Lương chồng chuyển vào tài khoản vợ, cách nào?

15/12/2019 - 09:53

PNO - Chỉ vài cái tít mập mờ trên báo thôi, thế mà cả ngày hôm qua, các ông chồng, các bà vợ sôi sùng sục. Chuyện tiền nong, lương lậu mà, lúc nào chẳng nóng.

Chứ còn gì nữa, chuyện bao năm nay đang là vấn đề đau đầu của nhiều gia đình: Lương chồng bao nhiêu? Làm sao quản được lương chồng? Làm sao bắt chồng nộp hết tiền về nhà... bây giờ được giải quyết gọn hơ chỉ qua điều luật: Chuyển thẳng lương chồng vào tài khoản vợ.

Chẳng ai cần đọc kỹ hết bài báo, xem cái sự chuyển thẳng ấy nó ra sao, có điều kiện gì không. Có kẻ sướng cái đã! Cũng có kẻ tức cái đã! Rồi cũng có kẻ lo cái đã.

Luong chòng chuyẻn vào tài khoản vọ, cách nào?
Ảnh minh hoạ

Sướng thì tất nhiên là các bà rồi. Chứ sao. Từ nay đừng có mà giấu giấu diếm diếm, thậm thò thậm thụt hay lên mặt chuyện tiền bạc nhé. Nhà nước đã quy định như thế, tất phải có lý do của nó: nghĩa là lương anh làm ra là của vợ con, phải để cho vợ quản, vợ chi tiêu. Đừng có kiểu ai làm, nấy biết, muốn đưa bao nhiêu thì đưa, muốn cho ai thì cho hay đưa vài đồng bạc, không đủ ba bữa chợ mà mặt cứ vác lên trời, giọng cứ nặng như chì. Từ giờ thì mọi chuyện vô cùng đơn giản, cãi à? Tôi chìa luật vào mặt cho mà xem. Luật là luật. Luật là phải theo. Trốn đằng trời!

Tức thì tất nhiên là cánh đàn ông rồi. Thật ra lại cũng có hai kiểu tức. Có ông làu bàu: Cần gì luật, xưa nay đã là thế. Bả giữ tiệt cái thẻ ATM từ lâu rồi. Cấm thò ra đồng nào. Muốn chi tiêu riêng gì thì phải cố công mà cày thêm cày bớt, cho có khoản nọ khoản kia. Không đưa thẻ à? Toang cái nhà ngay. Nào cha mẹ mình đang ở chung. Nào con cái mình đang học hành, đang lớn lên có đủ cha đủ mẹ. Mình giống như bị bó rọ cả chân tay. Thôi thì, cứ đưa cho nó nhẹ đầu. Mình cũng còn trăm cách. Quản được hết khối đó. Nên đọc luật, cười nhạt.

Có ông thì nhảy dựng lên, la ỏm tỏi. Quen tự do độc lập dân chủ bao lâu nay rồi. Chi tiêu gọi là chia đôi chứ có chia được đôi khối ấy. Khoản nào cần thiết ghi rõ ra, đưa đủ. Mà đời sống thì trăm thứ bà dằn, vợ cứ phải ngậm đắng ngậm chát mà lo bổ sung cho vừa. Ông nhởn nhơ quen rồi, vẫn là hoàn thành nghĩa vụ. Nay có cái luật này thì biết trốn vào đâu. Nghĩ tới mỗi kỳ lương về, đâu còn phởn phơ nữa, là nhục, nhục lắm, phải xin từ tiền cà phê, trà nước trở đi. Bữa trưa nào có thêm một suất ăn cho cô đồng nghiệp xinh đẹp, khéo cũng phải tìm cách khác mà khai. Chịu thế nào nổi?

Thế là ngày hôm qua lắm bà cười ngoác cả ngày. Khối ông mặt mũi hầm hầm tức tối bàn luận: Luật liếc gì kỳ vậy? Can thiệp cả vào chuyện gia đình, chuyện trong chạn bát nhà người ta?

Ầm ĩ thế, vui phát rồ thế, tức phát điên thế, nên chẳng ai buồn giở bài báo ra mà đọc cho kỹ. Thật ra thì là có luật nào bắt ông phải nhất định chuyển tiền vào tài khoản của vợ ngoài ý ông đâu. Mới chỉ là “có thể” nghĩa là vì một lý do nào đó mà ông “cho” gia đình hết cả phần thu nhập cứng của ông, thì kế toán cơ quan cứ thế mà chuyển, không phải thắc mắc: Anh ơi, đây đâu phải tài khoản của anh...

Luong chòng chuyẻn vào tài khoản vọ, cách nào?
Ảnh minh hoạ

Nhưng cũng vì cái cảm xúc bộc phát ghê gớm đó của tất thảy mọi người, mọi gia đình, mới nhận ra: cứ thế thôi, âm ỷ hoài trong mọi nhà là chuyện tiền nong, kinh tế. Ai quản, ai chi, ai nộp, ai giấu...

Ừ thì, đồng tiền đi liền khúc ruột. Sống làm sao thiếu được tiền, nhất là trong thời buổi này, khi mà con người ta đua tranh với nhau từng ngày từ chuyện sắm một đôi giày đến một ngôi nhà, lấy vật chất đó làm chuẩn mực của thành công và hạnh phúc. Thế nhưng ngẫm lại mới càng lo: Cái thứ có thể bày ra, tính toán, bàn bạc, cân nhắc, chia sẻ với nhau cụ thể nhất, là tiền, mà trong các gia đình còn luôn luôn luôn bất ổn đến mức này, thì làm sao nói đến những hạnh phúc, bình ổn trừu tượng khác nữa.

Thôi thì, đừng mừng vội. Quy định chỉ là ở chỗ "có thể" thôi, chưa giúp các ông chồng, bà vợ giải quyết được vấn đề ấm ức bao lâu nay. Thì nhân lúc này mà ngồi xuống, bàn bạc lại với nhau cho thật ổn: Em cần mấy "góc" cái thẻ ATM của anh. Làm sao để cho cái chuyện ấy chẳng cần đến luật định nào mà gia đình vẫn thơ thới, an bình, mới là giỏi. Chồng thương cho niềm vui hụt của vợ, vợ thông cảm cho nỗi lo  của chồng mà đồng cảm để chia sẻ. Có hơn là phải chìa luật vào mặt nhau không? Còn gì là gia đình?

 Thanh Hà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI