Mẹ ôm điện thoại, con ôm iPad

01/04/2017 - 11:34

PNO - Con trai tôi khá chậm chạp. Cháu thường tập trung đọc sách, chơi đồ chơi. Nhà có hai mẹ con, đôi khi mạnh mẹ, mẹ ôm điện thoại; mạnh con, con ôm ipad.

Tôi thấy không ổn, định dạy con làm việc nhà, mẹ con cùng làm cho vui, nhưng cháu tảng lờ. 

Me om dien thoai, con om iPad
 

Khi nói cháu làm việc gì đó, tôi thường nổi giận hoặc quát to, cháu mới chịu đi làm, hoặc kêu hoài mệt quá mình làm luôn cho khỏe. Hồi cháu còn nhỏ tôi có người giúp việc, nhưng khi cháu lên lớp 3, tôi quyết định dạy cháu tự làm một số việc cá nhân: phơi đồ, xếp đồ, quét nhà rửa chén, dọn dẹp đồ chơi...

Tôi cũng thỏa thuận với cháu công việc cháu cần làm, nhưng đã sáu tháng trôi qua, cháu vẫn chưa tự giác. Mệt mỏi, tôi định bỏ cuộc, thuê người giúp việc lại vì không biết phải nói thế nào cháu mới chịu nghe và chia sẻ việc nhà giúp mẹ. 

Huỳnh Hoa

(Bình Dương)

Chị Huỳnh Hoa thân mến, 

Dù cháu đã học lớp 3 nhưng có lẽ tính ham chơi, nhất là khi có riêng một iPad thật khó để cháu dứt ra làm việc nhà. Sáu tháng chưa phải là nhiều để thay đổi một thói quen, chị ạ. Cháu đã quen được có người khác làm thay, làm hộ nhiều năm qua. Muốn tập cho con một thói quen mới rất cần thời gian, sự kiên trì của chị và nỗ lực của cháu.

Nếu chị bỏ cuộc, sau này càng khó luyện tập thói quen chia sẻ việc nhà cho cháu. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cả tương lai sau này của con, khi cháu lấy vợ, cháu cũng sẽ không biết cùng vợ chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái. Và chị là người có trải nghiệm cuộc sống gia đình, chị cũng biết như vậy sẽ rất khó khăn cho hôn nhân của cháu, đúng không ạ?

Thuê người giúp việc không khó, nhưng vì mục tiêu giúp cháu tự lập, biết quý trọng lao động… chị hãy kiên nhẫn nhé. Con tự lập sẽ giúp chị bây giờ và sau này tự do hơn, bớt vất vả, bớt lo toan. Hơn nữa, có tự lập con mới tự tin vào bản thân, ở trong hoàn cảnh nào con cũng tự lo cho mình được. 

Trước hết chị cần tiếp tục hướng dẫn cháu làm các việc nhà để cháu tự tin rằng con làm được. Trong quá trình cháu làm, chị hãy động viên, khích lệ, khen ngợi nhiều hơn. Chị muốn bé chăm chỉ, chị khen cháu chăm chỉ, từ từ cháu sẽ muốn làm người chăm chỉ như chị tin tưởng và đánh giá cao cháu. Nếu chê trách, cháu sẽ chán không muốn làm nữa. 

Con trai thường muốn được thể hiện vai trò đàn ông trong nhà. Cháu cũng đã lớn, chị có thể khuyến khích cháu thể hiện tài năng trong một số việc “chỉ có con mới làm được”, “mẹ không biết làm”…

Thứ hai, chị nên quy định giờ nào được sử dụng iPad học, thư giãn. Những thiết bị công nghệ dễ gây nghiện và khiến trẻ mất thời gian học bài, làm việc nhà. 

Thứ ba, chị làm bảng phân công công việc giữa hai mẹ con. Và chị kiên quyết theo đúng sự phân công đó. Không làm thay cháu dù nhà cửa có bề bộn. Cho trẻ biết hậu quả của việc lười biếng là như thế nào: nhà sẽ bẩn, không có bát ăn cơm nếu không rửa, không có quần áo mặc đi học nếu không lo cất đồ… Có như thế cháu mới biết mình phải làm gì. 

Thứ tư, cần quy định thưởng phạt rõ ràng. Nếu làm tốt, thưởng những gì trẻ thích. Nếu trẻ không làm, sẽ phạt cắt bớt những gì trẻ mong muốn. Không đánh mắng hay la rầy trẻ. Nếu trẻ mải chơi và quên thì mẹ nhắc nhở. Nhắc đến lần thứ ba trẻ không làm thì cần phạt. 

Thứ năm, chị có thể mua tặng cháu một số truyện dành cho trẻ viết về đức tính tự lập, chăm chỉ… để cháu đọc và từ từ cháu sẽ học làm theo. Chị có thể mua sách Tâm hồn cao thượng, bộ sách Hạt giống tâm hồn, Rèn tính tự lập… ở các nhà sách. 
Chúc chị và cháu sẽ làm việc nhà cùng nhau trong niềm vui của cả hai, mẹ vui vì con chăm chỉ và con vui vì mẹ khen con, mẹ cần con giúp đỡ. 

Chuyên viên tâm lý Phạm Thị Thúy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI