Ai mà chẳng khủng hoảng khi làm mẹ, bạn không cần xấu hổ khi thú nhận điều đó

29/12/2016 - 06:20

PNO - Một người mẹ bình tĩnh, có thể kiểm soát được 100% mọi lúc, kể cả khi đồ chơi như kì lân, xe đẩy và cả tất của chồng vứt ngổn ngang trên nền nhà, không hề tồn tại.

Tôi vẫn còn nhớ y nguyên khoảnh khắc đó như nó chỉ vừa mới xảy ra thôi, khi tôi nạt nộ con mình. Tôi vừa đón con tôi từ trường về. “Về phòng của con ngay!” tôi nói bằng một giọng điệu lạnh lùng và cứng rắn, như thể không phải là tôi vậy, “Ngay bây giờ!”

Con tôi bắt đầu khóc lóc và tiếng nức nở phát ra. Tôi thậm chí còn giơ tay lên. Tôi còn hét lên, tôi còn không nhận ra cơn giận dữ của chính bản thân mình. “Mẹ không muốn nghe đâu! Nhìn mẹ làm gì, đi đi!”

Ai ma chang khung hoang khi lam me, ban khong can xau ho khi thu nhan dieu do

Bạn có thể hiểu câu chuyện này theo nghĩa tôi là một mụ phù thủy độc ác và khó tính. Nhưng hãy để tôi giải thích: Thực sự, tôi là một người tử tế. Nếu bạn tình cờ gặp tôi trong một đám đông, tôi có thể mỉm cười với bạn khi bạn đi lướt qua tôi.

Tôi thật sự ghét những cuộc ẩu đả và cãi vã. Vì vậy, khi các con tôi mắc những lỗi nhỏ hàng ngày, tôi thường cứ bỏ qua với mong muốn giữ cho nhà cửa được bình yên.

Nhưng muốn duy trì sự yên bình thì phải trả giá. Cơn giận dữ, thất vọng và tất cả những cảm xúc khó chịu mà tôi dùng lý trí để kiểm soát chứ không phải bùng nổ và trút hết lên người khác chỉ tạm thời mà thôi.

Cảm giác khó chịu khi nuôi con mọn là loại cảm xúc điển hình ở phụ nữ. Chúng cãi nhau không ngừng nghỉ, khóc lóc, những mẩu đất nặn dính chặt trên thảm,… Cảm giác khó chịu đó lớn dần lên, lớn lên và đè nặng trên đôi vai của tôi, đến một ngày tôi không thể chịu đựng nổi nữa, và tôi bùng nổ.

Đó là những gì đã xảy ra vào ngày hôm đó khi tôi biến thành một bà mẹ nóng nảy và xấu xa. Vào buổi sáng mọi chuyện diễn ra không tốt lắm, hai đứa con gái của tôi cãi nhau ầm ĩ và chúng suýt lỡ xe bus đến trường.

Sau đó, trên đường từ trường về nhà, chúng tôi đã cùng tận hưởng khoảng... 47 giây quý giá của sự yên bình, cho đến khi đứa con gái lớn làm một chuyện ngu ngốc gì đó khiến đứa nhỏ tức giận.

Đứa nhỏ đã hét lên như một con chim vậy. Cao độ của tiếng thét làm tôi nổi cả da gà. Tôi lập tức cảm thấy cơn đau đầu đang đến. Và tôi quyết định, cuối cùng, ngày hôm nay tôi sẽ không nín nhịn nữa.

Và thế là câu chuyện tôi kể ban đầu đã diễn ra.

Sau khi bắt hai đứa nhỏ về phòng, tôi bắt tay vào chuẩn bị bữa tối trong khi chờ chồng mình trở về từ cơ quan. Ngay khi anh ấy bước chân vào nhà, tôi đã nói: “Em không thể chịu đựng được nữa”.

Ai ma chang khung hoang khi lam me, ban khong can xau ho khi thu nhan dieu do
Tôi thật sự rơi vào khủng hoảng.

Tôi vớ lấy chùm chìa khóa và lái xe một cách vô định vào thành phố, lao vào một bãi đỗ xe nhưng tôi vẫn ngồi trong xe và để động cơ chạy. Hút thuốc, bật rồi lại tắt radio, những giọt nước mắt lăn dài trên má tôi.

Tôi cứ ngồi như vậy cho đến khi bóng tối nhấn chìm tôi, tôi mới thở dài và những tảng đá đè nặng trong lòng mới biến mất. Cuối cùng, tôi lái xe về nhà.

Khi tôi bước vào bếp, hai đứa con gái của tôi đã chạy về phía tôi, ôm tôi và xin lỗi. Chúng dúi vào tay tôi một bức thiệp, trong đó viết: “Gửi mẹ yêu, chúng con xin lỗi vì chúng con hư quá”.

Tất cả những gì còn lại của một người mẹ giận dữ và xấu xa đã bay biến hết ngay khi tôi đọc những dòng chữ ấy. Tôi cũng xin lỗi con vì đã hét lên và tôi giải thích với con tại sao cuộc cãi vã của con lại làm tôi buồn đến thế: Các con làm tôi buồn và tức giận khi chí chóe với nhau, vì tôi biết chúng yêu nhau nhiều thế nào.

Chúng tôi đã cùng nhau nói về sự tôn trọng không gian và cảm xúc riêng của người khác. Chúng hứa sẽ cư xử ngoan ngoãn hơn, và tôi biết chúng sẽ làm thế, ít nhất là cũng được một lúc. Và rồi chúng tôi sẽ vượt qua chuyện này.

Bạn có thể thắc mắc rằng tôi có nghĩ rằng mọi chuyện sẽ tốt hơn khi tôi lo lắng về việc tỏ ra tử tế và yêu chiều con hơn thay vì cứ để kệ mọi chuyện và để những nỗi thất vọng tích tụ lại rồi đến một ngày bùng nổ? Có chứ.

Nhưng tôi cũng tin tưởng rằng không có cách hoàn hảo nào để đối phó với những cảm xúc phức tạp khi làm mẹ cả. Mỗi ngày, tất cả chúng ta đang cố để giải quyết mọi việc, giữ gìn sự tinh tế và bình yên, đồng thời vẫn duy trì cho bản thân mình phải tỉnh táo.

Tôi đã từng nghĩ có những người mẹ hoàn hảo có thể dạy con đi theo một hàng thẳng tắp, có thể dạy con kỉ luật mà vẫn đầy yêu thương mà không bao giờ lên giọng mắng mỏ hay chẳng bao giờ bực tức và gục ngã.

Bây giờ tôi biết rồi. Một người mẹ bình tĩnh, có thể kiểm soát được 100% mọi lúc, kể cả khi đồ chơi như kì lân, xe đẩy và cả tất của chồng vứt ngổn ngang trên nền nhà, cô ấy không hề tồn tại.

Cho dù bạn có khủng hoảng mỗi ngày hoặc ít nhất một lần trong năm thì bạn không phải là một con quái vật. Đôi khi khủng hoảng là cần thiết. Những cơn khủng hoảng đặt chúng ta về khởi điểm, trở về với một không gian yên tĩnh, nơi mà chúng ta có thể thở, nơi mà chúng ta biết những gì mình cần, nơi mà những cảm xúc của chúng ta được lắng nghe và được thấu hiểu.

Những cơn khủng hoảng nhắc nhở chúng ta rằng trẻ con không hoàn hảo, rằng những cuộc cãi vã có thể ảnh hưởng đến người khác, và người lớn cũng có thể chịu tác động như chính những đứa trẻ trong cuộc.

Và nếu chúng ta cởi mở với chúng, những kết quả của cơn khủng hoảng có thể là một cơ hội tự nhiên để gắn kết chúng ta bởi tình yêu dành cho những người còn lại và để khẳng định lại cách mà chúng ta muốn được đối xử.

Thu Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI