Bạn có giao vàng cho người khác?

29/05/2016 - 07:34

PNO - Chơi cùng con, quãng thời gian vàng không chỉ dành cho những đứa trẻ, mà còn là món quà quý cho tình cảm gia đình...

Tôi từng là bà mẹ không dành đủ thời gian cho con khi còn sống tại Việt Nam. Khi đó nhà tôi có người giúp việc, lại thêm một chị vú chuyên chăm sóc cho con gái nên tôi có phần ỷ lại. Buổi sáng con dậy, được chị vú lo cho ăn uống, thay đồ, lên phòng chào mẹ rồi đến trường, tính ra tôi chỉ có chừng 10 phút để ôm con và nói vài câu với con.

Chiều con được chị vú đón về, tắm rửa và chơi, đến khi mẹ đi làm về là vào bữa tối; sau bữa tối chưa kịp chơi với con thì đã đến giờ con đi ngủ, chưa kể những hôm ba mẹ có tiệc tùng bên ngoài thì khi về con đã ngủ, chỉ kịp vào phòng hôn con khi chúng ngủ say. Tôi thường thắc mắc, sao con mình quấn mẹ quá vậy, cứ hễ lúc nào thấy mẹ thì y như rằng con bám riết, đòi bế, đòi ôm, nựng nịu hôn hít, lúc đó dù có đồ chơi đẹp con cũng quăng qua để đòi mẹ. Ngày cuối tuần là con thích nhất, vì được cùng mẹ đi chợ, cùng mẹ nấu ăn và thỉnh thoảng được ba mẹ đưa đi chơi, con thường ước ngày nào cũng là ngày Chủ nhật.

Ban co giao vang cho nguoi khac?
Mai Linh học làm bánh cùng mẹ

Gia đình chúng tôi chuyển qua Pháp khi con tôi ba tuổi rưỡi, và mọi chuyện đã thật sự thay đổi. Lúc đầu chưa đi làm nên thời gian tôi dành hết cho con. Sáng dậy cùng con, đưa con đi học, chiều đón con về, cùng chơi, cùng tắm, cùng vào bếp, cùng ăn, lên giường đọc sách và cho con ngủ. Dù rằng thời gian dành cho con nhiều hơn, nhưng tôi lại thấy nhớ và “thèm” con nhiều hơn. Khoảng thời gian con đi học, mẹ ở nhà quanh quẩn với những việc vặt là lúc muốn ôm con hơn cả. Giờ tôi mới hiểu vì sao con tôi lại từng thèm mẹ đến vậy.

Ở Pháp, trẻ em được chăm chút rất đặc biệt, không chỉ việc học mà còn cả việc vui chơi. Các bé có rất nhiều kỳ nghỉ dài, cứ hai tháng một lần các bé có hai tuần nghỉ học, chưa kể các kỳ nghỉ ngắn ngày là các ngày lễ trong năm. Để đảm bảo nhu cầu của các bé, bất cứ khu vực dân cư nào cũng có khu vui chơi cho thiếu nhi với rất nhiều đồ chơi vận động phù hợp với mọi lứa tuổi, chưa kể có rất nhiều công viên, các trung tâm sinh hoạt cộng đồng và đặc biệt rất nhiều thể loại hoạt động thể chất như cưỡi ngựa, chèo thuyền, bơi lội... Rất nhiều hoạt động của trẻ nhỏ đòi hỏi phụ huynh phải tham gia với con em nên ở Pháp ngày phép của người lao động cũng khá dài, để cha mẹ có thể sắp xếp cùng hoạt động với con trong các kỳ nghỉ.

Ban co giao vang cho nguoi khac?
Bé Mai Linh và anh trai đang cho cừu ăn

Dù không phải là điều bắt buộc nhưng đa phần cha mẹ Pháp ý thức rất cao trong việc dành thời gian chơi cùng con. Các buổi tiệc, các buổi picnic vui chơi ngoài trời luôn được thiết kế sao cho con trẻ có thể tham gia, cùng làm, cùng chơi với cha mẹ và bạn bè. Đa số các gia đình Pháp không sử dụng người giúp việc, nên phần lớn công việc nhà sẽ được các thành viên trong gia đình làm cùng nhau, tạo thêm nhiều khoảng thời gian kết nối giữa cha mẹ và con cái.

Tôi từng ngồi nói chuyện với người bạn của chồng, là một chuyên gia tâm lý trẻ em. Bà nhận nuôi hai đứa trẻ mồ côi, là hai anh em gốc Phi. Tôi hỏi vì sao bà không sinh con mà lại xin con nuôi. Bà ấy nói rằng, khi còn trẻ, bà ấy không dám sinh con, vì lúc đó đang học tập, nghiên cứu, phấn đấu cho sự nghiệp nên biết rằng sẽ không có thời gian dành cho con. Đến bây giờ, khi đã có thể chủ động sắp xếp công việc bà mới dám nhận hai đứa trẻ về nuôi dạy.

Tôi nói, với nguồn lực kinh tế của bà, việc thuê người giúp việc đâu có gì là khó, họ có thể giúp mình chăm con những khi mình bận rộn. Bà đã nói với tôi: “Đó là một suy nghĩ sai lầm. Một người mẹ giàu có có thể cho con mình đủ thứ, đứa trẻ có thể được chăm sóc đến tận chân tơ kẽ tóc như hoàng tử, công chúa, nhưng bản thân đứa trẻ lại không cần những điều đó. Sự gần gũi, yêu thương từ cha mẹ là điều mà trẻ cần nhất. Quãng thời gian từ một đến sáu tuổi là kim cương và từ sáu đến 12 tuổi là vàng đối với một đứa trẻ để hình thành nhân cách, mà nhân cách thì lại bị ảnh hưởng trực tiếp từ người kề cận. Giao con cho người khác chăm sóc chẳng khác nào mình có vàng mà đem cho người khác giữ, nhẹ thì sẽ hao mòn, nặng thì sẽ bị đánh tráo”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI