Mẹ già sành điệu

30/06/2019 - 09:30

PNO - Mẹ chủ động, vui vẻ và sống nhẹ nhàng, hân hoan với mọi thứ như một đứa trẻ. Sự hân hoan này ở một người phụ nữ đã quá vất vả và chịu không thiếu một nỗi đau nào, cứ làm chị em tôi suy nghĩ.

Sáng sớm, theo thói quen, tôi nằm vùi trong chăn, mở camera coi quang cảnh phòng khách trước khi thức dậy. Phòng khách sáng choang. Tấm rèm và cả khung cửa hướng ra ban-công ngày thường vẫn đóng vào ban đêm, giờ đang mở hết cỡ. Một người phụ nữ đang nằm dưới sàn trong một tư thế đặc biệt. Tôi chỉ mất một giây để reo lên trong lòng: “Mẹ!”. 

Me gia sanh dieu
Huấn luyện viên trên YouTube đang thực hiện tư thế con công và mẹ ráng làm cho được. Hình minh họa.

Mẹ vừa vào chơi với hai vợ chồng tối qua. Tôi vẫn bị hút mắt vào hình ảnh của mẹ trên màn hình. Mẹ đang cố gắng thực hiện tư thế con công - một tư thế cực khó trong yoga. Tôi vội khều chồng cùng nhìn. Chồng tôi nhanh chóng phát hiện trong camera, màn hình ti vi đang mở. Trên ti vi, một cô có vẻ là huấn luyện viên yoga đang làm tư thế gần giống mẹ tôi. Hai đứa phá lên cười. Mẹ đang tập yoga theo huấn luyện viên trên YouTube.

Một người phụ nữ 60 tuổi, sống ở nông thôn, chỉ mới tiếp cận với internet gần đây qua trang Facebook do các con lập cho, vậy mà lúc này đang “học yoga online”. Mẹ tự mở ti vi, tự vào YouTube, tự tra cứu video, chẳng đợi “bọn trẻ con” nào chỉ.

Chuyện người lớn tuổi lên mạng chẳng còn là điều lạ lẫm. Nhưng mẹ tôi là một người lớn tuổi chỉ mới biết đến điện thoại vài năm trở lại đây. Suốt độ tuổi lao động, mẹ làm công nhân. Có giai đoạn, khi chuyện làm ăn của cha tôi gặp khó khăn, mẹ một mình nuôi ba đứa con ăn học. Đến khi chị hai tôi ra trường thì cha tôi lâm bệnh nặng. Mẹ chật vật giữa công xưởng và bệnh viện suốt 5 năm trời để vừa kiếm tiền, vừa nuôi chồng.

Ngày tôi tốt nghiệp cũng là ngày cha qua đời. Năm đó, mẹ cũng về hưu. Trước đó, ngay cả việc gọi điện cho con, mẹ cũng phải nhờ cha bấm số giúp. Tưởng rằng những ngày nghỉ hưu mẹ sẽ chơi vơi, buồn bã. Nhưng, càng trong những ngày chỉ có một mình, mẹ càng cho chúng tôi thấy hình ảnh của một người phụ nữ độc lập, thú vị. 

Việc đầu tiên chúng tôi phải làm sau đám tang cha là… dạy mẹ dùng điện thoại. Mẹ học cực nhanh. Người dạy cũng bắt đầu… rối não vì mẹ cứ vừa học vừa hỏi. Tưởng chỉ dạy mấy phần cơ bản của điện thoại là đủ yên tâm rồi. Vậy mà vừa học được cách bấm số, nhắn tin, mẹ lại hỏi “thế cái Zalo là cái nào?”. Chúng tôi phá lên cười.

Hóa ra những ngày chăm cha ở bệnh viện, mẹ đã thấy một bạn trẻ đi chăm bệnh khác “gọi điện thoại thấy được mặt của người ở đầu dây bên kia” và hỏi thăm. Biết được cách gọi điện thấy mặt đó là thông qua “cái Zalo”, mẹ nhớ đến tận ngày được tiếp cận với điện thoại thông minh để hỏi cho bằng được.

Ngày mẹ “lên Facebook” mới thật là… một cuộc cách mạng. Mẹ kết bạn với tất cả con cháu, bình luận nhiệt tình, chỉn chu chính tả, lại còn thêm đủ loại “mặt cười”, “nhãn dán” sinh động không thua kém một người trẻ nào. 

Tôi nhớ giai đoạn đó, mỗi lần gặp mặt, anh em tôi lại hỏi nhau “đứa nào dạy mẹ nhắn tin Messenger, dùng mặt cười, bấm tiếng Việt trên Facebook?”. Nhưng chẳng có “đứa” nào dạy. Mẹ ở cách xa chúng tôi hàng ngàn cây số. Hễ hỏi mẹ, mẹ lại cười “nó có hết trên đó mà, mẹ tự tìm hiểu thôi”. 

Rồi cũng đến lúc mẹ dùng Facebook sành điệu còn hơn chúng tôi. Trong những cuộc gọi video, mẹ hay ghẹo tôi, đại loại: “Nay Facebook có cho bấm like trên tin nhắn nữa đó, con biết chưa?”. Nếu tôi chưa kịp biết, mẹ sẽ làm vẻ mặt hợm hĩnh: “Ừ có gì nói mẹ bày cho!”. Tôi vừa buồn cười, vừa ức. Có lần, tôi trả đũa: “Mẹ rành Facebook thế sao mẹ không kết nối lại với bạn cũ của mẹ đi? Sao Facebook mẹ chỉ toàn con cháu, buồn thế?”. 

Mẹ tiếp tục thể hiện sự “sành điệu” của mình: “Facebook cho tìm bạn qua tên trường cũ đó. Mà hồi đó mẹ học chưa hết tiểu học thì giải phóng, bà ngoại lại sinh cậu út nên sau giải phóng mẹ ở nhà chăm em. Ngôi trường làng đó sau đó cũng giải tán, bạn bè lên thị xã học tiếp. Facebook nó đâu biết cái trường làng cũ rích đó đâu mà… tìm bạn giùm mẹ”. Mẹ nói tỉnh rụi. Nhưng tôi xót xa và xấu hổ vô cùng vì đã trót buông một lời đùa dại.

Thấy mẹ “sành điệu” và vui vẻ vậy, không ai nghĩ mẹ bận bịu, quần quật sớm hôm. Từ lúc cha tôi mất, bà nội cũng nằm liệt giường vì bệnh nặng. Nhà nội đông con cháu, nhưng mẹ tự nhận mình “rảnh rang, có điều kiện nhất” nên ôm hết về mình phần chăm sóc bà nội. 

Những năm cuối đời, bà nội tôi dành toàn bộ những cuộc gặp gỡ họ hàng để… khen ngợi đứa con dâu sớm mất chồng mà lại hiếu đễ, trọn vẹn với nhà chồng. Nội mất. Mẹ lại tiếp tục hành trình đi quanh nhà ba đứa con để lần lượt chăm đẻ, rồi trông cháu. Các con đều sống ở Sài Gòn, nhưng mẹ kiên quyết chỉ “đi tour” - tức là đi một vòng ở mỗi nhà một vài tháng, rồi về ngôi nhà ở miền Trung chứ không chịu vào thành phố ở hẳn. Trước mỗi đợt về quê, mẹ hay dứt khoát: “Đừng đứa nào giữ mẹ, để mẹ về với ba mày!”.

Mẹ không rành đường sá ở thành phố, nhưng mẹ chưa bao giờ phụ thuộc chuyện đi lại vào các con. Trước đây, chúng tôi phải thay nhau đưa đón mẹ giữa các nhà. Rồi có lần, mẹ chợt đề nghị “mua cho mẹ chiếc xe đạp đặng mẹ đi tập thể dục mỗi sáng”. Chẳng ngờ, vừa có được chiếc xe đạp, mẹ đã tự mày mò đạp xe từ nhà tôi ở Đa Kao (Q.1) sang nhà anh tôi ở cư xá Bắc Hải (Q.10). Trong vất vả ngược xuôi, mẹ vẫn tận dụng mọi thời gian rảnh để tự tìm niềm vui. Ở mỗi khu vực mà anh em tôi ở, mẹ đều có một nhóm bạn tập thể dục buổi sáng. Dù ở Q.1 hay Q.10, cứ tầm 5g30, mẹ thức dậy ra tập thể dục với các cô bác trong khu phố, rồi 6g30 lại bắt đầu một ngày chăm cháu. 

Chúng tôi vừa ngỡ ngàng, thán phục, vừa dỗi vì mẹ… quá liều. Nhưng mẹ vẫn cười tỉnh rụi, nói nửa đùa nửa thật: “Mẹ hỏi đường mấy chú bảo vệ. Thấy chú nào đứng buồn thiu trước đường là mẹ dừng lại hỏi đường qua cư xá Bắc Hải. Người ta nhiệt tình lắm. Tội nghiệp, làm cái nghề đó buồn, dễ gì có ai để mà trò chuyện, chỉ đường…”.

Me gia sanh dieu
Ảnh minh họa

Mẹ chưa từng trách giận con cái. Có lúc bận việc hoặc vô tâm mà để mẹ chờ đợi, tôi hay hỏi mẹ có buồn không, sao mẹ không giận tụi con bao giờ? Mẹ hay nói: “Ai cũng có việc riêng, trong lúc con bận việc của con thì mẹ phải tự biết tìm việc của mẹ mà làm chứ hơi đâu mà giận?”. 

Mẹ con tôi hiếm khi ngồi bàn bạc về những chuyện tiêu cực, cũng ít khi chia sẻ những chuyện buồn. Cũng có vài lần, vợ chồng tôi loáng thoáng than phiền về nhân viên. Thường thì sau đó, mẹ lại lân la hỏi tôi cặn kẽ về nỗi phiền đó. Mà lúc nào kể xong, tôi cũng thấy mẹ nói rất nhẹ nhàng: “Người ta có thái độ vậy là do con đã…”. Cuối cùng, mọi nỗi phiền muộn đó đều là do tôi đã gián tiếp hành xử sai.

Điều mẹ nói mới nghe thì rất vô lý, nhưng khi hiểu hết lời mẹ, tôi mới thấm thía rằng mọi điều không như ý với người xung quanh đều có phần do bản thân mình. Và tôi chẳng thể nào thay đổi được chuyện đó nếu tôi không tự điều chỉnh cách hành xử của mình. 

Sau này, hễ gặp riêng nhau, anh em tôi lại hay đem chuyện mẹ ra kể như một thiên truyện thú vị nhất đời. Tôi còn nhớ, mùa mưa bão đầu tiên sau khi cha mất, anh em tôi như ngồi trên đống lửa khi căn nhà cấp bốn ngoài kia chỉ có mình mẹ ở. Báo đài cập nhật tin bão liên tục. 

Tôi gọi điện vòng quanh cho bạn bè, và cả các dì ngoài quê để hỏi thăm. Ai cũng cập rập miêu tả cơn bão đang đổ bộ với giọng lo lắng. Đến khi gọi cho mẹ, mẹ tỉnh rụi: “Mẹ có thấy gì đâu? Gió sơ sơ hà!”. Thấy tôi có vẻ chưa yên tâm, mẹ nói thêm: “Con nhớ cây khế ba trồng năm ngoái không? Nó ốm teo vậy mà còn chưa bị gì thì đâu có gọi là bão!”. Mẹ nói gọn hơ rồi cúp máy. Đó là cách mẹ nhìn “bão”, nhìn đời. Sống với mẹ, chúng tôi cứ thấy an bình, vững dạ trước những biến cố - không phải vì “gió sơ sơ”, mà vì cái vẻ ung dung tự tại toát ra từ mẹ. 

Mẹ chủ động, vui vẻ và sống nhẹ nhàng, hân hoan với mọi thứ như một đứa trẻ. Sự hân hoan này ở một người phụ nữ đã quá vất vả và chịu không thiếu một nỗi đau nào, cứ làm chị em tôi suy nghĩ.

Minh Trâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI