huỳnh có cả một album ảnh Cơm nhà. “Tôi định sẽ tập hợp lại hết, in ra, rồi treo lên tường nhà”. Dự định này nghe chừng rất trẻ con, nhưng nhìn cách chị mở từng tấm hình trong điện thoại ra khoe, thuyết minh về hoàn cảnh ra đời của từng món, mới hiểu sự trân trọng từng bữa cơm, cùng tình yêu ẩm thực trong cô vợ - nhạc sĩ trẻ này.

Sa Huỳnh cho rằng, giữ được không khí đầm ấm của bữa ăn qua từng ngày, cũng cần sự may mắn. Đó là người chồng rất hiểu và trân trọng từng giờ cơm, từng món ăn vợ nấu. Vì thế, với chị, bữa cơm nhà là một báu vật, chị chỉ làm ra, chăm chút nó khi có động lực từ cả vợ và chồng.

Nếu người vợ thiếu may mắn, gặp người chồng thờ ơ, vô cảm, bữa cơm gia đình dễ trở thành cái cớ của bao nhiêu mâu thuẫn, tai họa hôn nhân. Chị nói: “Tôi sẵn sàng nấu nướng, sẵn sàng chờ đợi nếu anh cũng đang muốn ăn cùng vợ, còn nếu chồng quá bận bịu, thì hai đứa sẽ tạm thời ăn riêng. Bữa cơm nhà là một cơ hội gắn kết, nhưng người ta dễ biến bữa ăn thành một sự ràng buộc, tôi không thích thế”.

“Trong Giường gai, một bài hát trong album sắp ra mắt của tôi có câu: “một, hai nỗi đau đền cho lãng quên”, là tôi nhắc về ba tháng trời đau đớn vì căn bệnh, vì đã lãng quên một góc đẹp đẽ của văn hóa gia đình, đó là bữa cơm chung”, Sa Huỳnh nói. Bữa cơm nhà vẫn đều đặn bày ra mỗi ngày, còn là cách chị “đền” cho bé Mun hình ảnh quây quần quý giá, vốn rất thường tình đối với mọi đứa trẻ trong thời của chị.

 MINH TRÂM

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI