'Má' Hổ của những đứa trẻ nghèo

03/11/2018 - 14:05

PNO - "Chăm sóc thể chất và tinh thần cho tụi nhỏ trong căn phòng trọ chật hẹp này là cách mà tôi gieo cho chúng một tương lai, cũng là nuôi cho mình một nụ cười lạc quan".

“Sinh ra đã khác thường, tôi không muốn sống đời bình thường, cơm no áo ấm cho bản thân rồi kết thúc chẳng còn lại gì. Một bông hoa đẹp cách mấy cũng sẽ tàn nhưng một mảnh đất sẽ cho nhiều hơn một bông hoa…”. Đó là lẽ sống đã làm nên Ngô Tứ Hổ hôm nay, thầy giáo của những trẻ em nghèo, người tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, dù bệnh tật đeo bám từ khi mới sinh ra.

'Ma' Ho cua nhung dua tre ngheo
"Chăm sóc thể chất và tinh thần cho tụi nhỏ trong căn phòng trọ chật hẹp này là cách mà tôi gieo cho chúng một tương lai, cũng là nuôi cho mình một nụ cười lạc quan", Ngô Tứ Hổ chia sẻ về ước mơ của mình. (Ảnh: NVCC)

Dạy con chữ, lo cả miếng ăn

Nghe tiếng gõ cửa, cậu học trò chạy ra, lễ phép khoanh tay chào khách. Dưới bếp, thầy Hổ đang nêm nếm chảo mì xào thơm phức. Không đợi thầy nhắc, lũ học trò đứa xếp bàn, dọn ghế, đứa lấy chén đũa, đứa rót nước mời thầy và khách. Nhìn mấy thầy trò miệt mài “chèo chống” loáng cái đã hết chảo mì, tôi nghĩ chắc không có lớp học nào mà… no bằng lớp học của thầy Ngô Tứ Hổ.

Từ lúc mới lọt lòng, Hổ đã bị xương thủy tinh, phải phẫu thuật cắt ghép phần xương cong đến bốn lần nên chiều cao chỉ tầm 1,4m. Tôi gặp Hổ cách đây mười mấy năm khi Hổ đang học cấp II. Hổ qua mấy bận phẫu thuật, bị tai biến, gia đình kiệt quệ đến nỗi cái tủ thờ cũng phải bán. Mẹ Hổ tâm nguyện dù hoàn cảnh khó khăn cũng cố gắng để Hổ có chữ nghĩa để mai sau còn nuôi sống bản thân. Nép bên mẹ, ánh mắt Hổ thật khó tả, vừa xa xăm vừa bế tắc, úp mở một nỗi niềm chưa thể thốt thành lời… 

Mới đây, tình cờ gặp lại trong một hội thảo, Hổ đã là chàng trai 26 tuổi, năng động, hoạt bát. Không chỉ nuôi sống bản thân như nguyện vọng của mẹ mà Hổ còn có nhiều hoạt động hữu ích cho cộng đồng: thầy giáo của những học trò nghèo ở địa chỉ 2/36 Đỗ Nhuận, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú, TP.HCM; đội trưởng đội thanh niên xung kích Hội Chữ thập đỏ P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân, TP.HCM;  huấn luyện viên sơ cấp cứu thành phố. Hễ học trò hay hàng xóm gặp vấn đề sức khỏe, tai nạn… trong khả năng của mình, thầy xử lý nhanh, hiệu quả.

Ở lớp học, thầy Hổ cưu mang bao học trò không khác gì cha mẹ. Tụi nhỏ vẫn gọi thầy Hổ một cách thân thương bằng… “má”. Tôi hỏi: phải nuôi học trò đang tuổi ăn tuổi lớn, bài toán “cơm áo gạo tiền” thầy tính toán sao? Thầy Hổ trả lời: “Chỉ khi lỡ có bệnh hoặc hư xe thì chậm trả tiền cho chủ nhà trọ thôi”. Với trên dưới hai mươi em nhỏ đủ lớp đến học theo ca ở đây, có những em có điều kiện thì đóng tiền học.

Thầy lấy tiền này để bù đắp cho những em mồ côi, nhà nghèo. Đôi khi tiền cạn nhưng không bao giờ sợ đói vì mọi người vẫn luôn nương tựa lẫn nhau. Những phụ huynh quá nghèo, không đóng tiền học được cũng cho mì ăn liền, người bán rau thì cho rau, người bán trái cây thì cho trái cây…

Ngoài dạy thêm giúp các em lấy lại căn bản để theo kịp chương trình, thầy còn dạy cho nhiều em gia đình nhập cư, chuyển chỗ ở thường xuyên, không có giấy tờ nên không đăng ký vào trường học được. Có bé mới hai tuổi rưỡi, không cha, mẹ đi lấy chồng, bà phải phụ bán hàng ăn suốt từ 3g sáng đến 10g đêm nên dắt sang giao cho thầy Hổ trông coi, rồi ngủ lại cùng thầy. Vừa là tình thầy trò vừa là tình cha con, sớm hôm chăm sóc nương tựa nhau.

'Ma' Ho cua nhung dua tre ngheo

Thầy trò đi chợ để làm cơm ăn trước khi vào buổi học. (Ảnh: NVCC)

 

Thầy trò nghèo gặp nhau ở niềm vui sống

Thầy Hổ cho biết, buổi đầu mở lớp học vào năm 2014 đã vấp phải nhiều trở ngại. Có cả những lời ác ý rằng thầy người ngợm như thế, tiếng nói như thế, đi đứng như thế, lại còn công khai là người đồng tính chắc chẳng dạy dỗ nên trò trống gì. Người đa nghi lại đặt vấn đề vì sao thầy cứ đóng cửa nhốt tụi nhỏ, biết có bạo hành không. Thực ra, trưa nào lớp cũng đóng cửa nghỉ ngơi. Tối thì mọi người trong xóm về sinh hoạt, để cho học trò tập trung phải đóng cửa. Thêm phần nếu mở cửa thì tụi nhỏ hiếu động sẽ có lúc chạy ào ra đường. 

“Tôi cảm ơn những người hàng xóm nghèo đã giao con cháu cho tôi dạy vì tin tưởng tôi. Chắt chiu từng đồng để lo cho con ăn học, cha mẹ phải tính trăm đường. Đó cũng là cuộc sống mà tôi đã trải qua”, thầy Hổ tâm sự. Thầy trò mỗi người một cảnh nhưng gặp nhau ở cái nghèo và niềm vui sống. Thầy trầm tư hồi tưởng: “Có lần, tôi đến nhà trọ tìm hoài không thấy trò đâu, mãi mới nhìn thấy cậu bé lọt thỏm giữa đống đồ đạc, quần áo, ve chai. Trò đã chui vào giữa những thứ ấy để tìm chút cảm giác được chở che. Khi nhỏ, tôi cũng có thời gian sống xa mẹ nên hiểu nỗi bơ vơ, côi cút 
của chúng”. 

Thầy Hổ nghiêm khắc mà giàu tình thương, phụ huynh từ các quận khác cũng liên hệ gửi con học. Đến nay, lớp của thầy Hổ đã kèm gần sáu mươi học sinh, có những em đã tốt nghiệp phổ thông trung học, học nghề, đi làm. Không chỉ học chữ, các em còn được thầy rèn giũa về sự tự tin, chấp nhận bản thân, lòng biết ơn, kỹ năng sống và sự xông xáo, năng động, tâm thế đương đầu với nghịch cảnh. “Chiêu” luyện bản lĩnh, sự dạn dĩ của thầy Hổ là trao quyền cho học trò làm tất cả những gì trong khả năng, thầy không làm thay, kể cả lên bảng giảng bài, nếu giảng tốt được thưởng… một ly trà sữa thầy làm.

Nhờ thế mà tụi nhỏ tự lập hơn, ý thức trách nhiệm hơn. Đường vào nhà đá lởm chởm, ngập nước, trò hăng hái trộn hồ trám đường phụ thầy. Thầy cảm sốt, viêm cơ, đau nhức chân… các trò nấu ăn, dọn ra bàn mời thầy và học chăm ngoan hơn mọi ngày, giữ không gian yên tĩnh cho thầy nghỉ ngơi. Đồ đạc ít dùng tới được cất trên gác, trò giành leo lên, thầy xương giòn mà trèo cầu thang lỡ té là khổ. Học trò tranh nhau báo hiếu thầy đến nỗi có lần chúng sợ thầy bệnh, sẽ chết sớm, nên phân công nhau lỡ xảy ra điều đáng tiếc ấy thì đứa nào thắp nhang, đứa nào nhổ cỏ, cắm hoa, đứa nào kể chuyện cho thầy nghe dưới ba tấc đất... Đang nằm thiêm thiếp vì sốt mà nghe “kịch bản” ngây ngô ấy, thầy Hổ phì cười, sóng mũi cay cay. 

Tôi lựa chọn: kỳ tật sinh kỳ tài

Từ bé, biết bao lần tôi nghe rằng “mày có tật, lớn lên chỉ thua người ta thôi, tương lai mày sẽ chẳng thể sáng hơn” và cũng nghe “kỳ tật sinh kỳ tài”. Tôi cho mình quyền lựa chọn câu thứ hai. Từng giờ tôi phấn đấu, từng ngày mải miết đi tìm cái tài của tôi. Chính cha tôi cũng không tin tôi có thể làm được việc gì bằng người ta. Cha không để ý tôi giỏi gì.

“Không có cơ hội thì đâu sợ mất cơ hội”, cha không cho tôi thi vòng tiếp theo một cuộc thi thủ công mỹ nghệ dù biết đó là sở trường nổi bật của tôi. Từ sâu thẳm, cha sợ tôi hoài công, thất vọng và ảnh hưởng sức khỏe. Mẹ thì luôn chấp nhận, đưa đi thi đơn giản chỉ vì… con mình muốn. 

Hồi học cấp II, tôi đi thi vẽ cấp thành phố, nhìn bạn thi ngồi cạnh đổ hộp màu ra là tôi khóc rồi. Hộp màu của bạn thì phong phú, rực rỡ, còn của tôi toàn những cây màu gãy khúc, góp nhặt trong thư viện của một trung tâm chấn thương chỉnh hình trong thời gian nằm phẫu thuật chân. Khóc một lúc rồi tôi tự trấn tĩnh “mình vẫn có hộp màu mà, còn hơn là không có” và tôi bắt đầu vẽ. Dù không được giải thưởng gì nhưng ít nhất tôi cũng có một bức tranh tự vẽ bằng ngón tay mình, bằng cảm xúc của mình. “Hộp màu tự tin” đã giúp tôi hoàn thành tác phẩm ấy. 

Ngô Tứ Hổ

Tô Diệu Hiền

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI