'Mẹ đừng nói to và đánh con nữa nhé!'

19/09/2018 - 06:00

PNO - “Mẹ nhớ đừng nói to và đánh con nữa nhé!”, con gái nhỏ vừa vào lớp Một thỏ thẻ trước giờ học bài. Tôi ứa nước mắt. Tôi thương con đến thế, vậy mà tôi mãi không kiềm chế được cảm xúc khi dạy con học.

Từ khi sinh con bé, hai vợ chồng tôi thống nhất để con tự do phát triển, tận hưởng tuổi thơ. Tới khi con học lớp lá, các bạn cùng lớp đã học viết chữ thành thạo tôi vẫn tảng lờ trước phản ánh của cô giáo rằng con cầm bút còn yếu, viết chữ và số bị ngược.

Tôi nói với các cô không sao cả, chừng nào vào lớp một hẵng hay, tuổi thơ ngắn ngủi, tôi muốn con trải qua những tháng ngày vô tư đúng nghĩa.

'Me dung noi to va danh con nua nhe!'
Hãy để trẻ mỗi ngày đến trường là một ngày vui. Ảnh: Thanh Huyền.

Trước ngày con tựu trường hai tháng, những đồng nghiệp có con bằng tuổi liên tục khoe con họ viết chữ thông thạo, thậm chí có một chị bạn post lên facebook cá nhân rằng con gái mình chưa đầy năm tuổi đã đọc được truyện. Đến lúc này tôi bắt đầu…hoang mang.

Tôi đăng ký cho con luyện viết chữ tại nhà văn hóa thiếu nhi gần nhà để con tập làm quen với nề nếp, đỡ bỡ ngỡ hơn khi chính thức học lớp một.

Thế rồi con tựu trường trong niềm háo hức. Vì trước giờ tôi luôn để con tự do nên con chưa bao giờ phải chịu áp lực. Tôi còn nhớ con đếm ngược từng ngày cho tới ngày khai giảng, con đòi đi học để được chơi với bạn bè, lấy làm thú vị khi được mua cặp sách, bảng phấn, sách vở.

Tuần đầu tiên chỉ làm quen, chưa học nên rất vui, về nhà con bé kể cho mẹ những người bạn mới, bữa ăn ở trường, thầy cô giáo mới. Nnhưng khi bắt đầu có bài tập về nhà, mọi chuyện thay đổi. Con lảng tránh kể về những bài học, chỉ kể tới các câu chuyện chơi đùa với bạn bè.

Rồi con buột miệng nói: “Mẹ ơi hôm nay con viết chữ đỡ xấu hơn nên giờ ra chơi không bị ở lại lớp rèn chữ ạ”. Hóa ra những bé nào viết yếu giờ ra chơi sẽ phải ngồi tăng cường rèn chữ. Vì muốn con giờ ra chơi không bị ngồi rèn chữ nên tôi đã…ép con học.

'Me dung noi to va danh con nua nhe!'
Bao nhiêu năm tôi không hề đánh con, mà sao tới phút này lại không thể kiềm chế được cảm xúc. Hình minh họa

Thay vì để con tự học, mỗi buổi tối tôi ngồi canh con gái viết chữ (bài tập về nhà). Tôi đòi hỏi ở con cao hơn. Trong quá trình dạy con học, tôi đã không kiểm soát được cảm xúc, la mắng khi con làm sai nhiều lần, thậm chí tôi lỡ tay… đánh con.

Sau khi tôi nổi nóng, con bé không còn dám đùa giỡn nữa, tập trung vào nét chữ và làm bài đúng nhưng cứ thút thít khóc. Việc học không còn vui vẻ nữa, cả hai mẹ con đều mệt mỏi, không khí gia đình căng thẳng.

Để hoàn thành xong bài tập về nhà, con bé phải đứng lên rửa mặt hai lần bởi ấm ức khóc sưng cả mắt. Tối con bé ngủ, tôi vô cùng hối hận, chạy sang phòng ôm hôn, nói lời xin lỗi con. Tôi đã hứa không bao giờ nổi cáu hay đánh con nữa, nhưng tới hôm sau, lúc dậy con học tôi vẫn… đánh.

Sáng nay trước khi đến trường, con bé đang tươi cười rúc vào lòng mẹ, tôi dặn con đi học nhớ chú ý viết chữ cho đúng ô ly, đột nhiên con bé mếu máo, nước mắt lưng tròng. Đưa tay quẹt nước mắt, con bé lí nhí: “Mẹ ơi, lỡ con viết chữ xấu mẹ đừng nói lớn hay đánh con nữa nhé!”.

Lòng tôi chùng xuống, cảm giác hối hận dâng trào. Tiễn con bé ra cửa, tôi miên man tự vấn. Tôi nghiêm khắc với con như vậy, quát mắng con, đánh con để đạt được gì? Cứ cho là con bé sẽ viết chữ đẹp hơn, nhưng như vậy có đáng không? Có đáng không khi tôi làm tổn thương con gái mình, làm tôi biến thành một người xấu xí trong mắt con bé.

'Me dung noi to va danh con nua nhe!'
Ước gì các con không gặp áp lực nào trong việc học chữ. Hình minh họa

Tôi tự cho rằng mình không quan tâm tới chuyện thành tích học tập, để con đi học mỗi ngày đều cảm thấy vui vẻ nhưng chính tôi không làm được thế. Tôi vẫn bị cái gọi là số đông tác động dù biết là sai, tôi tưởng ép con học ở nhà giúp giảm áp lực ở trường cho con nhưng hóa ra lại vô tình nhân đôi áp lực. Một câu hỏi cho chính bản thân tôi và nhiều phụ huynh đang có con vào lớp một: Có đáng hay không?

Tôi đem câu chuyện của mình và con gái chia sẻ với một người bạn là giáo viên bậc tiểu học và bất ngờ khi bạn nói như vậy: “Đa số trẻ vào lớp một biết viết trước hết rồi. Tuy nói là vào lớp một mới bắt đầu học nhưng quy luật bất thành văn ai cũng hiểu. Nếu phụ huynh không cho trẻ tập viết chữ từ trước, lúc vào lớp một bé sẽ đuối hơn chúng bạn. Điều đó còn khiến giáo viên rất mệt, lớp đã đông nay lại còn phải kèm thêm cho những bé chưa biết viết”.

Nghe có vẻ sai sai, ngượng ngạo nhưng đó lại là thực tế đang diễn ra. Chúng ta là người lớn mà cứ nói một đằng làm một nẻo, chỉ khổ cho con trẻ!

Thanh Huyền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI