Mắt nhắm mắt mở để có chồng

06/08/2019 - 18:00

PNO - Chẳng biết họ quen nhau từ khi nào, mà vừa qua giỗ đầu của vợ, đã thấy anh thông báo cưới xin lần nữa. Âu cũng do cái số anh Cả nhiều vợ, nên đành phải chấp nhận thôi…

Hồi Liên về làm dâu trong nhà, đã thấy anh Cả đang sống cùng người vợ thứ hai. Nghe chồng Liên kể, con gái đầu của anh Cả giờ ở với mẹ. Không phải chu cấp gì đâu, nhà vợ cũ anh Cả giàu lắm.

Liên hỏi chồng lý do họ chia tay, chỉ nhận được câu trả lời vu vơ lúc này lúc khác. Chị dâu (cũ) dở hơi, yếu đuối, tiểu thư, không phù hợp. Hoặc, chị dâu (cũ) ỷ thế con nhà giàu, không coi chồng ra gì. Chung quy chẳng thấy anh Cả có lỗi gì trong cuộc ly tán cả.

Vợ sau của anh Cả buôn bán. Chị miệng nói tay làm, liến thoắng, nhanh nhẹn. “Lẽ ra bố mẹ phải là do vợ chồng chị phụng dưỡng, nhưng em cũng thấy đó, gia đình chị còn khó khăn quá. Mai này đỡ hơn, anh chị sẽ không để vợ chồng em phải thiệt thòi…”. 

Mat nham mat mo de co chong
Ảnh minh họa

Những câu xã giao đó khiến Liên kết luận rằng, ít ra chị dâu cũng là người biết nghĩ, phát ngôn thay chồng. Chứ anh Cả, quanh năm cứ thấy im lặng, lầm lì…

Chẳng biết anh Cả công việc thế nào, nhưng chồng Liên luôn kể rằng nhà anh chị túng thiếu, tội nghiệp lắm. Để anh gửi ít quà bánh cho cháu… Chị dâu rụt rè mở lời mượn vợ chồng Liên chút tiền xoay xở. Liên lúc ấy đang mang bầu đứa con đầu lòng, chưa dành dụm được gì. Mẹ chồng hờn dỗi đi ra đi vào, tuyên bố: “Nếu vợ chồng anh Cả mày không lo được, thì có mẹ trả. Chẳng ai quỵt của mày đâu mà sợ. Khéo lo, có mấy đồng bạc mà to hơn cả tình nghĩa anh em ruột thịt…”.

Muốn êm cửa êm nhà, Liên đành phải mang số tiền ít ỏi của mình giao cho anh chị Cả “làm ăn”. Lời hứa “sang năm anh chị trả” giờ như gió thoảng mây trôi. Mẹ chồng Liên qua đời, rồi tới chị Cả “phiên bản hai” cũng mất đột ngột vì tai nạn. Món nợ ấy thành khó đòi, chìm vào quên lãng. Quan trọng nhất, anh Cả lẫn chồng Liên chưa từng đả động gì tới khoản vay kia…

Cũng năm đó, con trai lớn của anh Cả đi chơi đêm bị té xe, chết trẻ. Cậu con nhỏ, ngay từ hôm tang mẹ đã được anh Cả “cơ cấu” về sống với dì. Còn ai có thể lo cho nó tốt hơn dì ruột nữa chứ! Anh Cả là đàn ông, bản thân mình còn không biết tự chăm sóc, làm sao có thể tắm giặt, cháo sữa cho một thằng nhóc mới lên bốn… Anh vốn chỉ quen đi làm, về nhà có sẵn cơm nước, quần áo thơm tho. Dẫu tiền lương của một anh công chức cũng chỉ đủ cho anh đổ xăng với chi dùng cá nhân.

Không ai bất ngờ khi anh Cả nhanh chóng tái hôn. Một người đàn ông như anh Cả, sao có thể sống vò võ một mình cơ chứ! Chị Cả “phiên bản ba” là thợ làm móng tay, gội đầu. Chị quá lứa nhưng trông cũng dễ coi. Hằng ngày chị cặm cụi từ sáng sớm tới tối mịt ở cái tiệm bé xíu thuê gần nhà. Chẳng biết họ quen nhau từ khi nào, mà vừa qua giỗ đầu của vợ, đã thấy anh thông báo cưới xin lần nữa. Âu cũng do cái số anh Cả nhiều vợ, nên đành phải chấp nhận thôi…

Mat nham mat mo de co chong

Ảnh minh họa

Chị Cả “phiên bản ba” vài năm không sinh nở được. Anh Cả thở dài than buồn vì không được làm cha. Con cái là lộc trời cho, mình ít phúc phần quá. Liên thầm nghĩ, vậy đứa con gái đầu với người vợ trước, con trai nhỏ của người vợ hai, anh đã làm tốt trách nhiệm người cha chưa, mà còn đèo bòng thêm con cho nặng nợ đời?

Bố chồng sống với vợ chồng Liên, vài năm sau này đau yếu, mọi sinh hoạt đều phải có người lo. Chưa lần nào Liên thấy anh Cả gọi một cuộc điện thoại hỏi thăm, đừng nói gì tới phụ đỡ tiền bạc hay quà bánh cho bố. Có đợt anh đi công tác ghé ngang nhà Liên tắm gội, bà giúp việc nhắc anh vào đút cho bố chén cháo, anh kiếu mệt, từ chối. 

Cũng khó trách anh, họa hoằn mới nhìn ông già ngoài tám mươi nằm lâu bị lở loét, răng cỏ không có, trệu trạo nuốt từng muỗng cháo, quả là hình ảnh không dễ chịu…

Đợt rồi, anh Cả vào một mình, chiều muộn đi nhậu say về, gay gắt ý kiến với Liên: “Đàn bà làm gì mà giờ này còn chưa dọn cơm để sẵn!”. Rồi anh quay sang quát hai đứa con Liên đừng làm ồn. Anh sừng sộ với từng vật dụng trong nhà, mắt vằn tia đỏ. Liên lánh lên lầu, gọi điện kêu chồng về sớm. Loáng thoáng dưới nhà vẫn nghe anh Cả lè nhè. Hóa ra anh Cả cũng có lúc nói nhiều, chứ nào chỉ biết mặc kệ dửng dưng mọi việc…

Rồi tới ngày bố chồng Liên khuất núi. Tang lễ bố, anh Cả áo xống chỉnh tề đủ bộ, vẻ mặt đau xót cùng cực. Lúc cúng cơm, anh từ tốn gắp từng miếng thức ăn ra chén, nước mắt chảy dài trên mặt. Liên chợt nhớ tới ngày chị Cả “phiên bản hai” mất, nghe lối xóm kể rằng, chị Cả chết làm ma đói, vì gần trưa mà còn chưa kịp ăn gì. Sáng vội vàng đưa đón con rồi chạy ra chợ, nên mới ra cớ sự. Người đàn bà ấy tất tả mua bán vẫn không nuôi đủ hai con và hầu hạ ông chồng có nét mặt lúc nào cũng ngẩng cao quá mức cần thiết. 

Trong bếp, chị dâu “phiên bản ba” của Liên đang lẳng lặng nấu thêm thức ăn, vì anh Cả không nuốt nổi mấy món chay trong đám ma. Tự dưng Liên bỗng cám cảnh thay cho phận đàn bà, mắt nhắm mắt mở cam tâm chấp nhận một tấm chồng… 

Hải Yến

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI