Bé bị đau nhức

22/11/2015 - 07:32

PNO - Có nhiều nguyên nhân khiến bé bị đau nhức khó chịu, phụ huynh không nên bỏ qua triệu chứng này.

Be bi dau nhuc

Lớn nhanh

Cơn đau liên quan đến vùng khớp, do có sự phát triển không đồng đều giữa xương, khớp và phần mềm. Đã có trường hợp bé sáu tuổi suốt ngày kêu đau mỏi chân. Mẹ bé cho rằng con hay chạy nhảy không chịu ngồi yên nên bị đau là phải. Chỉ đến khi bé khóc không chịu chơi, mẹ bé mới đưa đi khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ (BS) đã phát hiện bé bị đau do… lớn quá nhanh!

Thông thường, sự phát triển của xương không gây đau nhưng nếu bé hay chạy nhảy và nhạy cảm, sẽ nhận biết có sự nhức mỏi mặt trước của đùi, trong bắp chân, hay sau gối, vào buổi tối. Đau do tăng trưởng sẽ giảm bớt khi được xoa bóp.

Bé rất thích hoặc luôn đòi xoa bóp cũng là dấu hiệu cho biết trẻ chỉ đau do cơ thể phát triển không đồng bộ, chứ không phải do một bệnh cơ xương khớp nào đó gây ra.

Đau khớp

Được cho là bệnh “đặc quyền đặc lợi” sau nhiều năm lao động của người cao tuổi, vì vậy không ai nghĩ trẻ em cũng bị đau. Thực tế, bé vẫn có thể bị đau ở khớp với đầy đủ các triệu chứng đau nhức, mỏi, sưng nóng, đỏ… Trẻ biết nói dễ dàng “cầu cứu” cha mẹ và chỉ điểm đúng nơi đang giày vò bé, nhưng trẻ nhỏ thì không dễ.

Do đó, phụ huynh cần lưu ý trường hợp trẻ nhỏ chưa biết nói, nếu thấy quấy khóc, ít cựa quậy, khi bế lên nếu đụng phải khớp đau bé sẽ khóc. Ở trẻ lớn hơn, đã biết đi biết chạy, nếu đang bình thường bỗng bớt chạy nhảy nô đùa, hoặc đi cà nhắc là bé đang bị đau khớp. Trẻ cũng có các triệu chứng kèm theo như: sốt, biếng ăn, lười hoạt động.

Hoạt động quá mức

Trong các trường phổ thông hiện nay, một tuần chỉ có vài tiết thể dục thì chỉ là những vận động cho có. Bên cạnh đó, hầu như rất ít gia đình có thói quen tham gia các môn thể dục thể thao.

Do đó, khi tham gia hội thi hoặc vận động ngoại khóa, tham gia các lớp nhảy múa… trẻ thường rơi vào trạng thái quá tải. Cơ bắp vận động nhiều sẽ thải nhiều axít lactic, gây đau nhức cơ bắp.

Trẻ sẽ than đau nhức các vùng cơ bắp ở đùi, phía sau bắp chân… Những cơn đau nhức này thường giảm dần và hết hẳn sau khi nghỉ ngơi, nếu không axít lactic tích lũy ngày càng nhiều sẽ gây đau nhiều hơn.

Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác gây đau cho bé như: bệnh về cơ (yếu cơ, loạn dưỡng cơ); suy dinh dưỡng; thiếu sinh tố và khoáng chất, nhất là các loại sinh tố

Giảm đau cho bé

PGS-BS Lê Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng khoa học hệ thống BV Sài GònITO, cố vấn ban giám đốc BV Đại học Y Dược TP.HCM khuyên: “Khi trẻ kêu đau nhức, phụ huynh cần đưa bé đi khám chuyên khoa. Nếu cần thiết, các BS sẽ cho chụp X quang để tìm bệnh cũng như loại trừ các nguyên nhân gây bệnh khác. Ngoài ra, có thể siêu âm, xem xét hệ thống cơ để phát hiện bệnh ở vùng này. Đề nghị xét nghiệm máu sẽ được đưa ra khi nghi ngờ có các bệnh lý viêm, viêm khớp, gân cơ. Các bệnh lý này sẽ làm thay đổi các chỉ số của máu như số lượng hồng cầu, bạch cầu, tốc độ lắng của máu”.

Để phòng bệnh viêm khớp cho trẻ, bác sĩ Thái Thị Hồng Ánh, BV FV TP.HCM khuyên: “Phụ huynh cần giữ không để bé viêm họng hoặc nhiễm trùng da vùng khớp vì dễ bị viêm khớp nhiễm trùng, viêm khớp phản ứng… Bệnh khớp ở trẻ em điều trị hiệu quả hay không còn tùy vào nguyên nhân. Viêm khớp do thấp khớp cần điều trị sớm và theo dõi lâu dài, nếu không điều trị tốt, có thể bị tàn phế”.

Điều cần làm là mỗi gia đình nên chọn một môn thể dục như bơi lội, bóng bàn, cầu lông… để cùng nhau vui chơi. Đây là cách vừa rèn luyện thân thể, nâng cao thể trạng vừa có thời gian gần gũi và chia sẻ giữa các thành viên, có như thế mới kịp thời giúp “hươu con” chạy đúng đường.

Các bé tham gia nhảy múa bị đau vùng lòng bàn chân, cần thay đổi giày (do chất liệu giày xẹp xuống không đều, nhìn bằng mắt thường khó phát hiện nhưng lòng bàn chân thì… biết). Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây đau ít ai nghĩ tới. Thậm chí, nên giảm bớt các động tác làm căng kéo gan bàn chân. Những động tác này có thể gây sưng viêm gân gót…

Phương Nam

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI