Bí mật thời thơ ấu

10/03/2015 - 06:59

PNO - PN - Từ khi ly hôn, mẹ luôn tìm mọi cách xỉ vả, nói xấu cha trước mặt tôi. Không muốn mẹ phật ý, buồn lòng nên tôi chỉ biết âm thầm cất giấu trong lòng tình thương dành cho cha.

edf40wrjww2tblPage:Content

Tôi nghe mẹ kể, khi tôi chưa tròn một tuổi, cha đã có người phụ nữ khác. Kể từ đó, mẹ oán hận cha. Mỗi khi công việc không suôn sẻ hay buồn bực chuyện gì, mẹ đều đem cha ra chì chiết. Dù nhà cha chỉ cách nhà mẹ con tôi hơn năm cây số nhưng mẹ cấm tiệt, không cho tôi sang thăm cha.

Tôi nhớ một chiều mưa lất phất, tôi đứng trước cổng trường chờ mãi mà không thấy mẹ đón. Tủi thân, tôi vừa đi về, vừa khóc rấm rứt. Lúc này một người đàn ông mặc chiếc áo mưa rộng thùng thình đạp xe lại gần, ông đưa tay vẫy tôi. Nhìn thật kỹ, tôi reo lên khi biết người đàn ông đó là cha. Tôi ngồi sau xe đạp, ôm lấy lưng cha thật chặt. Cha chở tôi về nhà, lấy khăn lau mình và thay bộ quần áo mới cho tôi. Tôi ngạc nhiên khi thấy trong tủ đồ của cha có nhiều quần áo mới.

Cha bảo mua để dành cho tôi. Cha sợ mẹ nên không dám đưa sang. Biết tôi thích ăn món bánh canh cua, cha chở tôi đến quán bà Năm. Hôm ấy, tôi đã ăn hết hai tô bánh canh, cha còn mua thêm cho tôi một bịch chè đem về và không quên giúi cho tôi vài đồng tiền lẻ. Về nhà, mẹ hỏi tôi tiền ở đâu mà có, tôi sợ sệt, miệng chỉ lắp bắp được hai tiếng: “Bạn cho…”. Cũng may hôm ấy mẹ đã không tra hỏi nên chuyện tôi gặp cha đã không bại lộ.

Bi mat thoi tho au

Một lần khác lớp được nghỉ học, tôi một mình đi bộ đến nhà cha. Dò hỏi hàng xóm, họ chỉ tôi sang lò sấy bắp bên cạnh. Tôi đứng ngoài cổng, mắt dáo dác tìm. Một người đàn ông đánh trần, toàn thân nhễ nhại mồ hôi đang gồng mình rinh những bao bắp nặng trĩu. Khi thấy cái dáng cao, gầy gò ấy, tôi cất tiếng gọi: “Cha ơi! Cha”. Người đàn ông ngoái đầu lại nhìn tôi dịu dàng. “Sao con biết cha ở đây?”. Bữa đó, cha chỉ làm nửa buổi, thời gian còn lại cha lấy xe đạp chở tôi đi chơi khắp nơi. Cha cho tôi ăn biết bao món ngon mà tôi thích. Trước khi về, cha còn mua cho tôi một con búp bê thật đẹp.

Lần đó, cha chở tôi về trước cổng thì mẹ bắt gặp. Mẹ cự cãi với cha một trận ra trò. Mẹ kéo tay tôi lôi xềnh xệch vào nhà. Tối đến, mẹ lấy toàn bộ số ảnh cưới mà mẹ cất giữ bấy lâu ra đốt. Tôi đã òa khóc tức tưởi khi nhìn thấy những tấm hình của cha và mẹ lần lượt tan dần vào những ngọn lửa đỏ rực. Rất nhiều lần, tôi nhìn thấy bên ngoài cửa sổ nhà thấp thoáng bóng dáng khắc khổ của một người đàn ông đen nhẻm, cao gầy. Người đàn ông ấy cứ nhìn thật lâu vào bên trong ngôi nhà như tìm kiếm một người quen nào đó. Tôi biết đó là cha nhưng vì sợ mẹ nên không khi nào tôi dám cất tiếng gọi.

Nhằm “cách ly” hai cha con tôi, thời gian sau mẹ quyết định dẫn tôi lên thành phố, mướn nhà ở. Mẹ tôi có tài buôn bán nên chẳng bao lâu “tậu” được một sạp trái cây cố định ở chợ. Một năm, mẹ chỉ cho tôi về quê một lần thăm ông bà ngoại. Tranh thủ khi vắng mẹ, tôi vẫn thường lẻn sang nhà cha. Khi nào cha cũng nhìn tôi bằng đôi mắt buồn buồn. Lần nào tôi trở lên thành phố, ông cũng nhét vào tay tôi khi bịch bánh tráng nướng, khi bịch khô sặc để làm món gỏi xoài, đây là hai món ăn mà sau này lớn lên tôi vẫn còn thích.

Tháng năm trôi qua, tôi đã trưởng thành, mẹ tôi cũng già đi và nguôi ngoai dần mối hận thù với cha. Mẹ không còn cấm đoán tôi về thăm cha như trước. Hằng năm, vào những ngày đặc biệt, tôi lại mang ba lô về ăn món gỏi xoài khô sặc của cha. Cha hay kể lại những chuyện ngày xưa cha lén mẹ qua thăm tôi như thế nào. Lần nào kể xong, tôi cũng thấy mắt ông đỏ hoe.

Cuộc hôn nhân của cha và mẹ “gãy gánh” khi tôi còn rất nhỏ nhưng tận trong thâm tâm tôi chưa bao giờ oán hận cha dù chỉ một ngày. Mặc cho mẹ cố ra sức nói xấu cha nhưng trong lòng tôi, ông vẫn mãi là một người cha tuyệt vời. Những cuộc gặp gỡ lén lút giữa tôi và cha cũng như tình thương tôi dành cho ông luôn cất giấu ở một ngăn bí mật trong tim mà mẹ tôi mãi mãi không bao giờ biết được.

 NGUYỄN THỊ NGA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI