ADN và linh cảm của người mẹ

17/03/2016 - 08:02

PNO - Người mẹ băn khoăn về chuyện nhầm con, đã phát hiện con số trên tay mình và trên đứa bé là khác nhau, nhưng vẫn không dám tìm, không dám hỏi...

ADN va linh cam cua nguoi me
Ảnh mang tính minh họa - Internet

Câu chuyện một người phụ nữ đã nuôi đứa bé con của người khác suốt 42 năm đang làm xôn xao cộng đồng mạng. Linh cảm của người mẹ trong suốt 42 năm đằng đẵng không phải đã không một lần nhắc nhở người phụ nữ ấy. Năm con gái 20 tuổi, người mẹ đã làm xét nghiệm ADN lần đầu và biết đứa trẻ không phải con mình.

Năm con gái 41 tuổi, người mẹ ấy làm lại xét nghiệm ADN, kết quả lần này cũng vẫn vậy: đó không phải là đứa trẻ mang dòng máu của bà. Người mẹ 64 tuổi đã quyết định phải nói sự thật với con gái trong sinh nhật thứ 41 của con. Sự thật ấy là năm 1974, khi đứa bé ra đời tại nhà hộ sinh Ba Đình ở Hà Nội, một lần nhân viên y tế ẵm bé đi, khi trả lại con cho sản phụ, đã trả nhầm một đứa trẻ khác. Đứa bé có tấm thẻ đeo chân là số 32, trong khi tấm thẻ gắn trên tay bà mẹ mang số 33. Bà đã hỏi, nhưng nhân viên y tế giải thích là do cháu bé đi tắm nên số bị mờ.

Chừng ấy năm, cái số phận, cái danh tính của một con người, tưởng rất nhỏ nhoi qua bao thăng trầm của cuộc sống, vẫn trồi lên trên bề mặt nhận thức. Người mẹ quyết định nói ra sự thật, những người thân trong gia đình đã quyết định khởi đầu một hành trình tìm kiếm, dù ai cũng biết rằng năm tháng xa xôi diệu vợi, chẳng biết có còn tìm được con, tìm được em, tìm được cha mẹ họ hàng thân thích hay không.

Nghĩ mà lo. Bao nhiêu nguy cơ, bao nhiêu nhầm lẫn có thể xảy ra trong những ngày sinh con ở bệnh viện (BV), khi người mẹ còn chưa gượng dậy nổi sau cuộc vượt cạn đớn đau, khi những người thân trong gia đình thay phiên nhau túc trực có khi chỉ thoáng nhìn những đứa bé sơ sinh đỏ hỏn, quấn kín trong khăn, đứa nào cũng nhang nhác đứa nào.

Còn nhớ những ấn tượng rã rời của chính mình, khi sinh đứa con thứ hai trong BV phụ sản. Năm ấy, BV quá tải, mình nằm trên chiếc băng ca chuyển bệnh ngoài hành lang, chờ mong có ai trong những căn phòng kia xuất viện thì sẽ vào trám chỗ. Con gái mình nhỏ xíu, quấn chiếc khăn màu vàng cam, đặt nằm bên cạnh hông mẹ trên nền drap trắng. Mình choàng tay ra ôm con mà không chống nổi cơn mệt, cơn buồn ngủ kéo sụp mí mắt.

Chồng mình đứng bên cạnh, vịn một tay giữ chặt hai mẹ con suốt buổi chiều, cho đến khi mình được đẩy vào trong phòng. Ngày hôm sau, cô điều dưỡng vào bế bé đi tắm, hai tay ôm hai bé, thoăn thoắt đi rồi mất hút cuối hành lang. Khi con được trả lại, người mẹ nào đón lấy con cũng rối rít lật khăn tìm thông tin trên vòng đeo tay của bé. Trẻ sơ sinh, đứa nào trông cũng gần giống nhau, làm sao mà chắc chắn được. Ngoài những dòng chữ ấy, còn cách nào để biết đó là con mình đâu!

Người đàn bà trong cơn sinh nở, và cả những người thân, có một lòng tin gần như tuyệt đối vào nhân viên y tế. Thường khi đã vào BV, nhất là ở một tình trạng quá tải như các BV của mình, ít có ai dám hỏi han thắc mắc gì về việc mang bé đi đâu, cho mẹ uống thuốc gì. Trong khi đó, do đã quen, đã bão hòa với những lo lắng của bệnh nhân và người nhà, nhân viên y tế thường không phải khi nào cũng giải thích tường tận, cũng ý thức đầy đủ trách nhiệm đối với bệnh nhân, sản phụ.

Người mẹ băn khoăn về chuyện nhầm con, đã phát hiện con số trên tay mình và trên đứa bé là khác nhau, nhưng vẫn không dám tìm, không dám hỏi, lặng lẽ đau đáu băn khoăn trong suốt 42 năm trời. Lớn hơn nỗi băn khoăn đó, còn là sự khắc khoải ngày qua ngày không nguôi đi mà đã trở thành một ám ảnh khủng khiếp: đứa con ruột của mình, đứa con thực sự do mình sinh ra, đứa trẻ mang số 33 năm ấy, bây giờ ở đâu, sống với ai, liệu nó có được chăm sóc đầy đủ, hay đã phải chịu một số phận không may mắn từ bấy đến giờ?

Chẳng ai có thể bù đắp được cho sự nhầm lẫn này trong suốt ngần ấy năm. Khi được nói ra, sự thật về nhân thân của chính đứa trẻ không chỉ gây xáo động lớn trong gia đình, mà còn trong xã hội. Không thể đổ lỗi cho chiến tranh, không thể đổ lỗi cho sự quá tải của các BV, chỉ có thể nhắc lại chuyện này như một cảnh báo đối với những quy trình vẫn đang còn lỗ hổng tắc trách trong những BV bây giờ.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI