Mẻ bánh Trung thu của nhà hàng xóm

21/09/2018 - 09:11

PNO - Cha nói, ông biết chị em tôi rất thèm bánh trung thu, nhưng hãy cố gắng vài mùa trung thu nữa, nhà khá giả hơn, cha sẽ mua cho chúng tôi ăn thỏa sức...

Tôi vẫn nhớ cái thời học sinh. Thời đó quà bánh rất ít, mà có chăng cũng hiếm khi cha mẹ có tiền mua cho. Lâu thật là lâu mới xin theo cha lên chợ để “ngắm chợ” mà thật ra là để ăn dĩa bánh đúc, uống ly sương sa hột lựu.

Me banh Trung thu cua nha hang xom
Ngày ấy, những chiếc bánh trung thu đẹp đẽ là niềm ao ước của chúng tôi. Hình minh họa

Vậy nhưng cũng hiếm khi nào được ăn cả hai món, bởi gia đình tôi nghèo quá, tiền cơm gạo đã khiến áo cha đẫm mồ hôi rồi.

Vậy mà bỗng dưng có bác Năm Mẫm - người hàng xóm mua nhà cạnh nhà tôi và mở lò sản xuất bánh ngọt. Bánh lột da là chiếc bánh nhân đậu xanh có vài tóp mỡ ấy, nhưng lớp bột làm da bên ngoài thì rất tuyệt. Người ăn cứ cầm cái bánh, lột ra từng lớp da nhẩn nha ăn đến thỏa cơn thèm. 

Ngoài bánh lột da còn bánh bao sữa, là loại bánh chỉ có bột thôi, không  nhân nhưng ngọt mềm và to bằng cái đồng xu. Mỗi lần ăn phải vài bịch, mỗi bịch mười cái mới thỏa cơn thèm.

Bánh dẻo bột nếp lá dứa một lớp xanh, một lớp trắng cũng rất ngon, chẳng biết làm bằng nếp gì mà mấy cô bé “tiết kiệm” bánh như tôi, cứ có được một chiếc bánh dẻo thì…kéo nó dài ra gấp hai lần để ngắt chia cho mấy đứa em vẫn đủ.

Nhưng tôi thích nhất vẫn là mùa trung thu, để nhà bác Năm làm bánh trung thu và gia đình tôi sẽ được “hưởng xái” lòng trắng trứng vịt.

Trứng vịt muối sẽ được tách ra lấy lòng đỏ. Vì sau khi muối xong, lòng đỏ sẽ đông lại, dùng để làm nhân bánh trung thu, lòng trắng không đông nhưng rất mặn, chiên ăn cơm cũng đỡ tốn tiền khô mắm nhưng phải để nhiều bột nêm, đường.

Me banh Trung thu cua nha hang xom
Hình minh họa

Ngày đó, bác Năm nướng bánh bằng bếp củi, mùa trung thu là chiều chiều con nít cả xóm bu lại nhà bác chật đầy. Đứa ôm củi cho vào lò, đứa lau xửng để xếp bánh vào, đứa sẵn sàng bao bì để bánh chín thì đóng gói vào.

Tất cả không khí tất bật đó chẳng qua là để bánh chín, có cái nào “quá lửa” hay méo mó, nứt bể thì sẽ được ông chủ lò bánh “từ thiện” cho bọn trẻ háu đói này.

Tôi không phụ chụm lửa, xếp bánh như các bạn, mà nhờ biết làm bếp từ rất sớm nên có thể cầm con dao xắt lạp xưởng thật bén ngọt. Bác Năm gái đã giao cho tôi xắt thau lạp xưởng để làm nhân bánh.

Hết xắt lạp xưởng thì tới mứt bí. Những thanh mứt đã nhỏ như ngón tay mà phải xắt ra bằng hạt tiêu thì thật là kỳ công với cô bé tuổi 13. Tay đứt, tay nổi bóng nước là chuyện bình thường trong nghề dao thớt của mùa trung thu ngày ấy. Để rồi công khó đã được ông bà chủ lò bánh tặng thưởng bằng sáu chiếc bánh trung thu to nhất xửng vào đêm trăng tròn tháng Tám.

Cha tôi nằm đưa võng ngắm trăng, tôi mang túi bánh mời cha nhưng hình như cha không tin vào mắt mình nên nhỏ nhẹ bảo: “Cha biết chị em con rất thèm bánh trung thu, nhưng hãy cố gắng giùm cha vài mùa trung thu nữa, nhà khá giả hơn, cha sẽ mua bánh cho tụi con ăn thỏa sức”.

“Không cần mua đâu cha, bác Năm đã cho rồi nè”. “Sao con nói dối vậy? Người ta làm bánh là để bán, ai lại cho nhiều như vậy? Nghèo cho sạch, rách cho thơm, sao con vừa ăn cắp vừa nói dối vậy?”.

Tôi khóc òa vì cha không tin mình, đến nỗi mẹ đang dỗ em nhỏ trong nhà cũng phải chạy ra hỏi rõ nguồn cơn.  Để “minh oan” cho tôi, mẹ đã dắt tôi qua lò bánh, chừng biết rõ bánh được cho tặng do mấy ngày qua tôi đã làm phụ thì mẹ rưng rưng nước mắt nói với cha rằng “Con mình nó nhận bánh từ công lao động chứ không có ăn cắp đâu anh”.

Me banh Trung thu cua nha hang xom
Tôi vẫn thích những chiếc bánh đáng yêu đẫm vị tuổi thơ. Hình minh họa

Bây giờ cha mới ôm chầm lấy tôi, vỗ vỗ lên đầu tôi nhỏ giọng “cha xin lỗi…xin lỗi…”. Tôi không ngừng khóc, nói rằng “Con không có giận cha, chỉ là bác Năm cho nhiều bánh quá nên cha nghi ngờ  thôi. Giờ mình có nhiều bánh rồi, mình đem biếu bà nội một cái, còn bao nhiêu cả nhà mình ăn cho đã nghen cha?”.

Đó là những chiếc bánh trung thu thơm ngon và quý giá nhất trong đời tôi.

Đ. P. Thùy Trang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI