“Bản án” không dành cho bị can

15/11/2013 - 07:45

PNO - PNO - Nhìn đứa con vừa chào đời, chị Ngọc rơi nước mắt. Vào thăm vợ con, anh Minh, chồng chị lặng lẽ quay đi. Vừa nhìn thấy em, Nam (8 tuổi) nói: “A, em bé, em bé sứt môi, em bé của con!”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Bế đứa con vừa hở van tim, vừa sứt môi, hở hàm ếch trên tay từ bệnh viện về, chị Ngọc mới biết tin anh Minh đã gom hết quần áo, tiền vàng đi với người phụ nữ goá chồng trong xóm trọ. Anh nhắn lại với hàng xóm: “Đàn bà có mỗi chuyện đẻ thôi mà đẻ cũng không nên thân”. Chị Ngọc chết điếng trong lòng, nhưng vì hai con, chị gắng gượng đứng lên.


Nam rất ngoan, rất thương mẹ và em. Suốt thời gian chị Ngọc ở cữ đơn chiếc, mẹ Nam giúp mẹ rất nhiều. Đến khi chị Ngọc trở ra chợ bán quầy kim chỉ, Nam lại giúp mẹ trông em sau giờ học. Để có tiền trang trải cuộc sống và tích cóp làm phẫu thuật cho con, chị Ngọc nhận sửa quần áo ở nhà. Nam ngày càng cực hơn khi phải giúp mẹ quét dọn, cơm nước.

“Ban an” khong danh cho bi can

Ảnh minh họa. Photo: Đặng Hồng Kỳ

Lúc nào chị Ngọc cũng cắm cúi lo làm kiếm tiền. Thấy Nam im lặng đỡ đần, chị rất yên tâm. Mỗi khi Nam muốn mẹ dẫn đi chơi, xin tiền mua những món ngon, hay muốn sắm quần áo, vật dụng đẹp, chị đều khuyên: “Thôi đi con à. Để dành tiền mai mốt vá môi cho em”. Chị Ngọc dồn hết mọi cử chỉ trìu mến, lời nói thương yêu cho đứa em, ít quan tâm tới Nam. Bao giờ âu yếm, dỗ dành con út, chị Ngọc cũng đều kèm theo lời hứa hẹn: “Mẹ đang ráng làm kiếm tiền để đưa con yêu dấu của mẹ đi vá môi”. Chị Ngọc không để ý thấy trong khi cậu em út cười rạng rỡ thì Nam đứng lặng người bên cạnh.

Vào tuổi dậy thì, Nam chợt trở nên ương bướng, không còn ngoan ngoãn như trước. Vì vậy, chị Ngọc thường rầy la con. Thấy Nam đi bấm lỗ tai, đeo khoen như con gái, rồi mua những bộ quần áo “không giống ai”, chị Ngọc rất tức giận, nhất quyết không cho tiền con nữa. Mỗi khi Nam xin tiền, chị đều nạt ngang: “Cho con đi xài hoang phí làm gì?”. 13 tuổi, Nam không đi học nữa, bỏ nhà xin theo chú hàng xóm phụ hồ. Chị nghĩ, mình nghèo khó, Nam đi làm sẽ nhẹ gánh hơn một chút.

Thế rồi một hôm, chị Ngọc đang bán ngoài chợ, người hàng xóm chạy ra hớt hải báo tin: “Thằng Nam đi cướp dây chuyền, bị bắt rồi!”. Chị Ngọc rụng rời tay chân. Thằng Nam hiền ngoan của chị sao giờ biến thành kẻ cướp, lại là cướp của khi có hung khí. Cả sáu tháng nay, chị Ngọc ngược xuôi chạy tìm người giúp đỡ cho Nam. Còn người đàn ông kia, cha ruột của hai anh em Nam, đã trả lời khi chị Ngọc nhờ người tới gặp ông ta giúp đỡ cho con: “Đàn bà mà đẻ không nên thân, dạy con không nên người, ai giúp cho được?”. Tòa xử Nam tội danh “giết người và cướp giật tài sản”, tuyên phạt em 2 năm tù giam. Ngồi dưới hàng ghế người giám hộ, chị Ngọc khóc nấc. Từ đầu đến cuối buổi xét xử, Nam không quay nhìn mẹ lấy một lần, mặc cho sau buổi xử chị sấp ngửa chạy theo gọi mãi: “Nam ơi, Nam!”.

Chị chỉ còn biết khóc. Khi tôi ghé thăm chị Ngọc ở khu nhà trọ trong con hẻm ngoằn ngoèo ở đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp, chị Ngọc nước mắt lưng tròng: “Suốt mấy ngày qua, tiếng ông Hội thẩm nhân dân trên tòa cứ vang mãi trong đầu tôi cô ạ. Ông ấy nói rằng: “Một cậu bé 17 tuổi mà phải tự bươn chải kiếm sống suốt 4 năm khi cả cha và mẹ đều còn sống, lại đều trong tuổi lao động là một thiệt thòi to lớn cho em…”. Chính ông ấy đã tuyên án tôi, bản án suốt đời trong lòng luôn phải trĩu nặng, xót xa. Tất cả những gì tôi đang lãnh nhận ngày hôm nay, là lỗi của tôi đó cô à”.

Bây giờ, cũng ngồi bán kim chỉ cả ngày nhưng hồn vía chị Ngọc cứ để tận đâu đâu. Chị luôn tự dày vò, đay nghiến chính mình, người đã “làm mẹ mà đẻ con không nên thân, dạy con không nên người…” như lời người chồng cũ đay nghiến.

NGHI ANH

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI