Bảo vệ con bằng linh cảm của người mẹ

21/12/2013 - 07:50

PNO - PN - Chiều qua tắm cho con, chẳng để ý, móng tay lỡ quẹt vào da con trầy một vết dài, con đau, khóc ré lên. Vậy là cả tối đó tôi canh lúc con ngủ, dùng thuốc xoa để con bớt đau… Chợt nghĩ đến cảnh những đứa trẻ cùng tuổi với...

edf40wrjww2tblPage:Content

Sau chuyện bạo hành trẻ của hai cô giáo, tôi cũng đã thoáng hoang mang, liệu con ở trường có được đối xử tử tế hay cũng từng chịu cảnh đau đớn thể xác và tinh thần như thế mà mình chưa biết? Liệu cô giáo của con có ngoài mặt nói cười hồ hởi, yêu thương con nhưng quay lưng đi thì hung hãn? Liệu ngôi trường đó có tốt không, có thể an tâm giao con cả ngày không, có thể tin rằng họ thật sự yêu nghề, yêu trẻ không?

Bản thân tôi phải đi làm nên ủng hộ việc cho con đi nhà trẻ vì nhiều cái lợi, nhưng mỗi chiều đón Meo, con gái hai tuổi từ trường mầm non về, tôi luôn nhẫn nại hỏi con các câu mỗi ngày vẫn hay hỏi “con đi học có vui không? Hôm nay có bạn nào không ngoan không? Cô có la mắng con hay các bạn không?”. Bản năng của một người mẹ cho tôi biết rằng những người khác không thể nào yêu thương con mình như người thân trong nhà là lẽ đương nhiên. Tôi luôn hiểu, để con mình nhận được một cái ve vuốt, một sự yêu thương từ người chăm sóc, trước tiên mình phải biết quan tâm và có chút yêu thương dành cho họ.

Bao ve con bang linh cam cua nguoi me

Tác giả Diệu Hạnh và con gái

Những tối đi làm về, trước khi cho con ngủ, tôi đều ôm con nhìn thật kỹ từ tay đến chân, kiểm tra cả thân thể xem con có vết bầm, xước gì không; Sáng đưa con đến trường, quan sát từ mắt đến miệng coi con có vui vẻ khi thấy cô đón hay sợ hãi rúm ró. Thời gian đầu, ngày đôi ba lần tôi cố gắng chạy đến trường chỉ để biết con yên ổn chỗ người lạ không. Những điều nhỏ nhặt đó, tôi cố làm thật tốt để đảm bảo rằng con không phải trải qua những ngày chịu đựng, sống như “lưu đày” ở chốn gọi là trường, với những người được gọi là cô giáo. May thay, trong những lần ở nhà, vô thức Meo hay gọi tên từng cô trong lớp với vẻ trìu mến. Nếu mẹ hỏi “ai cột tóc đẹp cho Meo” con sẽ ngọng nghịu “cô Q-uỳnh” - người chăm sóc con chính. Với câu hỏi “con thương cô nào nhất”, con cũng sẽ liến thoắng liệt kê tên của cả ba cô. “Đi hỏi già về nhà hỏi trẻ”, chỉ cần hỏi con vài câu như thế, bằng linh cảm của người mẹ, tôi có thể biết được con đã trải qua một ngày ở trường thế nào, biết được con có đang ổn không… mà đâu cần phải có ngày dài tháng rộng hay thảnh thơi thư thả mới có thể làm được cho con.

Còn nếu chẳng may con đã phải chịu đựng những tổn thương về thể xác và tâm hồn bởi những cô giáo không có tình thương, hãy để quãng đời còn lại của họ tự ăn năn về những điều kinh khủng họ đã gây ra, tôi sẽ không mất thời gian thù hằn mà sẽ dùng thời gian đó để hiểu con hơn.

Tôi sẽ luôn dạy con cách nói “không” thật cứng rắn để bảo vệ bản thân mình thay vì phải ngoan ngoãn chịu đựng sự tổn thương.

Những dấu hiệu nhận biết con đang bị bạo hành

Dấu hiệu về tâm lý:

- Bé luôn gào khóc, không muốn vào lớp dù đã qua tuần lễ làm quen đầu tiên. Bé lớn hơn có thể thường xuyên mếu máo bảo “con không muốn tới trường!”.

- Bé thể hiện sự sợ hãi khi thấy cô giáo. Không nhìn thấy cô thì có thể im nhưng hễ thấy cô là bé hốt hoảng hay kêu khóc.

- Bé lầm lì, nhút nhát, hay sợ sệt hoặc ngược lại, dễ cáu, dễ thét, dễ bùng nổ cảm xúc.

- Bé thấy cơm là sợ hãi hoặc ở nhà thì ăn nhưng vào lớp hay bị cô mách lại rằng bé biếng ăn, bé hất cơm.

- Bé hay gặp ác mộng, thường xuyên giật mình, khóc lúc nửa đêm.

Dấu hiệu về sinh lý:

- Bé có vết bầm trên người, vết xước, đầu bị u (nên xoa đầu trẻ hỏi trẻ có đau không).

- Nếu trẻ lớp chồi hay lớp lá đã biết nói, nên thường xuyên tập cho trẻ kể chuyện ở lớp, ở trường.

- Nếu trẻ còn quá bé, không biết nói, cha mẹ nên thỉnh thoảng đột xuất ghé thăm con (giữa giờ nghỉ trưa, thậm chí giữa giờ làm việc, giữa giờ ăn) với lý do đem sữa/thuốc/đồ thay cho bé.

Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu

(Trường ĐH Sư phạm TP.HCM)

 DIỆU HẠNH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI