Mẹ nằm chết dưới hiên nhà người ta

16/05/2019 - 09:00

PNO - Cho đến khi có người mang túi vải của mẹ đến nhà thông báo bà cụ đã chết trước cửa nhà nên họ chôn cất giùm, hai người con mới đau đớn tin rằng mẹ mình đã không còn...

Nhà kia có hai chị em cùng nuôi mẹ già. Vì mẹ đã bắt đầu lẫn và yếu nên cả hai chị em không ai muốn nuôi mẹ toàn thời gian. Họ chia nhau mỗi người luân phiên nuôi mẹ một tuần. Rạch ròi là vậy, họ vẫn tị nạnh, cãi cọ thường xuyên, vì cả hai đều coi mẹ già là gánh nặng.

Me nam chet duoi hien nha nguoi ta
 

Một lần nọ, trước khi đưa mẹ sang ở với cô chị, cô em nói tuần sau cô đi du lịch nên chị cứ để mẹ ở với chị hai tuần, rồi em sẽ nuôi mẹ tiếp hai tuần. Cô chị lồng lộn phản đối. Cô em bực bội cúp máy khiến cô chị càng thêm điên tiết. 

Cuối tuần đó, trong lúc cô chị loay hoay dưới bếp thì nghe tiếng mẹ: ”Mẹ sang nhà em đây!”. Nghĩ em đã sang đón mẹ, lại đang giận dỗi nên cô chị chẳng thèm bước ra khỏi bếp. Mẹ cứ thế xách túi đi. Tuần sau, rồi vài tuần sau nữa, cô chị không thấy cô em đưa mẹ sang, cũng hơi ngạc nhiên, nhưng vì đang giận nhau nên họ chẳng buồn liên lạc. Cô chị cứ đinh ninh chắc em dỗi không thèm đưa mẹ qua nữa. Vậy thì càng khỏe. Cho đến khi con của cô em đi học xa về, qua nhà chào bác. Vừa vào đến nhà, cậu đã hỏi bà đâu. Cô chị cười nhạt nói mày hay nhỉ, bà bên nhà mày chứ đâu. Đứa cháu ngạc nhiên nói mẹ bảo lâu rồi, bác không đưa bà qua nữa, chắc bác giữ bà nuôi luôn. Lúc đó, cả nhà mới náo loạn lên. Hóa ra bà mất tích cả mấy tháng rồi chẳng ai hay biết.

Họ hốt hoảng đăng tin tìm người lạc. Cho đến khi có người mang túi vải của mẹ đến nhà thông báo bà cụ đã chết trước cửa nhà nên họ chôn cất giùm, hai người con mới đau đớn tin rằng mẹ mình đã không còn. Chiều hôm đó, trong nghĩa trang xập xệ bên đường, có hai người phụ nữ vật vã khóc bên nấm mồ xanh cỏ. Người qua kẻ lại chép miệng: khổ, con cái nhà ai có hiếu quá, mồ mẹ xanh cỏ thế kia mà vẫn còn đau đớn!

Me nam chet duoi hien nha nguoi ta
Ảnh minh họa

Một sự thật đau lòng là 70-80% những gia đình có nhiều thành viên cùng chăm cha mẹ già thảy đều xảy ra mâu thuẫn, hiềm khích, tị nạnh lẫn nhau. Nếu không vì đùn đẩy trách nhiệm, thì cũng là chuyện tiền nong phụng dưỡng. 

Gia đình ông Hòa bà Yến có 4 người con. Thời còn trẻ, ông bà cực nhọc, vất vả lắm mới lo cho chúng học hành tử tế, ra trường có công ăn việc làm ổn định. Bốn người con của ông bà đều ngoan ngoãn, biết nghe lời cha mẹ, anh em cũng rất đùm bọc, thương yêu nhau. 

Các con lần lượt lập gia đình, sinh con đẻ cái. Những ngày nghỉ lễ, chủ nhật, nhà ông bà luôn ríu rít tiếng trẻ nhỏ vui đùa, tiếng người lớn trò chuyện quanh những bữa cơm ngon. Nhìn vẻ ngoài hạnh phúc của họ, không ai nhận ra được những mầm mống so đo, tị nạnh mà nguồn cơn bắt đầu từ các bên dâu rể. Trong khi chị Hai chỉ muốn mua nhà càng xa cha mẹ càng tốt, thì cậu Ba lại thích ở gần cha mẹ để chạy sang thăm hỏi mỗi tuần. Thế là vợ cậu Ba tỏ ra khó chịu: Sao chị và các em chả mấy ai về thăm cha mẹ, còn nhà mình chủ nhật nào cũng phải chầu rìa ông bà, không được tự do đi chơi? 

Đến khi bà Yến đột ngột qua đời sớm vì một cơn đột quỵ, ông Hòa vì quá đau buồn nên ngày càng suy sụp, không thể tự chăm sóc bản thân thì những mâu thuẫn giữa họ mới thực sự bắt đầu. Cả bốn chị em đều viện rất nhiều lý do để chối bỏ trách nhiệm chăm sóc cha già. Người có điều kiện vật chất thì không có thời gian. Người có thời gian thì nhà cửa lại quá chật chội. Thế là chỉ mỗi việc ai sẽ là người chăm sóc cha  cũng trở thành vấn đề gây tranh cãi. Sau một hồi đùn đẩy quyết liệt, nhiệm vụ nuôi cha được giao cho cậu út mới cưới vợ hai năm, chưa con cái, chưa có nhà riêng, về ở với cha là hợp lý nhất.

Mọi chuyện bắt đầu tệ đi khi dâu út mang thai, vừa mệt mỏi vì thai nghén, vừa phải chăm sóc cha già, trong khi những anh chị khác không buồn ghé qua thăm nom ông cụ, cô dâu út bắt đầu yêu cầu chồng phải bàn với anh chị em chuyện chia sẻ trách nhiệm nuôi cha. Nhưng cậu út ngần ngại, dùng dằng mãi mà không thực hiện, mâu thuẫn giữa hai vợ chồng ngày một trầm trọng.

Me nam chet duoi hien nha nguoi ta
Ảnh minh họa

Sống cận kề với người già đang ngày một yếu mới biết mọi việc khó khăn, và cần kiên trì đến thế nào. Ông Hòa bắt đầu lẫn lộn, vệ sinh tiêu tiểu không ý thức, tối ngủ hay rên rỉ, ăn uống đổ tháo, lại hay giận hờn, trách móc, kêu ca...

Những khó khăn này, các anh chị không ai biết vì không phải trực tiếp chăm sóc, họ nghĩ dâu út vô trách nhiệm, lười biếng, nên những hờn giận, trách móc, dằn xóc lẫn nhau ngày càng lớn dần. Cho đến khi họ bắt đầu so đo từng khoản đóng góp, xét nét nhau từng bữa ăn cho cha thiếu đủ ra sao, đi về là gặng hỏi cha kiểu xiên xéo xem cha có được hưởng những gì mình mang về hay không… thì tình cảm anh chị em trong nhà đã sứt mẻ đến mức khó lòng cứu vãn.

Tất cả chỉ vì sự không thẳng thắn rõ ràng, không chia sẻ cảm thông với nhau. Ai cũng thương cha mẹ, ai cũng xót cha mẹ, nhưng ai cũng bận rộn, lo lắng cuộc sống riêng của mình, chỉ thấy cái khó của mình mà không thấy những cái khó và sự đóng góp của người khác... mà ra nông nỗi. 

Song Văn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI