Mặc cảm ở rể, chồng bắt tôi gửi con về nhà nội

29/07/2018 - 06:00

PNO - Vợ chồng tôi đang sống cùng nhà ngoại. Nhưng chồng bắt tôi gửi con mới một tuổi về nhà nội vì sợ mang tiếng nhờ nhà vợ...

Làm cùng khu chế xuất Tân Thuận, lại cùng cảnh ở trọ với chúng bạn nên chúng tôi đồng cảm và yêu nhau. 

Khi cưới nhau, cả hai có tài sản gì, thuê nhà ở chung thì cũng mất ít nhất ba triệu đồng một tháng. Nhà cha mẹ tôi rộng rãi, nhưng ở phía Bình Chánh, bên kia thành phố, cách nơi làm việc chừng 20km. Tính tới tính lui, chúng tôi quyết định cưới xong sẽ về ở với ông bà ngoại.

Tuy đường đi làm hơi xa, nhưng nếu vợ chồng đi chung xe thì cũng tiết kiệm được một nửa tiền xăng. Do tới lui nhà cha mẹ tôi nhiều lần, biết ông bà hiền lành, thoải mái nên anh cũng hăm hở về bên ngoại ở.

Sống ở nhà vợ, tuy việc ăn uống có ba mẹ tôi lo, thuận lợi nhiều mặt, nhưng tôi biết chồng có những khó chịu nhất định. Mỗi cuộc nhậu cùng bạn bè, anh hay nói ra những suy nghĩ phẫn uất, không vui.

Mac cam o re, chong bat toi gui con ve nha noi
Chồng đòi gửi con về cho bà nội nuôi khiến tôi phát điên. Ảnh minh họa

Chẳng hiểu do kiếm cớ bất mãn cảnh ở rể hay sao mà hàng ngày, anh chỉ việc ăn và đi làm như khách trọ, không hề động tay động chân vào bất cứ việc gì.

Có lần bố tôi vắt vẻo trên cây khế tỉa cành chống bão mà chồng ôm điện thoại chơi game. Bà hàng xóm sang chơi thấy vậy đã mát mẻ: “Con rể ông đau chân hay sao?”.

Tôi có nhắc chồng phụ giúp ba mẹ, nhưng anh lờ đi. Nhiều tối anh bỏ ăn, đi uống rượu tới say mèm, về tìm cớ gây sự với tôi. Anh nói anh không phải chủ nhà, nhưng cũng không phải đầy tớ ở trong nhà mà muốn sai bảo gì cũng được.

Tôi biết anh ấm ức cảnh ở rể, nhưng tôi thấy chúng tôi lương còn thấp, ở với cha mẹ mọi thứ đang bền vững, nếu vợ chồng kẹt tiền, mẹ tôi cũng không lấy tiền ăn. Chúng tôi còn phải tiết kiệm để sinh con. Chưa kể sinh con sẽ có ông bà phụ giúp.

Đúng vậy. Khi tôi sinh con, nhà ngoại bao thầu tất cả. Bà nội đón xe vượt 100km từ miền Tây lên thành phố thăm cháu, chứ không phải phụ giúp gì. Tôi nghĩ bà lớn tuổi, hay ốm đau, còn đi thăm cháu và con dâu là quý rồi. Chỉ khổ bà ngoại, vừa chăm con gái sinh nở, vừa phục vụ cả bà thông gia.

Bà nội ở hai tuần mà bữa cơm nào mẹ tôi cũng nấu nướng tươm tất, đi chợ soạn nhiều món như đãi khách quý. Nhưng chồng tôi thì ngủ riêng, lấy cở để sáng đi làm không mệt.

Ngoài giờ, anh cũng không hề không chăm sóc tôi hay bế con, cũng chẳng phụ mẹ tôi việc nhà. Đụng tới việc gì anh đều tự ái, lôi chuyện ở rể ra để trách móc hờn giận.

Vừa rồi, chúng tôi tổ chức thôi nôi khi con tròn tuổi. Xong tiệc, anh khăng khăng bắt tôi gửi con về cho nhà nội nuôi. Tôi không hiểu sao anh lại có ý nghĩ kỳ quặc đến như vậy. Thà rằng, nhà ông bà nội có điều kiện đã đành, đằng này, tôi về vài lần, thấy không thể gửi cháu được.

Bà nội đau ốm luôn, ông nội suốt ngày say xỉn. Chưa có lần nào tôi về chơi mà thấy ông tỉnh táo. Lý do chồng tôi đưa ra là để cho nhà nội có trách nhiệm, chứ cứ phụ thuộc nhà ngoại thì anh không ngẩng mặt lên được. Vả lại, anh nói, giờ nhà chỉ có hai ông bà nội, bà còn lo được, đưa cháu về cho vui cửa vui nhà.

Mac cam o re, chong bat toi gui con ve nha noi
Chồng không lo tiết kiệm để làm nhà, giờ nảy sinh ý định kỳ quặc, tôi không sao chịu được. Ảnh minh họa.

Tôi hiểu anh tự ái khi ai đến thăm con đều khen: "Nhờ có ông bà ngoại chăm mới kháu khỉnh thế này", "Hai đứa bay sướng quá, như chuột sa chĩnh gạo, nhờ bà ngoại cả". 

Vì chuyện chồng đòi đem con gửi nội mà vợ chồng tôi cãi nhau liên miên. Tôi vẫn giữ quan điểm, con mình sinh ra thì mình phải nuôi, con phải ở bên mình, chứ không thể thả cho ông bà hoàn toàn. 

Tôi nhỏ to với anh, nếu không muốn sống cùng nhà ngoại thì cố gắng dành dụm để ra ở riêng, thuê nhà gần nơi làm việc, rồi tôi sẽ gửi con đi nhà trẻ. Nhưng chồng tôi vốn có thói hoang phí, làm được đồng nào sắm điện thoại, nhậu nhẹt đồng ấy. Tôi có chắt bóp cỡ nào thì lâu nay cũng vào tiền sữa, tiền tã giấy cho con, không tích lũy được gì. 

Tôi đang nín nhịn từng ngày, mong con lớn, chi phí giảm đi rồi tính tiếp, chứ cứ kiếm cớ "anh hi sinh vì ở rể nhà em" rồi nảy ra nhiều ý định chẳng giống ai như thế này, làm sao tôi chịu nổi.

Vân Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI