Bác sĩ Trương Hữu Khanh: Mẹ dạy tôi sống lành

30/04/2015 - 06:04

PNO - PN - Những ngày qua, không ít bà mẹ đã lập tài khoản facebook để hỏi bệnh cho con trên trang tư vấn sức khỏe của Bác sĩ (BS) Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện (BV) Nhi Đồng 1 TP.HCM. Ông BS với tính cách lạ từng khiến nhiều đồng nghiệp nhận xét là “tưng tưng” này đã đóng cửa phòng mạch tư để dồn sức cho sự nghiệp mới: “hiệp sĩ facebook”.

edf40wrjww2tblPage:Content

Người phá dịch

Nghiệp làm “ông chữa bệnh trẻ con” đã gắn với BS Trương Hữu Khanh hơn hai mươi năm qua. Có biết bao đêm anh chao đảo, mất ngủ khi bất lực trước bệnh tình của đứa bé; trước ánh mắt tuyệt vọng của người làm cha, làm mẹ. “Trực chiến” ở khoa Nhiễm - điểm nóng của dịch bệnh và lằn ranh sinh tử, hơn ai hết, BS Khanh thấu cảm nỗi mất mát của gia đình bệnh nhi. Có những cái chết đã đeo đẳng tâm trí anh nhiều năm trời, như cái chết của cậu bé năm 2002, mà anh nghi ngờ là ca đầu tiên của dịch tay-chân-miệng.

Anh đau đáu tâm tư: “Tôi ám ảnh mãi vẻ bàng hoàng lẫn ngơ ngác của cha mẹ bé, bởi ở các BV họ đi qua, bé đều được cho là “bình thường”. Sau đó, tôi dành thời gian lục tìm y văn, xem lại hồ sơ bệnh án. Tôi nhận thấy, lúc gần qua đời, bé đã bị tăng áp lực nội sọ, mạch nhanh, nói lảm nhảm… Phải mất một năm rưỡi chúng tôi mới khẳng định được đó là gì!”.

Nói về việc “phá” dịch bệnh, anh bị cuốn vào như “lên đồng” với bao tâm huyết: “Dịch bệnh ngày càng phức tạp. Các thầy thuốc BV tuyến trên chúng tôi luôn dặn nhau phải chia sẻ kiến thức, kỹ năng lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp thường xuyên cho tuyến dưới, thậm chí “ép” tuyến dưới nỗ lực chống dịch bệnh vì họ gần với các ổ dịch hơn. Song song đó là việc cực kỳ quan trọng: phổ biến cho cộng đồng kiến thức và ý thức phòng chống dịch bệnh”.

Từ năm 2004, khi dịch bệnh tay - chân - miệng bùng phát, hình ảnh BS Trương Hữu Khanh đã xuất hiện dày đặc trên khắp các phương tiện truyền thông. Anh cũng là “người quen” khi luôn xuất hiện để hướng dẫn cộng đồng cách thức phòng chống dịch sốt xuất huyết, viêm não, tay chân miệng, HIV. Ít ai biết, hai năm 2002-2003 là thời điểm không chỉ riêng anh mà cả BV Nhi Đồng 1 bị người trong ngành ngờ vực, cho rằng việc công bố dịch tay-chân-miệng là cách để BS tự khỏa lấp sự bất lực trước những cái chết bất thường của trẻ. Khi sự việc được sáng tỏ, Bộ Y tế công bố dịch, cũng là lúc BS Khanh được cộng đồng vinh danh “Hiệp sĩ chống dịch”.

Bac si Truong Huu Khanh: Me dạy toi sóng lành

BS Trương Hữu Khanh đang khám cho một trẻ bệnh viêm não ở phòng cấp cứu khoa Nhiễm vào cuối tháng 4/2015

“Tôi mắc nợ bệnh nhi”

Thức dậy lúc 4g sáng, mở facebook “Hỏi BS nhi đồng”, tôi gặp nick của BS Trương Hữu Khanh “sáng đèn”. Vào giờ những đứa trẻ còn say ngủ đó, ông đã tranh thủ trả lời từ 30-60 tin nhắn của phụ huynh. Một ngày chỉ 24 tiếng với rất nhiều công việc bận rộn chờ đợi tại BV, anh tận dụng mọi lúc mọi nơi để tư vấn ổn định khoảng 200 ca “thắc mắc không biết hỏi ai” của các bà mẹ. Biết người hỏi có thể đang ôm đứa con sốt hầm hập và trông chờ hồi đáp của BS từng giây từng phút, nên anh chia sẻ rằng anh thấy như mắc tội, mắc nợ nếu để ai phải đợi.

“Tới BV ngay”, “vào cấp cứu nhé”, “nguy đó”... có khi những hồi đáp của anh như một mệnh lệnh, một khẩn cầu trước những trường hợp bệnh nguy hiểm. Cũng có câu trả lời như tiếng thở phào: “ổn mà”, “ được”, “nuôi vậy tốt rồi”... trước những băn khoăn muôn thuở của cha mẹ về việc con chậm biết đi, dinh dưỡng thế nào là hợp lý, vì sao bé ngủ hay giật mình...

Nhiều bà mẹ tả bệnh của con tới 500-700 chữ như những chia sẻ không dứt khi tìm được người lắng nghe trong cơn bối rối. Không ít những đoạn gõ không dấu khó luận ra khi nhìn trên màn hình điện thoại cũng được anh nghiên cứu kỹ. Đó có thể là những dòng không dấu “tràng giang đại hải” của một bà mẹ đang mệt nhoài vì mỗi khi ru ngủ là con “gây”, khóc lóc dữ dội.

Gõ gọn hai từ: “Nóng, đói” rồi nhấn “reply”, anh tưởng bà mẹ sẽ giận dỗi vì chưa thỏa lòng với hai từ cộc lốc ấy, vậy mà chị trở lại, rối rít cảm ơn. Lời tư vấn này cũng nhận được hàng trăm “like” và những lời bình luận của người đồng cảnh: “Ối trời ơi, bé nhà mình cũng vậy, mà giờ mới biết!”, hay “Em đã thử cho cháu rồi, chỉ cần cho bú đủ, quạt mát, nhè nhẹ là bé ngủ ngon lành, hay tuyệt!”…

Để “xoa dịu” cộng đồng các bà mẹ đang sốt ruột chờ đợi, anh chỉ đủ thời gian trả lời trong một vài từ vắn tắt. Nhưng đó là những gì cần thiết nhất để định hướng cách giải quyết. Cũng nhờ tư vấn đơn giản, dễ hiểu nên số lượt truy cập và thích trang facebook tăng vùn vụt mỗi ngày (hiện có 38 ngàn lượt người thích và theo dõi trang). Việc trói mình làm “nô lệ tự nguyện” của cộng đồng mạng khiến anh càng lúc càng bận rộn, hối hả.

Tôi hỏi vui: “Với một núi câu hỏi chờ giải đáp, một ngày của anh có cần… phải dài hơn không?”. Anh cười: “Ngày vẫn 24 tiếng thôi. Thời điểm trả lời cho phụ huynh của tôi bây giờ đã ổn định với ba khoảng thời gian: từ 4-6g sáng, 16-17g chiều và 19-21g tối. Tôi cũng có thể tranh thủ những lúc chờ họp, chờ nghe ý kiến hoặc quãng thời gian phải đi công tác xa, không phải điều hành khoa, không phải suy nghĩ nhiều về từng ca cấp cứu…”.

Nội dung các thắc mắc ngày một nhiều với quá nhiều lĩnh vực, BS Khanh “cầu cứu” đồng nghiệp và cả người vợ cùng ngành y giúp sức. Nhiều BS trẻ đã hào hứng hồi đáp “hiệu triệu” của anh trong những lĩnh vực chuyên môn sâu mà họ đảm trách. Từng có lúc, trang tư vấn trục trặc khi hacker đánh sập, cũng có ý kiến vào ra hoài nghi tính “free” và mục đích của anh.

Có cả những chủ phòng mạch tư lo “mất khách”, “mất nồi cơm” vì bệnh nhân sẽ chỉ cần lên mạng là gặp BS, vừa tiện, nhanh, lại không tốn tiền, tốn sức như đưa con tới phòng khám. “Thật ra, tôi chỉ tư vấn, chỉ định hướng, chứ không có ý định thay thế BV, thay thế BS. Sau bốn tuần vận hành, tôi đã tin mình làm đúng, không còn băn khoăn nữa”, BS Khanh chia sẻ.

Bác sĩ Aibolít, bác sĩ mê con nít

Biết BS Khanh hơn mười năm nay, lần nào gặp tôi cũng thấy anh như không già đi, vẫn mái tóc lòa xòa, đôi tay khô ráp, vẻ hóm hỉnh đặc biệt. Cách anh trò chuyện sôi nổi, nhiệt tình, nhất là khi nhắc đến bệnh nhi, nỗi lo của cha mẹ, khiến người đối diện có cảm giác anh mỗi ngày thêm trẻ, thêm sung sức.

Trước khi mở "phòng mạch facebook", anh sở hữu một phòng khám giá rẻ ở vùng ven TP.HCM suốt 25 năm và được báo chí nhắc nhiều như một điển hình thầy thuốc “không ham giàu”. Tôi bất ngờ khi nghe anh nói giản dị: “Tôi giữ phòng mạch giá rẻ, giúp đỡ cho bệnh nhân nghèo chính là để... vui lòng mẹ”.

Anh kể, mẹ anh là người Huế, vào Nam sau 1954. Bà buôn thúng bán bưng ở chợ Vạn Hạnh, chợ ngã Ba Bầu (H.Hóc Môn, TP.HCM) để cùng chồng nuôi dạy 10 người con thành đạt. Tuy vậy, cả nhà cũng chỉ mỗi mình anh theo nghề y do… một người bạn thân rủ học làm BS.

Hồi học trường THPT Nguyễn Hữu Cầu (H.Hóc Môn), Trương Hữu Khanh mê môn vật lý. Lớp 12, cậu học trò ấp ủ mộng thi vào ngành vật lý, ĐH Tổng hợp, nhưng có người bạn thân rủ anh thi y khoa. Đang không biết quyết sao, anh hỏi mẹ, mẹ “chấm” ngay ngành y vì “nghề BS giúp người, giúp đời được!”.

Đậu đại học, ngày chuẩn bị ra trường, có vị BS đàn anh đỡ đần đưa về một BV lớn, nhưng BS Khanh lại nộp đơn xin làm không công ở Khoa Nhiễm BV Nhi Đồng 1 và gắn bó đến bây giờ.

Về phòng mạch tư, khởi đầu, thay vì mở phòng ngay trung tâm Q.1 tại nhà vợ (BS Trương Tuấn Phương - BV Chợ Rẫy), anh lại nghe lời… hai bà mẹ (mẹ vợ và mẹ ruột) về mở phòng mạch ngay tại Hóc Môn, vì “ở đó xa BV, dân nghèo nhiều, cần BS hơn!”.

Anh kể, chưa mở cửa phòng mạch thì ba mẹ vợ (từng làm việc trong ngành y) đã gọi ra nhắc nhở về đạo đức thầy thuốc, không chặt chém, không thủ đoạn, chăm sóc bệnh nhân tận tình. Còn mẹ ruột thì tự “niêm yết” giá 10.000đ/lần khám. Nhiều năm sau, bà cho phép anh tăng giá lên 15.000/lượt, và đến trước ngày đóng cửa năm 2014, giá khám mới lên 30.000đ, rẻ hơn rất nhiều so với mức khám bệnh trên thị trường.

Những đứa trẻ lớn lên ở Hóc Môn hay gọi anh là “BS Aibôlít, BS mê con nít”, bởi khi cha mẹ dẫn tới khám, lúc nào trẻ cũng được anh hỏi han, đùa vui. Đi khám bệnh mà ham thích, mà chẳng muốn về.

Tôi hỏi anh: “Một tối khám cho 200 ca, mà ca nào anh cũng hỏi mẹ, hỏi bé nhiều thế, chắc là... đuối lắm?”. Anh cười phì: “Khám nhanh, nhưng không được khám ẩu, phải thăm hỏi cẩn thận, mỗi người tối thiểu mình phải hỏi năm câu, đuối chứ. Nhưng mục đích khám tư là giúp phụ huynh giải quyết nhanh triệu chứng bệnh của con em họ, giúp mẹ các bé hiểu, yên tâm và quan trọng nhất là mẹ các bé phải biết cách chăm làm sao cho bệnh của trẻ không tiến triển nặng hơn… Đạt được mục đích rồi thì thấy vui, thấy nhẹ nhõm thôi!”.

Tôi lại hỏi, anh có hối tiếc không khi đóng cửa phòng mạch đang nườm nượp khách? Anh cười nhẹ: “Tôi đuối lắm rồi. Lẽ ra tôi phải đóng cửa nó từ ba năm trước kìa, nhưng mẹ tôi cứ tiếc. Tính đóng cửa là để nghỉ xả hơi. Mà có nghỉ được ngày nào đâu, hội họp lu bù. Mấy cuộc gọi nhờ tư vấn của các bà mẹ ở tỉnh xa lúc đêm hôm hỏi về các triệu chứng bệnh lý đơn giản của trẻ trong ca trực làm tôi suy nghĩ phải làm cái gì đó. Ban đầu tôi tính làm web tư vấn bệnh, sau mấy đứa em khuyên lập facebook, khỏi phải đăng ký rườm rà, cha mẹ của trẻ vào hỏi cũng dễ. Ừ, thì facebook!”.

Nhắc chuyện hiếu đễ với ba mẹ và thích… nghe lời vợ, BS Khanh cười: “Vợ đúng, không nghe sao được!”. Vợ anh, chị Trương Tuấn Phương, vốn là BS nhãn khoa của BV Chợ Rẫy. Đang lúc công việc thuận lợi nhất, chị quyết định nghỉ việc để ở nhà chăm sóc ba mẹ. BS Khanh kể: “Thấy ba yếu, sợ ba mẹ ở nhà một mình buồn tủi, cô ấy chọn nghỉ việc để lo cho hai cụ và yêu cầu tôi bám phòng mạch ở Hóc Môn để thường xuyên về bên mẹ tôi. Vậy là cả hai cùng hoàn thành nhiệm vụ”.

Bây giờ, phòng mạch tại nhà mẹ đẻ đã đóng cửa, BS Khanh vẫn từ Q.1 về Hóc Môn thăm bà đều đặn. Với anh, duy trì phòng mạch là cách anh đền đáp công lao của bà - người mẹ buôn gánh bán bưng nuôi dạy anh nên người; là cách để vợ vui lòng - người bạn từ thời sinh viên cùng anh nuôi ước mơ thầy thuốc, tận tụy cùng anh trong mỗi cuộc hành trình.

Đóng phòng mạch này, mở phòng mạch trên facebook, anh thấy mẹ vui, thấy vợ nhiệt tình ủng hộ nên càng hăm hở. Anh nói, vợ chồng anh dù không có con, nhưng được cầm tay hàng ngàn đứa trẻ, được đùa vui với chúng, tiếp sức cho cha mẹ nuôi chúng khỏe mạnh, khôn lớn... thế là được rồi. Anh bằng lòng với những gì cuộc đời ban tặng...

 NGHI ANH

“Tôi đuối lắm rồi. Lẽ ra tôi phải đóng cửa nó từ ba năm trước kìa, nhưng mẹ tôi cứ tiếc. Tính đóng cửa là để nghỉ xả hơi. Mà có nghỉ được ngày nào đâu, hội họp lu bù. Mấy cuộc gọi nhờ tư vấn của các bà mẹ ở tỉnh xa lúc đêm hôm hỏi về các triệu chứng bệnh lý đơn giản của trẻ trong ca trực làm tôi suy nghĩ phải làm cái gì đó. Ban đầu tôi tính làm web tư vấn bệnh, sau mấy đứa em khuyên lập facebook, khỏi phải đăng ký rườm rà, Cha mẹ của trẻ vào hỏi cũng dễ. Ừ, thì facebook!”.
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI