Bài học từ ông bố Lam Trường

26/10/2014 - 12:26

PNO - PNO - Mấy hôm nay, các “bà Tám, ông Tám” trên mạng lại được một phen ồn ào lên vì chuyện vợ cũ của ca sĩ Lam Trường tố chồng cũ không quan tâm, yêu thương con trai, hai năm trời không qua thăm, chừng qua thăm chỉ 30 phút mà cuối cùng...

edf40wrjww2tblPage:Content

“Phản pháo” lại những lời chỉ trích của vợ cũ, chàng ca sĩ một thời được nhiều khán giả yêu mến, đã thanh minh trên một trang báo mạng về việc anh ít gặp con và tố ngược lại vợ cũ luôn tìm mọi cách gây khó dễ, cản trở anh thăm nuôi con khi anh có dịp qua Mỹ…

Chuyện thăm con hay không thăm con, thực hiện nghĩa vụ làm cha mẹ sau khi ly hôn hay không của các ngôi sao xưa nay cũng vẫn thường được báo chí nói tới. Và cũng thường là bắt đầu từ cảnh người này tố người kia. Trong những lời chỉ trích, nặng nhẹ nhau đó, dường như ai cũng muốn chứng tỏ một điều duy nhất: kẻ kia là người xấu, người không xứng đáng làm cha mẹ. Và con mình là một nạn nhân!

Bai hoc tu ong bo Lam Truong
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Dư luận lần này đọc tin Lam Trường và Ý An cũng như mọi lần: mỗi người nói một cách, theo cảm nhận và suy xét, phán đoán của mình. Người chê Lam Trường là ông bố tồi, moi móc bắt đầu từ cách hát ẻo lả hay giọng lè phè của anh ra để mà chứng minh rằng anh là ông bố chẳng ra gì. Kẻ lại đặt vấn đề Ý An có kể thật mọi chuyện hay không? Có bao giờ chính cô ấy đang “Vừa ăn cướp, vừa la làng”, nghĩa là thật sự luôn gây khó dễ cho việc hai cha con gặp nhau để rồi từ đó nói Lam Trường không thăm con? Cũng có những người khác thì trách NTK Kiều Việt Liên là kẻ “Đâm bị thóc, thọc bị gạo”, tự cô đưa ra vấn đề, mắng nhiếc ông bố Lam Trường, khiến bà mẹ Ý An mới có cớ mà lên tiếng trách giận chồng cũ… Nghĩ gì thì nghĩ, nói gì thì nói, tôi chỉ ngạc nhiên nhất một điều là trên các diễn đàn “bà Tám, ông Tám”, ít ai nói tới chính nạn nhân của câu chuyện này: bé Kiến Văn!

Chính Lam Trường cũng đã giải thích vì sao bấy lâu nay anh luôn im lặng chuyện bị vợ cũ trách móc là người vô trách nhiệm: anh không muốn con mình sau này đọc được những lời công khai chỉ trích, mắng chửi nhau của bố mẹ. Những lời tố của Ý An có đúng hay không, chưa biết. Tình cảm thật trong lòng của Lam Trường với con ra sao, chúng ta cũng chẳng hay. Đó đều là những chuyện người ngoài không dễ gì biết được. Nhưng điều Lam Trường suy nghĩ và lý do anh giải thích cho sự im lặng của mình là một phần sự thật mà mỗi ông bố và bà mẹ đều nên suy nghĩ.

Họ được gì khi mắng nhiếc nhau, làm tổn thương công khai nhau giữa “bàn dân thiên hạ”? Chắc chắn là họ phải cảm thấy “được” thì mới làm. Vậy họ được gì? Phải chăng là cảm giác thỏa mãn khi bêu xấu được đối phương? Phải chăng là niềm vui hả hê khi dành phần tốt đẹp về mình. Nhưng còn đứa con của họ, đối tượng được cha mẹ miêu tả như một đứa trẻ đáng thương không được chăm sóc yêu thương, chỉ bị lợi dụng để mưu cầu lợi ích riêng, chúng được cái gì khi bố mẹ chúng trách móc nhau công khai. Những lời trách móc đó có khiến cho quan hệ của bố mẹ chúng tốt hơn, quan hệ của chúng với bố mẹ tốt hơn? Chắc chắn là không. Có vui gì một đứa con biết mình là tâm điểm của mọi mâu thuẫn giữa bố và mẹ? Có vui gì khi đứa trẻ được nhồi vào đầu suy nghĩ: mình chỉ là người thừa trong cuộc sống của bố hay của mẹ? Càng tệ hại hơn khi chúng tin vào những lời tố cáo lẫn nhau đó: bố mẹ đang lợi dụng mình cho một mục đích lợi lộc nào đó…

Bai hoc tu ong bo Lam Truong
 

Vậy thì, đã làm bố, làm mẹ, điều cần làm trước hết không phải là chỉ trích, chê bai, tố cáo nhau, mà là nghĩ đến con mình. Không hiếm người bố mẹ dùng con để trả thù nhau. Nhưng cũng không ít người bố mẹ sau khi ly hôn ráng dẹp cái tôi của mình xuống, bắt tay với người cũ cùng nhau chăm sóc con cái. Thậm chí khi người cũ có điều gì không đúng, hay thậm chí là lơ là trách nhiệm, họ còn cố giấu con điều đó, luôn nói tốt về người kia cho con mình, đưa ra những giải thích nhẹ nhàng, để con cái không bị tổn thương, rằng mình là người thừa, là đứa trẻ không được mong muốn.

“Sự trách móc, hơn nữa là lòng hận thù hủy hoại chính con người đó và những người có liên quan. Nên tôi không muốn con mình ngay từ bé đã trách móc, hận thù ba nó dù ông ấy không quan tâm đến nó, chỉ biết đến gia đình mới của mình. Tôi cố hết sức cho con mình có một tuổi thơ được yêu thương trọn vẹn và cảm thấy mình là người được trọn vẹn yêu thương. Chuyện của người lớn, làm sao đừng để ảnh hưởng đến tâm hồn con trẻ. Sau này lớn lên, trẻ sẽ dần dần tự nhận biết mọi điều. Nhưng với tâm hồn trong trẻo, nó sẽ nhân ái và tha thứ cho mọi điều người lớn làm đã với nó. Hình dung như thế về một đứa con đã giúp tôi vượt qua những hằn học tức tối ích kỷ của cá nhân để cho con tôi một tuổi thơ nhẹ nhàng” - Đó là lời phát biểu của bà mẹ đơn thân Thanh N. ở quận 5, TP HCM. Những ông bố bà mẹ đơn thân, ly hôn ơi, làm thế mới là thương con mình!

NHI HÒA

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI