11 trò chơi giúp bé phát triển kỹ năng vận động từ nhỏ

25/08/2015 - 14:00

PNO - Chơi là một công việc nghiêm túc, nhất là đối với các em bé vì nó là cơ hội để bé hoàn thiện những kỹ năng cần thiết để trưởng thành. 

1. Để bé nắm bắt đồ vật

Khi bé nằm ngửa, treo đồ chơi có nhiều hình dạng khác nhau trước mặt bé để quan sát, đánh giá, cố với lấy rồi đưa vào miệng. Ban đầu, bé có thể chỉ đập tay được vào đồ chơi. Hãy di chuyển món đồ chơi đó lên cao hơn, xuống thấp hơn hoặc sang bên cạnh để tạo cơ hội cho bé vận động mắt, tay. Đây chính là kỹ năng bé sẽ dùng đến khi muốn lấy một cuốn sách ra khỏi giá sau này.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

2. Nằm sấp

Mỗi ngày, nên dành thời gian để đặt bé nằm úp bụng xuống khi bé thức – ngay cả khi bé tỏ vẻ không thích. Nó sẽ giúp bé luyện tập cách ngóc đầu lên, chống hai khuỷu tay và giữ thăng bằng trên một khuỷu tay để tay kia tóm lấy đồ chơi. Vận động với đồ chơi khi phải điều chỉnh sức nặng cơ thể bằng cánh tay đỏi hỏi sự phối hợp nhiều khối cơ và kỹ năng hơn là khi bé nằm ngửa và vươn tay ra không khí bắt đồ chơi.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

3. Gập duỗi chân

Khi bé khoảng 3 tháng tuổi, đặt bé nằm ngửa, nhẹ nhàng nắm lấy hai mắt cá chân của bé trong tay bạn, gập đầu gối bé lại rồi duỗi thẳng ra để tăng cường sự linh hoạt cho bé và giúp bé cảm nhận được vị trí đôi chân. Bạn có thể biến trò chơi vận động này vui vẻ hơn bằng cách thêm các từ như “vào, ra” hoặc “chèo thuyền nào, chèo thuyền nào” kèm theo những nụ hôn vào chân bé. Khi vững hơn, bé sẽ tự co duỗi chân.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

4. Chơi bóng

Khoảng 6 tháng, bé có thể ngồi lên một quả bóng bơm hơi nếu bạn giữ bé ngồi chắc chắn trên hai mông. Nghiêng quả bóng một cách chầm chậm để bé có thời gian cảm nhận điều gì đang xảy ra và thay đổi trọng lượng của mình. Hoạt động này sẽ giúp làm vững chắc các khối cơ và tăng cường khả năng giữ thăng bằng.

5. Chơi đồ chơi trong khi ngồi

Khi bé đã tự ngồi được hoặc có sự trợ giúp từ bạn, đưa cho bé đồ chơi có trọng lượng và hình khối khác nhau. Việc bé nhặt đồ chơi, nhìn ngắm, đưa vào miệng, chuyển từ tay này sang tay kia, xoay tròn chúng để nhìn theo góc khác và đập chúng giúp trẻ tìm hiểu về đồ vật và học về ngôn ngữ.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

6. Chơi với các khối xếp hình

Trẻ chơi với các khối xếp hình không chỉ có kỹ năng vận động tốt hơn mà ngôn ngữ của bé cũng phát triển hơn. Trong quá trình trẻ phân loại và kết hợp các khối hình, bạn nhớ giải thích cho bé hiểu.

7. Chơi đồ chơi trong tư thế trườn, bò

Khuyến khích bé bò bằng bụng (trườn). Một số bé bỏ qua bước này để bò luôn bằng tay và đầu gối. Nhưng với động tác trườn, phần hông của bé sẽ được củng cố vững chắc hơn. Điều này cần thiết cho hoạt động đứng sau đó của bé. Chưa kể khối cơ ở vai cũng phát triển khi trườn và rất có ích khi bé tập viết chữ sau này. Khi bé tự bò được bằng tay và đầu gối, đặt đồ chơi phía trước ở các vị trí 11 giờ, 10 giờ, 9 giờ hoặc sang bên cạnh, giúp bé vừa điều chỉnh trọng lượng vừa chuyển hướng để tiến về phía món đồ chơi.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

8. Với lên cao

Đặt đồ chơi ở ngoài tầm với của bé để khuyến khích bé bò lên tìm hiểu và nắm lấy. Dần dần đẩy đồ vật đó lên cao hơn để bé tìm cách vươn tay tới.

9. Dựng chướng ngại vật

Thử thách bé yêu của bạn bằng một chiếc gối dựa lưng chắn ngang đường bò của bé. Ban đầu bé có thể sẽ bò vòng qua. Khi đó, hãy xếp nhiều gối thành dãy chướng ngại vật để bé bò vượt qua trước khi đến với món đồ chơi của bé.

11 tro choi giup be phat trien ky nang van dong tu nho

10. Giúp bé ngồi xổm

Khi bé đã tự đứng bên cạnh bàn hoặc ghế sofa, đặt một hộp nhỏ cách chỗ bé khoảng 20 cm. Đặt món đồ chơi bé thích lên nắp hộp. Bé sẽ tìm cách ngồi xổm xuống và với tay để lấy đồ chơi. Chuyển cái hộp sang hướng khác để bé quay người tìm và với. Di chuyển hộp cho tới khi bé có thể xoay người 90 độ. Hoạt động này giúp bé bắt đầu rời xa chiếc bàn/ghế đang đứng cạnh để bắt đầu di chuyển, đi lại.

11. Đẩy xe siêu thị

Khi bé yêu đã có thể ngồi xổm, đứng lên, xoay người, đưa cho bé đồ chơi là chiếc xe đẩy siêu thị. Nhờ đó, bé có thể luyện tập việc tự mình bước đi. Bạn nên đặt một chiếc túi có chứa đồ trọng lượng khoảng hơn 2 kg để chiếc xe không bị đẩy đi quá nhanh.

Lưu ý: Rất nhiều cha mẹ chọn đồ chơi có đèn sáng nhấp nháy hay âm thanh vui nhộn cho con vì nghĩ chúng có ích cho việc  khám phá thế giới của bé. Nhưng thực tế không phải vậy. Tiếng động khi khối xếp hình được bé thả vào xe ben cũng đủ làm bé thích thú. Bé cũng không cần chiếc xe phải phát sáng. Những thứ đó đôi khi lại làm bé xao nhãng hơn.

Huyền Nguyễn (Nguồn: Parents)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI