Mẹ ly hôn bố đi

28/08/2019 - 13:22

PNO - Trên thực tế, có nhiều bà mẹ sau khi nhận ra những dấu hiệu tổn thương biểu hiện rõ ràng ở con cái mới quyết định chấm dứt hôn nhân với nỗi ân hận là không đủ dũng cảm để thoát ra cảnh đó sớm hơn...

Người chồng Nguyễn Việt Lượng (Bắc Kạn) thẳng tay tát, đánh vợ đang bế con nhỏ trên tay và trước mặt con trai lớn. Võ sư Nguyễn Xuân Vinh (Hà Nội) hành hung vợ là chị L. khi chị đang bế đứa con mới sinh được hai tháng tuổi và trước sự chứng kiến của con trai lớn (6 tuổi).

Me ly hon bo di
Võ sư đánh vợ khi chị đang bế con nhỏ mới sinh và trước sự chứng kiến của con trai lớn. Ảnh cắt từ clip

Trong vụ việc xảy ra ở Bắc Kạn, bên cạnh sự bức xúc hành động vũ phu của người chồng, nhiều người bày tỏ sự lo lắng trước thái độ thờ ơ vô cảm của cậu con trai. Trực tiếp thấy cảnh cha đánh mẹ, cậu bé thản nhiên quay nhìn rồi tiếp tục xem tivi. Một số người phỏng đoán, có lẽ, đứa con thường xuyên nhìn thấy cảnh cha đánh mẹ nên không còn quan tâm nữa.

Trái ngược hoàn toàn phản ứng của cậu bé trên, trong đoạn clip ghi lại cảnh võ sư Vinh đánh vợ, đứa con trai có hành động cho thấy nhiều lần muốn can thiệp nhưng bị cha quát mắng phải lui vào phòng.

Chị L. chia sẻ sau sự việc: “Con trai tôi, mặc dù mới 6 tuổi thôi nhưng rất hiểu chuyện. Hôm qua, thằng bé nói với tôi: "Mẹ ly hôn bố đi ạ, con mừng cho mẹ" và “mong muốn lớn nhất bây giờ là mẹ con tôi được bình yên. Tôi muốn nuôi hai con, vì hai bé còn quá nhỏ, không thể nào ở với người bố suốt ngày vắng nhà, lại vũ phu như vậy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tương lai sau này của con".

Me ly hon bo di
Anh chồng ở Bắc Kạn đánh đấm vợ trước mặt con. Ảnh cắt từ clip
- Khi trẻ vị thành niên chứng kiến bố mẹ có hành vi bạo lực: 85,4% trong số đó có biểu hiện chán nản, lo lắng. Có 20% trẻ cảm thấy sợ hãi và 12,7% mất đi sự tôn trọng đối với bố mẹ. Thậm chí 5,5% còn lại muốn bỏ nhà ra đi

Rất nhiều người theo dõi các vụ bạo hành gia đình cho rằng "rồi cũng đâu vào đó". Vì đa số phụ nữ có tâm lý chịu đựng, nhẫn nhịn, chủ yếu là nhịn vì con. Vợ chồng chị L. kết hôn được mười năm, nhưng do không chịu được tính vũ phu của chồng, chị đã ly hôn sau một năm chung sống. Vì thương con, chị L. quay về sống chung với chồng và đến khi sinh đứa con thứ hai mới đăng ký kết hôn lại. Còn theo thông tin trên một tờ báo, anh chồng đánh vợ ở Bắc Kạn cho biết: sau vụ việc, vợ chồng họ đã vui vẻ, bình thường trở lại.

Thái độ hiểu chuyện của cậu con trai có thể sẽ giúp chị L. thêm động lực để đi đến mục đích ly hôn, dù khó mà nói trong hai sự việc trên, bé nào chịu tổn thương và ảnh hưởng nhiều hơn. Bởi những hậu quả tâm lý mà trẻ phải gánh chịu khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình chưa thể hiện ngay, mà sẽ bộc phát dần về sau.

Một nghiên cứu đã chỉ ra: “Những gia đình có bạo lực thường để lại di chứng nặng nề cho con cái. Trẻ gái thường tỏ ra rất mặc cảm trước mọi người, không thích giao tiếp, hoặc không dám kết thân với người khác, thiếu tự tin trong cuộc sống và luôn có tư tưởng bỏ học. Nếu tình trạng bạo lực gia đình kéo dài, các em sẽ dần rơi vào trạng thái lãnh cảm. Nếu nạn nhân là trẻ trai thì em có thể trở nên ương bướng, khó bảo, dễ gây gổ với người khác, học hành kém và rất nhiều em đã hư hỏng.

Me ly hon bo di
Phản ứng của những đứa trẻ khi chứng kiến cảnh bạo lực gia đình khác nhau nhưng đều để lại những hậu quả về đời sống tâm lý về sau. Ảnh minh hoạ

Những trẻ gái nếu phải sống trong một môi trường bạo lực, khi trưởng thành sẽ khó đặt niềm tin vào những người đàn ông khác và thường gặp trắc trở trong hôn nhân. Họ có niềm hoài nghi quá mức đối với người khác vì những lý do bắt nguồn từ việc chứng kiến các hành vi bạo lực giữa cha mẹ.”

Trên thực tế, có nhiều bà mẹ sau khi nhận ra những dấu hiệu tổn thương biểu hiện rõ ràng ở con cái mới quyết định chấm dứt hôn nhân. Và họ đã rất nỗi ân hận vì không đủ dũng cảm để thoát ra cảnh đó sớm hơn, nhằm giữ cho con một ký ức tuổi thơ êm đềm. 

                                                                                                                   Vũ Dũng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI