Bài học làm người

14/06/2014 - 17:05

PNO - PN - Sẽ là “cha hát con khen”, khi cha tôi chỉ học hết lớp Nhất (nay là lớp 5) mà tôi lại nói ông uyên bác thì uyên bác nỗi gì. Nhưng, trong lòng chúng tôi - những công dân có trình độ thấp nhất là trung cấp - thì cha mãi vẫn là một...

edf40wrjww2tblPage:Content

Từ khi chúng tôi còn là những đứa trẻ tranh nhau phần quà, miếng bánh, cha đã dạy chúng tôi “đói cho sạch/rách cho thơm”, dù thiếu thốn, đói khổ cũng không được ăn cắp, nói dối. Mỗi khi cha phát hiện đứa nào phạm hai lỗi trên, dù chỉ là lấy của anh em mình cây bút chì, viên phấn bảng, hoặc ăn vụng phần ăn của chị em mình nhưng nói dối là chuột ăn, gà mổ thì cha đều phạt rất nặng.

Khi chúng tôi vào cấp II, cha lại dạy chị em tôi sự sẻ chia và trách nhiệm với gia đình. Gần nhà tôi có một khu nhà xưởng bỏ dở rộng đến hàng chục hecta. Đứa nào đi học buổi sáng thì buổi chiều phải theo cha mẹ đi đào đá, nhặt sắt vụn ở khu nhà xưởng đó. Con gái cũng như con trai, không phân biệt. Đứa không đi thì ở nhà nấu cơm, giặt giũ, trông em nhỏ. Khi các thành viên về nhà thì bảo đảm ngày đó đã kiếm được ít sắt vụn và đá bán được ít tiền, đủ đi chợ cho cả nhà. Công việc đào đá, nhặt sắt vụn kéo dài hàng tháng trời, nặng nhọc và vất vả hơn cả nghề thợ hồ của cha và buôn gánh bán bưng của mẹ. Mãi sau này chúng tôi mới hiểu, thời điểm đó cha “thất nghiệp”, mẹ không muốn chồng vất vả một mình nên chia sẻ cùng chồng “đày ải” mấy đứa con như thế.

Bai hoc lam nguoi

Chúng tôi lên cấp III rồi có việc làm ổn định, vài đứa bắt đầu có chỗ đứng trong xã hội thì bất chợt cha tôi bị hầu tòa vì quỵt nợ của Nhà nước năm triệu đồng từ Quỹ vay tín chấp dành cho nông dân. Niềm tin về cha sụp đổ, lại mất mặt với anh em đồng nghiệp, nhất là làng xóm, những người nông dân vốn chân chất thật thà, nên chúng tôi giận cha lắm. Trốn trong nhà thì thôi, thò đầu ra khỏi nhà là cha bị người ta chỉ trỏ: “Thằng cha X. coi vậy mà ăn quỵt!”; “Rồi ở tù cho xem!”; “Bày đặt nuôi con ăn học cho dữ, ai dè giật tiền của người ta nuôi tụi nó chứ giỏi giang gì”! Tinh thần cha tôi xuống dốc rõ rệt. Giọng nói sang sảng ngày nào giờ khàn đặc nhỏ xíu, dù vẫn khăng khăng là mình không ăn cắp. Tôi hỏi rõ nguyên nhân… Hóa ra, để chị em tôi được trọn đường ăn học, ngoài việc vắt kiệt mồ hôi và sức lực, cha tôi còn phải thế chấp giấy đỏ ở ngân hàng, vay Quỹ tín chấp dành cho nông dân và vài khoản vay lãi ngắn, lãi dài khác nữa. “Giật gấu vá vai” gần chục năm, cuối cùng chị em tôi cũng học hành xong. Nông dân nên cha thật thà lắm, lâu nay vì ông tổ trưởng tổ vay vốn đến nhà thu tiền lãi nên sau này có tiền, cha gửi luôn ông “trả giùm Nhà nước”. Nhưng, đồng tiền làm mờ mắt, ông tổ trưởng nhận nhưng không mang trả cho Quỹ tín chấp mà “mượn lại”, sổ sách, giấy tờ thì vẫn mang tên người vay nợ là cha tôi. Bẵng đi hai năm, vừa có thông báo đòi nợ của ngân hàng, vừa có “trát” mời hầu tòa vì “nợ quá hạn” khiến cha tôi suy sụp. Giấy tờ đâu để chứng minh mình đã trả rồi? Ông tổ trưởng tổ vay vốn thì khăng khăng phủ nhận là chưa nhận một đồng nào của cha tôi.

Vài người bạn nhiệt tình đã giúp cha tôi hoàn tất một lá đơn gửi đến tòa soạn một tờ báo để trình bày sự việc. Khi báo chí phanh phui, hóa ra sự thật là ông giám đốc Quỹ tín chấp đó cũng “ăn rơ” với ông tổ trưởng tổ vay vốn. Ghê gớm hơn, trường hợp của cha tôi không phải là duy nhất. Nhà báo bảo cha tôi đứng tên viết tiếp một lá đơn tập thể để “dẹp ghế” vị giám đốc đó, dù ông ta đã chịu trả lại tất cả các khoản tiền đã “ăn gian” nông dân, nhưng cha bảo: “Thôi, người ta có khi cũng vì miếng cơm manh áo của vợ con mà phải làm như vậy. Giờ mọi việc đã sáng tỏ, tiền mình được trả lại, tiếng mình được trong sạch, như thế là đủ rồi. Đừng dồn người ta tới đường cùng, thất đức lắm!”.

Không biết lúc đó mấy chị em tôi xúc động trước lòng bao dung của cha mà khóc hay vì “tức” cha quá hiền. Nhưng chị em tôi thật sự vui sướng vì hiểu cha mình là người nhân hậu. Giờ tuổi cha đã gần 70, vẫn kiểu ăn nói bỗ bã của nông dân, cách ăn mặc xuề xòa của một thời nghèo khó, vẫn cần mẫn với nghề thợ hồ ngày có, ngày không để mỗi tháng góp quỹ cùng bạn hữu vài trăm ngàn đồng dành giúp đỡ những người nghèo khó, cơ nhỡ trong ấp, xã. Các con biếu ít tiền để cha cà phê, cà pháo… cha đều lẳng lặng cất đi, nói “Để dành giúp người khốn khó chứ cả đời ăn uống biết bao nhiêu rồi. Cha có tuổi vầy mà không đau bệnh, luôn vui vẻ yêu đời là đã được quá nhiều phúc của trời rồi!”.

Mỗi câu, mỗi từ của cha đều mang đến cho chị em tôi một bài học làm người sâu sắc.

 Đ.P.THÙY TRANG

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI