6 thói quen “cấm kị” khi chăm sóc trẻ sơ sinh

22/11/2015 - 07:16

PNO - Dùng mật ong tưa lưỡi, cho con uống nhiều nước lọc, cho con nằm gối… là những thói quen cực kỳ nguy hiểm tới sức khỏe, tính mạng trẻ sơ sinh.

1. Dùng mật ong tưa lưỡi

Đánh tưa lưỡi bằng mật ong là kinh nghiệm dân gian truyền đời, được nhiều người cho là có hiệu quả, nhưng khoa học hiện đại chứng minh phương pháp này nguy hiểm với trẻ nhỏ.

6 thoi quen “cam ki” khi cham soc tre so sinh
Dùng mật ong tưa lưỡi cho trẻ có thể dẫn đến tử vong (Ảnh minh họa: Internet)

Trong mật ong có nhiều độc tố Botulinum, tác động lên dây thần kinh cơ, gây liệt. Nếu ngộ độc nặng có thể tử vong. Trẻ dưới một tuổi (đặc biệt dưới 6 tháng) có nguy cơ ngộ độc cao với độc tố này, do vậy không được cho bé dùng mật ong cũng như đánh tưa bằng mật ong. Để bé được an toàn, mẹ hãy dùng dung dịch tưa lưỡi có bán ở các hiệu thuốc tây để vệ sinh miệng cho bé.

2. Cho con uống quá nhiều nước lọc

Sữa mẹ có 88% là nước, do đó, bé bú mẹ sẽ không cần bổ sung thêm nước. Kích thước dạ dày của trẻ sơ sinh nhỏ, uống thêm nước sẽ làm dạ dày bé bị đầy, không còn chỗ trống dung nạp thêm sữa mẹ khiến bé no và bỏ bú. Lượng sữa được hấp thụ giảm dẫn đến bé sẽ còi cọc, chậm lớn

Theo các bác sĩ Nhi khoa, nếu cho bé uống quá nhiều nước sẽ làm loãng nồng độ natri trong cơ thể. Trẻ bị thiếu natri có thể ảnh hưởng đến hoạt động của não. Hạ natri não hay là nhiễm độc nước ở trẻ còn có khả năng gây tử vong.

Nước còn có thể là mầm gây bệnh cho trẻ nếu nguồn nước không an toàn, sạch sẽ.

3. Ủ ấm/ chườm đá khi trẻ bị sốt

Ủ ấm khi trẻ bị sốt dẫn tới bé bị mồ hôi, thấm ngược lại cơ thể và gây viêm phổi. Hơn nữa, cách làm này thực sự nguy hiểm vì có thể làm thân nhiệt trẻ càng tăng cao, gây nguy cơ sốt co giật ngay lập tức.

Dùng túi đá chườm lạnh cho con cũng thực sự rất nguy hiểm và mẹ tuyệt đối không nên làm. Cơ thể bé đang nóng, nếu bạn chườm đá lạnh, nhiệt độ cơ thể hạ đột ngột có thể gây bỏng lạnh, khiến trẻ bị suy hô hấp tức thì.

4. Rung lắc, tung hứng trẻ

6 thoi quen “cam ki” khi cham soc tre so sinh
Rung lắc, tung hứng rất hại cho sức khỏe não bộ của trẻ (Ảnh minh họa: Internet)

Rung lắc trẻ càng mạnh tay có thể vô tình gây tổn hại cho não trẻ, thậm chí tử vong do dập não, phù, chảy máu trong não, dẫn đến tử vong. Những tổn thương này có thể xảy ra chỉ với 5 giây rung lắc, thậm chí là 3 giây.

Những tổn thương này rất khó có thể phát hiện, trừ trường hợp nặng. Nhưng khi lớn, trẻ có thể bị chậm phát triển trí tuệ, thị lực kém, rối loạn hành vi nói và nghe, động kinh, tổn thương kỹ năng định hướng và nhận thức.

5. Cho con nằm gối

Do cấu trúc xương sống của trẻ sơ sinh là một đường thẳng nên đầu và lưng của bé phải luôn nằm trên một đường thẳng. Nếu đầu phải gối trên một vật dụng khác, phần xương cổ sẽ dễ bị quẹo sang một bên và làm biến dạng xương sống.

Đặc biệt, ở giai đoạn đầu này, phần xương cổ của trẻ vẫn còn rất yếu, khó có khả năng đỡ được trọng lượng của đầu, bé hầu như không có cơ hội để tự dịch chuyển khi xảy ra tình huống cổ bị gập. Lúc này vùng hầu họng nơi hơi thở đi qua sẽ bị chặn lại và nguy cơ ngạt thở sẽ rất cao. Bởi vậy, mẹ chỉ cần lấy khăn mỏng gấp lại kê cho con nằm thấm mồ hôi là được.

6. Nêm mắm, muối vào đồ ăn dặm

Cho muối vào thức ăn của trẻ ăn dặm không chỉ nguy hại mà còn là không cần thiết. Lượng muối trẻ sơ sinh cần là vô cùng nhỏ (không nhiều hơn 1gram một ngày cho đến 12 tháng tuổi). Sữa công thức và các thực phẩm trẻ ăn hàng ngày đã cung cấp đủ lượng cần thiết cho trẻ.

Trẻ dưới 1 tuổi chưa hoàn thiện chức năng của thận. Việc dung nạp quá nhiều muối có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng ở thận. Ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy việc trẻ ăn quá nhiều muối sẽ càng có nguy cơ cao mắc các bệnh về tim mạch, não và cao huyết áp sau này.

Yên Hưng (Tổng hợp)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI